Thời trang & trồng rừng

    90
    Dieu Anh Space City & Sea Collection
    Nhà thiết kế Đào Lê Diệu Anh vừa tham gia dự án Hạnh Phúc Xanh phủ xanh 10ha rừng phòng hộ ven biển Thuận Nam, Ninh Thuận bằng hơn 20.000 cây thanh thất xanh. Mỗi cá nhân có thể góp sức trồng một cây xanh.
    Người mua sản phẩm sẽ chọn trang phục và chuyển thẳng số tiền vào tài khoản của quỹ, sau đó chụp màn hình tài khoản, ngày hôm sau sẽ nhận được sản phẩm. Chỉ trong 3 ngày, người mua các sản phẩm của Diệu Anh đã “trồng” được 200 cây. Mỗi trang phục với giá tiền vừa phải nhằm mục đích giúp cho người tiêu dùng có được một trang phục đẹp và sử dụng sản phẩm mang ý nghĩa cộng đồng. Ví dụ như một cái áo người tiêu dùng mua với giá tiền 500 ngàn sẽ tương đương với việc họ đã gián tiếp trồng được 4 cái cây chung tay phủ xanh đồi trọc. Là một nhà thiết kế có thâm niên gần 20 năm theo nghề, đây không phải là lần đầu cô tham gia vào những chiến dịch mang tính bảo vệ môi trường.
    Ngay đối với những sản phẩm trang phục được thiết kế để phục vụ người mặc, Diệu Anh đã dùng những chất liệu bền, hút mồ hôi và đặc biệt kiểu dáng không lỗi mốt để người mặc có thể sử dụng được dài lâu hơn loại thời trang kiểu “fastfood”. Đặc biệt cô sắp tung ra một  bộ sưu tập những trang phục có thể lắp ráp theo các kiểu dáng trong một sản phẩm giúp cho người mặc có thể chỉ cần mua một cái nhưng tự phối các mảnh rời ráp lại thành cái khác. Một người tiêu dùng thông minh, theo cô, là ý thức được việc mình đang sử dụng những đồ dùng có hữu ích cho bản thân và cho cả xã hội hay không, chứ không phải mua một cách máy móc, hay “mua đại cho xong”.
    Diệu Anh cho rằng nếu sắp tới, các nhà thiết kế biết kết hợp với các nhà sản xuất dệt may và các làng nghề sản phẩm thủ công (lụa, thổ cẩm…) sẽ tạo ra một thị trường thời trang có tính xu hướng ủng hộ hàng Việt thủ công, sản phẩm làm từ tài nguyên bản địa, để từ đó có thể kêu gọi mọi người tiêu dùng có ý thức.
    Dù chỉ là một thương hiệu nhỏ, Diệu Anh cũng đã chung tay hành động. Cũng có lúc cô trăn trở với suy nghĩ một bên là ngành thời trang có thể tạo ra lượng rác thải khổng lồ cùng với việc tiêu tốn biết bao tài nguyên để phát triển, nhưng bên cạnh đó, làm đẹp là một nhu cầu thiết yếu của con người. Vì thế, làm thế nào để dung hòa được việc bớt đi “gánh nặng” cho trái đất mà vẫn duy trì lối sống đẹp cho con người là một trong những băn khoăn và bài toán mà mỗi nhà thiết kế thời trang phải giải quyết cho các bộ sưu tập mới. Dù vậy, hiện nay, xu hướng thay thế chất liệu có thể tiêu hủy được đang lên ngôi dù nó không phục vụ cho giới bình dân vì giá cả rất đắt của nó.
    Việc bảo vệ môi trường không phải là làm theo phong trào hay tùy hứng, nó thật sự khởi lên từ tâm thức và lòng yêu thiên nhiên của mỗi người. Thế giới ngày nay, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, doanh nghiệp tìm cách giải quyết vấn đề tiêu thụ sản phẩm kết hợp với những chương trình nâng cao giá trị sống. Và Việt Nam không ngoại lệ. Hy vọng có thêm những cá nhân như Diệu Anh ngày càng đông hơn, chí ít khiến chúng ta hy vọng vào tương lai hơn là những tin tức về nạn phá rừng vẫn ngang nhiên diễn ra.
    Thu Thảo
    Chuyện ba người… làm ra điều kỳ diệu