Thời trang Uniqlo được sản xuất với 50% vật liệu tái chế từ năm 2030

124
Hiện 15% sợi polyester trong các sản phẩm thời trang Uniqlo được tái chế từ chai PET. Ảnh: Nikkei Asia

Fast Retailing – công ty mẹ của nhãn thời trang nhanh Uniqlo – cho biết các sản phẩm thời trang của tập đoàn sẽ được làm từ 50% vật liệu tái chế vào năm 2030.

Mục tiêu này được công bố vào hôm 2-12 cùng với các mục tiêu bền vững khác. Hồi tháng 2-2021, Fast Retailing nói rằng sẽ nỗ lực để đạt được mục tiêu trung hòa khí phát thải vào năm 2050.

Hiện tại, khoảng 15% sợi polyester mà Fast Retailing sử dụng đến từ chai nhựa PET tái chế. Công ty cho biết họ sẽ thử nghiệm với với sợi tổng hợp như rayon và nylon khi bắt đầu nâng cao tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong hàng may mặc của mình.

Fast Retailing cũng nêu rõ kế hoạch giảm lượng khí thải carbon của mình đến năm 2030. Tập đoàn dự định giảm 90% lượng khí thải này so với mức năm 2019.

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại các cửa hàng sẽ là chìa khóa quan trọng vì các cửa hàng này chiếm phần lớn tổng lượng khí thải của công ty. Fast Retailing đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí phát thải từ các cửa hàng mặt tiền đường phố và giảm hơn 20% từ các cửa hàng bên trong trung tâm thương mại.

Tập đoàn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ điện sang các nguồn năng lượng tái tạo của các cửa hàng. Hiện tại, 64 cửa hàng Uniqlo tại 9 quốc gia châu Âu chạy bằng năng lượng tái tạo. Tất cả các cửa hàng ở Bắc Mỹ và một số cửa hàng ở Đông Nam Á sẽ tuân theo và hoàn thành việc chuyển đổi vào cuối năm tài chính này kết thúc vào tháng 8 năm sau, Fast Retailing cho biết.

Fast Retailing cũng khuyến khích các công ty thuộc chuỗi cung ứng giảm lượng khí thải. Trong số các nhà cung cấp nguyên liệu thô và các nhà máy may, họ dự kiến ​​cắt giảm 20% lượng khí thải vào năm 2030, dựa trên mức năm 2019. Fast Retailing sẽ xem xét hỗ trợ tài chính để giúp các nhà máy đầu tư vào cơ sở vật chất.

Ngành công nghiệp thời trang được nhiều người coi là ngành gây ô nhiễm nhất thứ hai trên thế giới.

Giám đốc Fast Retailing Koji Yanai nói với các nhà báo tại Tokyo rằng hãng sẽ giảm lãng phí bằng cách cải thiện độ chính xác của dự báo khối lượng sản xuất và bằng cách cải tổ hoạt động hậu cần của mình. Hãng hy vọng những bước này sẽ giúp bán hết những sản phẩm may mặc đã hoàn chỉnh.

Nhà sản xuất quần áo bình dân cũng sẽ có dịch vụ thu hồi quần áo cũ. Theo tầm nhìn của Yanai, khi một chiếc áo khoác mới được giao, khách hàng sẽ có thể giao cho người giao hàng một chiếc áo khoác cũ.

Fast Retailing cũng có kế hoạch hợp tác nhiều hơn với các nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp khác, bao gồm các hãng xe và nhà sản xuất vật liệu xây dựng. Fast Retailing và nhà sản xuất vật liệu Toray sẽ thành lập một cơ sở nghiên cứu vào năm 2022 chuyên lưu thông hàng may mặc và phát triển vật liệu mới.

Các thương hiệu may mặc khác cũng đang đi theo hướng tương tự. Hãng sản xuất thời trang ngoài trời Patagonia có trụ sở tại Mỹ dự định sản xuất tất cả các sản phẩm bằng 100% vật liệu tái chế vào năm 2025.  Hãng thời trang nhanh Hennes & Mauritz  của Thụy Điển đặt mục tiêu đến năm 2030 là tất cả các sản phẩm của H&M được sản xuất từ vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững.

Nikkei Asia bình luận so với các thương hiệu khác, mục tiêu của Fast Retailing tương đối thấp hay mờ nhạt. “Chúng tôi đặt khách hàng lên hàng đầu. Đây là con số tối đa mà thương hiệu của chúng tôi có thể cam kết. Chúng tôi không coi mục tiêu của mình là thấp. Từ bây giờ, mọi người sẽ đánh giá xem mỗi thương hiệu đang cố gắng hoàn thành trách nhiệm gì sau khi bán quần áo”, Yanai nói.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC cuối ngày giao dịch quanh ngưỡng 60 – 60,7 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở mỗi đầu mua vào bán ra so với phiên sáng. Trên thị trường thế giớ, giá vàng hôm nay mất 12 USD/oz xuống còn 1.780 USD/oz và sau đó tăng nhẹ lên 1.784 USD/oz.

