Thu hoạch mùa màng châu Á và châu Phi giảm do giá phân bón tăng vọt

83
Vóc lúa của nông dân Sri Lanka. Đất nước Nam Á này không có ngoại tệ để nhập khẩu phân bón, khiến sản lượng nông nghiệp có thể sụt giảm 10% trong vụ mùa 2021 - 2022. Ảnh: Reuters

Sản lượng thu hoạch ở một số khu vực châu Á và châu Phi đã sụt giảm mạnh do nông dân không đủ tiền mua phân bón do giá tăng quá cao. Tình trạng làm dấy lên nỗi lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ngày càng trầm trọng.

Các biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt đối với Nga và Belarus sau khi cuộc chiến Ukraine – Nga bùng nổ đã thu hẹp nguồn cung potassium chloride – một hợp chất quan trọng để sản xuất phân bón.

Phân bón vô cơ cần có các nguyên liệu thô như nitrogen, phosphoric acid và potassium (kali). Nga và Belarus chiếm 40% tổng lượng xuất khẩu potassium chloride toàn cầu. Do đó, giá nguyên liệu chế tạo phân bón trong năm 2022 cao hơn năm ngoái 60 – 70% – theo dữ liệu công bố trong tháng 10 của Ngân hàng Thế giới (WB).

Khi nguồn cung giảm, các nước phát triển giàu có đã gấp rút mua trữ để đảm bảo nguồn nguyên liệu thô và phân bón. Hồi tháng 9, Mỹ đã công bố khoản trợ cấp 500 triệu USD cho các hãng phân bón. Khoản này cao gấp đôi chương trình trợ cấp tương tự chính phủ Mỹ đưa ra vào tháng 3, ngay sau khi Nga đưa quân vào Ukraine. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang tìm cách tạo ra một chuỗi cung ứng quốc gia về phân bón vô cơ.

Nhật Bản hiện đã chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu thô cho phân bón chủ yếu từ Maroc và Canada, thay cho nguồn từ Nga và Trung Quốc. “Để đảm bảo nguồn cung phân bón ổn định, các nước cần chuyển sang sản xuất trong nước và đa dạng hóa chuỗi cung ứng nguyên liệu”, chuyên gia nông nghiệp Yasufumi Miwa tại Viện Nghiên cứu Nhật Bản cho biết.

Nhưng ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp, nhiều nông dân đang thiếu tiền để mua phân bón. Hiệp hội Phân bón Quốc tế (IFA) dự báo việc sử dụng phân bón hóa học trên toàn cầu sẽ giảm tới 7% trong năm 2022, với mức giảm đáng kể được dự báo là ở hai lục địa Á – Phi.

Theo IFA, sản lượng bắp toàn cầu sẽ giảm 1,4%, gạo 1,5% và lúa mì 3,1%. John Aylieff, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương thuộc Chương trình Lương thực Thế giới (FAO) của Liên hiệp quốc, nói rằng tình trạng thiếu lương thực toàn cầu có thể vẫn chưa được giải quyết vào năm 2023.

“Ngay cả ở các nước mới nổi và đang phát triển, sự chênh lệch về năng suất cây trồng và thu nhập sẽ ngày càng gia tăng giữa những người nông dân có đủ khả năng mua phân bón và những người không có khả năng”, Yukiko Nozaki thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Mitsui & Co. cho biết.

Theo ước tính của Liên hiệp quốc, sản lượng vụ thu hoạch 2021 – 2022 của Sri Lanka – quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế – đang trên đà giảm 40 – 50%. Trước đó, nhân giá phân bón tăng vọt, cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa – người bị lật đổ hồi tháng 7 – đã cấm sử dụng phân hóa học. Biện pháp của Gotabaya nhìn bề ngoài là để thúc đẩy canh tác hữu cơ nhưng thực chất là do thiếu hụt ngoại tệ để nhập khẩu phân bón tổng hợp. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ nhưng Sri Lanka vẫn thiếu hụt phân bón nghiêm trọng.

Tại Myanmar, sản lượng gạo dự kiến ​​sẽ giảm đáng kể. Hồi tháng 10, FAO dự báo rằng sản xuất lúa gạo của nước này sẽ giảm 10% so với mức trung bình 5 năm. Sự sụt giảm này là hệ quả của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với chính quyền quân sự Myanmar sau cuộc đảo chính đầu tháng 2-2021. Phần lớn các khu vực nông thôn của Myanmar về cơ bản đã biến thành vùng chiến sự.

Gạo là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Myanmar, và sản lượng giảm chắc chắn sẽ thắt chặt nguồn cung.

Ricky Hồ / BSA