Thời điểm tập luyện: khoa học chưa thống nhất!

    Chuyên gia cho rằng nên chọn thời điểm tập luyện phù hợp theo cá nhân, lúc nào không quan trọng. ảnh: TLTA
    Tập luyện lúc nào trong ngày là có lợi? Đó là thắc mắc của không ít người, đặc biệt khi vừa qua có thông tin một cựu hoa hậu tử vong sau khi tập vào sáng sớm. Thực tế đến nay khoa học vẫn chưa thống nhất tập luyện giờ nào là tốt nhất.
    Nên tập buổi sáng nếu muốn giảm cân
    Đó là ý kiến của Anthony Hackney, giáo sư ngành y học thể thao và tập luyện của đại học North Carolina Chapel Hill (Mỹ), bởi theo ông vào buổi sáng các thành phần hormone có tác dụng thiêu đốt mỡ đạt mức cao nhất. Vì thế tập vào buổi sáng, đặc biệt lúc bụng đói, là cách tốt để giảm cân. Các thành phần mà Hackney đề cập chính là cortisol và hormone tăng trưởng, can dự vào tiến trình chuyển hóa chất béo, tiết nhiều vào buổi sáng. Ngoài ra, vận động lúc sáng còn làm giảm cảm giác thèm ăn suốt ngày, điều này càng có lợi cho người muốn giảm cân.
    Một lợi ích khác của tập vào buổi sáng là điều chỉnh đồng hồ sinh học theo hướng có lợi. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of Physiology năm 2019, cho thấy việc tập luyện lúc 7 giờ sáng sẽ giúp cơ thể hoạt động sớm hơn, nghĩa là bạn sẽ tỉnh táo nhiều hơn vào buổi sáng và mệt mỏi sớm hơn vào buổi tối, điều này giúp bạn đi ngủ sớm và lặp lại quy trình tương tự vào hôm sau. Ngủ sớm, dậy sớm vẫn được xem là một thói quen tốt cho sức khỏe.
    Đổ mồ hôi vào buổi sáng cũng giúp cải thiện sức khỏe tâm thần và năng suất lao động cả ngày bởi tập luyện là cách giảm stress hữu hiệu. Nhưng nếu bạn không phải là người của buổi sáng thì cũng không nên cố gắng. Hackney nói: “Bạn vẫn có thể tập ở cường độ thấp mà không tiêu tốn quá nhiều năng lượng”.
    Tập lúc chiều cũng có ích
    Hackney cho rằng việc chuyển tập luyện sang buổi chiều không phải là chọn lựa tồi, đặc biệt khi bạn cố gằng tạo ra một thói quen nghiêm ngặt lâu dài. Tập buổi sáng rất lý tưởng để giảm cân, nhưng tập lúc chiều cũng mang đến điều này vì trước đó bạn đã ăn 1 – 2 bữa,
    Hackney giải thích: “Dù bạn ăn lúc nào thì lượng đường trong máu cũng tăng lên. Đường là glucose, một trong những thành phần mà chúng ta cần đến khi vận động ở cường độ cao”.
    Tập buổi chiều cũng giúp tránh hiện tượng kiệt quệ lúc cuối ngày. Nghiên cứu của Journal of Physiology nhận thấy việc vận động cơ thể từ 1 – 4 giờ chiều có thể giúp thúc đẩy đồng hồ sinh học tương tự như khi tập lúc sáng sớm. Không cần tập gì đặc biệt, đi bộ nhanh cũng được.
    Thú vị hơn là một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy cơ thể có xu hướng đốt năng lượng lúc chiều nhiều hơn 10% lúc sáng hay lúc tối. Vì thế, nếu muốn tiêu hao thêm một chút năng lượng bạn cũng nên lưu ý điều này.
    Tập buổi tối vẫn có thể ngủ ngon
    Nhiều người thích tập sau giờ làm, nhưng có quan niệm cho rằng tập buổi tối sẽ khó ngủ. Nghiên cứu đăng trong Journal of Physiology cũng xác nhận việc tập luyện từ 7 – 10 giờ tối sẽ làm chậm đồng hồ sinh học khiến giấc ngủ đến trễ hơn. Tuy nhiên Hackney không tin điều này. Ông nói: “Có bằng chứng gợi ý ngay cả khi bạn không tập luyện, việc đi tắm rồi ngay sau đó lên giường ngủ cũng không làm giấc ngủ bị xáo trộn”. Ông nói thêm, cần biết là một hình thức tập luyện như yoga cũng có thể giúp bạn ngủ ngon nếu tập vào buổi tối.
    Niềm tin của Hackney có cơ sở vì một nghiên cứu đăng trên tạp chí Experimental Physiology năm 2019 cho thấy việc tập lúc tối không làm rối loạn giấc ngủ, chưa kể lâu dài còn làm giảm hormone ghrelin gây kích thích đói và giảm cân.
    Bất chấp quan niệm phổ biến tập luyện lúc sáng là tốt nhất, Hackney cho rằng không có thời điểm nào là bất lợi, điều quan trọng nhất vẫn là thời điểm phù hợp với mỗi cá nhân. Ông nói: “Nếu thích hợp buổi sáng, bạn cứ tập lúc sáng. Nếu thích hợp buổi tối, bạn cứ tập lúc tối. Còn nếu sinh lý không phù hợp với hành vi thì đó mới là chuyện đáng nói”.
    Tâm An (Theo TGHN)
    Khai trương “Siêu thị 0 đồng” phục vụ đồng bào khó khăn do đại dịch