2/ Tập đoàn Nam Việt (Navico) phối hợp Công ty Amicogen của Hàn Quốc làm lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến collagen peptide và gelatin từ da cá tra tại Khu công nghiệp Thốt Nốt, Cần Thơ.  Với năng lực sản xuất khoảng hơn 450 tấn nguyên liệu/ngày như hiện nay, mỗi ngày nhà máy chế biến của Navico có thể cung cấp một lượng da cá tra rất lớn cho sản xuất collagen và gelatin. Da cá tươi có giá dao động từ 0,5 USD/kg, nếu sản xuất ra collagen có thể đạt mức từ 25 USD đến 40 USD/kg.

3/ Ông Võ Công Thức – trưởng phòng Quản lý chất lượng ngành lương thực thuộc Tập đoàn Lộc Trời – xác nhận Lộc Trời có 2 giống gạo dự thi gạo ngon nhất thế giới năm nay. Đó là gạo Thiên Vương và Tiên Nữ. Hai mẫu gạo này là giống riêng của Lộc Trời tự chọn tạo và được canh tác theo mô hình riêng. Đây là loại gạo thơm được canh tác tại An Giang theo quy trình canh tác lúa gạo bền vững (SRP), trong đó có 1 loại đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Hai loại gạo này có giá thành cao trên thị trường và được các nước châu Âu, châu Á rất ưa chuộng.

Các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó trong cuộc thi World’s Best Rice năm nay vì sau khi gạo ST25 của Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, nhiều cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam đã vi phạm quy định sở hữu trí tuệ và tài sản thương hiệu của TRT.

4/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11, kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 4,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với tháng 11-2020 và tăng 5,8% so với tháng 10-2021. Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt gần 43,5 tỉ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước.

Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản số 1 khi chiếm 43,1% thị phần, tiếp đến châu Mỹ (29,6%), châu Âu (11,5%). Đáng chú ý, Hoa Kỳ là quốc gia nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam nhiều nhất khi giá trị xuất khẩu đạt trên 11,9 tỉ USD (chiếm 27,5%), vượt Trung Quốc đứng thứ 2 với giá trị xuất khẩu gần 8,4 tỉ USD (chiếm 19,2%), sau đó đến Nhật Bản và Hàn Quốc.

5/ Hiệp hội doanh nghiệp hàng không (VABA) tiếp tục đề nghị Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay ưu đãi do nguồn tài chính đã cạn kiệt. Theo VABA, từ khi bùng phát dịch đợt dịch  lần thứ 4 ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng doanh thu giảm 80-90%; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện.

Vì vậy, VABA đề nghị Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) xem xét, chấp thuận, gửi văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không vay gói tái cấp vốn 4.000 – 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ, vay tối đa 3 năm). Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách.

6/ General Motors Co (GM) công bố dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm nay sẽ đạt khoảng 14 tỷ USD, cao hơn so với dự báo 11,5-13,5 tỷ USD trước đó bất chấp thiếu hụt chip và khủng hoảng chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của Covid-19. Giám đốc tài chính Paul Jacobson nói rằng hoạt động tài chính của GM cải thiện tốt nhờ nhu cầu tiêu dùng cao, giá xe mới cao và nguồn cung chất bán dẫn ổn định hơn. Tuy nhiên, lưu ý sản lượng ôtô và lượng xe tồn kho của hãng sẽ không trở lại mức bình thường cho đến cuối năm 2022. Ngoài ra, GM cũng đang gặp khó khăn vì chi phí của các loại phụ tùng ôtô gia tăng.

Dù phục hồi mạnh mẽ sau cú sốc Covid-19 và kế hoạch tăng gấp đôi doanh thu đến năm 2030, mức giá trị thị trường 84 tỷ USD của GM vẫn thấp hơn so với giá trị 1.000 tỷ USD của Tesla cũng như cách xa so với hãng sản xuất xe tải và xe điện Rivian.

7/ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 2-12 cho biết, giá tiêu dùng của nước này trong tháng 11-2021 tăng lên mức cao nhất trong gần 10 năm do chi phí năng lượng và giá nông sản tăng cao. Giá tiêu dùng trong tháng 11/2021 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 3,2% trong tháng 11/2021. Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hong Nam-ki cho biết, giá tiêu dùng trong tháng 12-2021 có thể tăng với tốc độ chậm hơn so với tháng 11 do giá dầu có dấu hiệu ổn định trở lại. Ông cũng cho biết tác động của việc cắt giảm thuế nhiên liệu sẽ cho thấy hiệu quả bắt đầu từ tháng này.

8/ Ấn Độ lên kế hoạch tăng trợ cấp phân bón lên mức kỷ lục 20,64 tỷ USD, nhằm tránh rơi vào khủng hoảng trong bối cảnh giá hóa chất toàn cầu tăng mạnh.

Ấn Độ hiện là nhà nhập khẩu phân urê hàng đầu, đồng thời là khách hàng mua số lượng lớn đối với diammonium phosphate (phân DAP). Tuy nhiên, giá phân bón thế giới mấy tháng gần đây đã tăng đột biến lên tới 200% so với năm ngoái, khiến New Delhi hai lần tăng trợ cấp phân bón lần lượt là 835,48 tỷ rupee và 434,30 tỷ rupee.

Ngành nông nghiệp Ấn Độ thường phải nhập khẩu trung bình 60% nhu cầu phân bón DAP, trong tổng số khoảng 10-12 triệu tấn tiêu thụ hàng năm. Trong số này có trên dưới 40% nguồn hàng đến từ Trung Quốc.

Grab chính thức lên sàn Nasdaq ngày 2-12