Thịt Kangaroo ăn với lá ‘mơ – nông’

    394
    Lá Murnong làm cho thịt kangaroo ngọt, mềm và thơm hơn

    (Vietnamtimes) – “Chúng tôi phải ăn con vật khước bởi chúng sinh trưởng quá nhiều, phá hoại mùa màng, ăn hết thức ăn của nhiều giống loài khác, làm mất cân bằng sinh thái”…

    Bạn đã không hoạt động trong vài giờ”, chiếc đồng hồ thông minh đeo trên cổ tay chốc chốc lại rung lên nhắc nhở, vì chuyến bay từ Hà Nội tới Sydney dài tới gần 9 tiếng. Nhưng dù là smart watch thì nó vẫn có lúc ngu. “Tốt lắm, bạn đã hoạt động trở lại,” chiếc đồng hồ hân hoan thông báo khi máy bay… đi vào vùng nhiễu động.

    Tuy nhiên, cơn đau đầu do rung lắc dữ dội cũng sớm qua, nhờ vào dòng tin khá lạ trên tờ The Australian được phát trên máy bay. Theo đó, chính phủ Australia khuyến khích người dân năng ăn thịt kangaroo, dù đây là con vật mang tính biểu tượng, xuất hiện cả trên quốc huy của nước này.

    “Như thịt chó có lá mơ”

    “Thịt kangaroo khá ngon, giống như thịt bò,” anh bạn Tim Werner làm việc cho chính quyền bang Victoria nhoẻn miệng cười trong bữa ăn tại một nhà hàng ở Melbourne. Thực đơn hôm đó không có thịt chuột túi, nhưng Werner nói chúng cũng được bán phổ biến trong siêu thị.

    Lá Murnong làm cho thịt kangaroo ngọt, mềm và thơm hơn

    “Chúng tôi phải ăn con vật khước bởi chúng sinh trưởng quá nhiều, phá hoại mùa màng, ăn hết thức ăn của nhiều giống loài khác, làm mất cân bằng sinh thái,” Werner vừa giải thích thêm vừa mô tả về sự khác biệt giữa kangaroo với wallaby và wallaroo, những con vật cùng họ chuột túi nhưng nhỏ bé hơn.

    Nhưng dù to cỡ nào thì chuột túi cũng có thể được chế biến thành thức ăn. Thậm chí, chiếu theo quy tắc ăn uống sạch hiện đại thì việc ăn thịt kangaroo còn thân thiện với môi trường hơn cả ăn thịt bò hay thịt lợn. Bởi chuột túi sống trong hoang dã, không chỉ cung cấp nguồn thịt sạch mà còn không thải ra nhiều khí methane như các trang trại chăn nuôi.

    Đó là cách giải thích mang tính khoa học. Còn trong dân gian thì theo bếp trưởng kiêm chủ nhà hàng Brae, Dan Hunter, từ xa xưa thổ dân châu Úc đã ăn thịt kangaroo chứ không phải đến giờ người ta mới nảy ra sáng kiến ăn thịt chuột túi. Bởi đó là việc làm được mẹ thiên nhiên cho phép. Đơn cử, nếu ở Việt Nam, thịt chó phải ăn kèm với lá mơ lông thì tại Australia, ăn thịt kangaroo không thể thiếu được lá… “mơ-nông.”

    “Tên nó là murnong, một loại hoa cúc nhỏ đặc trưng của lục địa Australia và đảo Tasmania, có thể tìm thấy bất cứ đâu trên đất nước này”, Dan Hunter nói rồi chỉ ra thảm hoa xanh ngát với những đốm vàng nhỏ li ti ở nhà hàng – trang trại nổi tiếng nhất Australia của mình. “Murnong làm cho thịt kangaroo ngọt, mềm và thơm hơn,” Dan cho hay. Đấy là chưa kể, nhành lá murnong xanh đặt trên miếng fillet kangaroo màu đỏ trông cũng khá bắt mắt, nhất là với các tín đồ sống ảo thích cúng Facebook trước khi dùng bữa.

    Không chỉ ăn thịt kangaroo, người Australia còn xuất khẩu loại thịt này tới 55 nước. Nhưng tất nhiên là việc săn bắn chuột túi phải tuân theo hạn ngạch của cơ quan bảo vệ động vật hoang dã nước này. Mà nói đến chuyện bảo vệ môi trường sinh thái, có thể nói người Australia tuân thủ chặt chẽ đến mức khắc nghiệt khi đem so với nhiều quốc gia khác.

    Điều đó giải thích tại sao nhân viên hải quan tại sân bay Sydney hỏi đi hỏi lại xem tôi có đem thứ hạt giống hay thực phẩm, cả sống lẫn chín nào vào nước họ hay không. Thậm chí, dù tôi đã khai báo không thì họ vẫn cứ yêu cầu mở hành lý và săm soi gói cốm khô được đem từ Hà Nội sang làm quà cho bạn bè, như “gói chút mùa Thu quê hương mang sang xứ người”. Chỉ có điều, xứ người không chấp nhận những món quà lãng mạn kiểu đó, vì họ lo ngại sự xuất hiện của những sinh vật ngoại lai, hay dịch bệnh làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái vốn vô cùng đa dạng ở châu Đại dương.

    Thực khách thưởng thức các món ăn Australia tại Food and Beverage Trade Week 2017 tại Melbourne, bang Victoria

    Ăn sạch là xu hướng

    An toàn như thế là không thừa. Ông Richard Bolt, Bộ trưởng Kinh tế bang Victoria cho biết, trong số các quốc gia xuất khẩu thịt bò hàng đầu thế giới thì Australia là nước duy nhất miễn nhiễm với dịch bò điên. Và nhờ vậy, nước này đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu thịt bò lớn thứ hai chỉ sau Brazil.

    Thực ra câu chuyện thịt kangaroo chỉ để góp vui trong bữa ăn, bởi thịt bò hay chế phẩm từ sữa bò mới là mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp vốn tạo ra 325 ngàn việc làm, đem lại 155 tỷ USD mỗi năm và chiếm tới 12% GDP của Australia. Những thế mạnh còn lại là rau quả (gồm cả organic), hải sản, sơ sợi (lông cừu)…, trong đó bang Victoria dẫn đầu ở nhiều hạng mục, chiếm 30% giá trị xuất khẩu nông sản của toàn Australia, thu về 12 tỷ AUD cho bang này trong năm tài khóa 2014-2015 (một dollar Mỹ ăn 1,3 dollar Australia).

    Hoàng Nhật (Vietnam+)