“Thuận thiên” giúp đồng bằng hồi phục sức khỏe, chống chọi tốt hơn

    Nghị quyết (NQ) 120 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ban hành năm 2017. Nhiều ý kiến cho rằng “bốn năm rồi, đã có gì đâu”. Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về  tình hình sinh thái ĐBSCL, trao đổi với Thế Giới Hội Nhập xung quanh các vấn đề về phát triển của đồng bằng:
    Cần phải hiểu rõ NQ 120 là một chiến lược có tính định hướng chứ không phải là một kế hoạch có thể đem ra thực hiện ngay được. Ở tầm chiến lược, sau hội nghị về ĐBSCL tại Cần Thơ cho ra NQ 120, trong ba năm qua chính phủ đã tổ chức hai hội nghị lớn nữa về việc thực hiện NQ 120. Cũng trong thời gian đó, Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT soạn thảo chương trình tổng thể về nông nghiệp ĐBSCL và Bộ KHĐT soạn thảo Quy hoạch tích hợp cấp vùng ĐBSCL. Điều này cho thấy sự cam kết và quyết tâm rất lớn của Chính phủ đối với đồng bằng. Nếu ví ĐBSCL như một con tàu thì NQ 120 giống như la bàn chỉ hướng cho con tàu đi về hướng nào, sau đó việc dịch chuyển con tàu theo hướng đã vạch thì phải có các kế hoạch cụ thể để thực hiện. Do đó, trong giai đoạn đầu này, việc đặt nền tảng theo định hướng quan trọng hơn là việc con tàu đã dịch chuyển được bao nhiêu.
    Nhận định của ông về những nét lớn của NQ 120?
    Tôi thấy NQ 120 là một “liên hoàn kế” khá toàn diện cho sự phát triển của đồng bằng, gồm có “5 tinh thần” chính.
    Thuận thiên: Đây là tinh thần cốt lõi của NQ 120 và là một tinh thần rất sáng suốt, bởi vì quy luật tự nhiên thì không gì có thể thay đổi được. Thuận quy luật tự nhiên sẽ đỡ vất vả và được hưởng lợi. Thuận thiên không có nghĩa là không làm gì. Nhưng “làm gì” thì phải “thuận thiên”, phải hiểu quy luật tự nhiên, tránh can thiệp quá thô bạo vào tự nhiên, thay đổi căn bản điều kiện tự nhiên sẽ phát sinh những hệ lụy phải trả giá về sau. Theo đó, nên áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc”, ưu tiên những hành động nào mang tính hối tiếc thấp, tức là ít rủi ro, sai lầm. Những hành động chi phí cao, rủi ro sai lầm cao, khó sửa đổi, khó thoái lui khi nhận ra sai lầm thì được xếp vào loại “hối tiếc cao” và nên được xếp ưu tiên thấp.
    Chuyển hướng nền nông nghiệp từ thuần túy làm nông nghiệp chạy theo sản lượng sang làm kinh tế nông nghiệp có nghĩa là không lấy năng suất làm chỉ tiêu thành công, chú trọng vào tính kinh tế của sản xuất, theo đó cần nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị, gia tăng chế biến, cải thiện điều kiện logistics, cải thiện tiếp cận thị trường, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, theo hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, duy trì sức khỏe cho đất đai, ít sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu.

     

    Quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch 2017 là cách tiếp cận quy hoạch tiên tiến, hiện đại, cho phép đối xử với đồng bằng như một cơ thể sống vận hành hài hòa, nhất thể. Nói một cách dễ hiểu, hình dung quy hoạch tích hợp giống như khi chế tạo một chiếc xe đạp thì có bản vẽ thiết kế tổng thể chiếc xe đạp trước, sau đó mới vẽ chi tiết từng bộ phận, khi lắp ráp lại thì chiếc xe đạp mới vận hành như một hệ thống thống nhất, ăn khớp, hài hòa. Quy hoạch tích hợp không phải là phép cộng các quy hoạch ngành, các quy hoạch địa phương.
    Xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên. Đây là một tinh thần sáng suốt của NQ120 bởi vì nhận ra được tầm quan trọng, cơ hội kinh tế của nước mặn, nước lợ; giảm bớt việc kiểm soát, chống lại quy luật tự nhiên, giảm bớt sự cắt đứt liên lạc sông – biển, giảm ô nhiễm cho sông ngòi, duy trì liền lạc sông biển sẽ duy trì được hệ sinh thái và hải sản.
    Xoay trục ưu tiên từ “lúa – cây trồng khác – thủy sản” sang “thủy sản – cây trồng khác – lúa”. Đây cũng là một chiến lược hay, vì thực tế không cần canh tác ba vụ liên tục trong nhiều năm để có an ninh lương thực. Thủy sản gồm có thủy sản tự nhiên và thủy sản nuôi, gồm thủy sản nước ngọt, mặn, lợ, thủy sản nước tĩnh và nước chảy. Thủy sản với diện tích nhỏ hơn mang lại lợi nhuận cao hơn. Khi nói về thủy sản thì phải nói về chất lượng nước. Do đó, việc này liên hoàn với vấn đề nông nghiệp.
    NQ được thực hiện tốt sẽ tác động như thế nào đối với ĐBSCL, thưa ông?
     Nếu tinh thần NQ 120 được thực hiện đúng đắn thì sẽ có tác dụng lớn đối với ĐBSCL.
    Thứ nhất, nhiều vấn đề mà hiện nay chúng ta xem là nghiêm trọng sẽ dễ giải quyết hơn hoặc không còn là vấn đề nữa. Ví dụ, chuyện xâm nhập mặn vùng ven biển mùa khô cũng một phần là vì chúng ta đã làm mất khả năng đề kháng của đồng bằng. Mùa lũ thì chúng ta bao đê khép kín khắp nơi, kể cả ở vùng tứ giác Long Xuyên – Đồng Tháp Mười và miệt vườn ở vùng giữa đồng bằng nên nước không có không gian, không vào đồng được thì chảy ra biển.
    Khi mùa khô đến thì đồng bằng cũng đã hết nước trước rồi vì hồi mùa lũ đâu có hấp thu vào. Trong mùa khô thì có nhiều vùng ngọt hóa để trồng lúa. Gọi là ngọt hóa nhưng thực chất là cơi nới, là lấn vùng ngọt vào lãnh địa của vùng mặn. Vì vậy khi có những năm hạn cực đoan thì một là đồng bằng đã khô trước và hai là các vùng cơi nới này không có nước bên trong, cả nước ngọt lẫn nước mặn. Vậy nên chúng ta đã tự tạo cho mình “tính dễ bị tổn thương” vì chống chọi với quy luật của tự nhiên.
    Nếu thực hiện đúng nghị quyết, không tiếp tục chống chọi ngược lại với thiên nhiên nữa thì không tự tạo ra tính dễ bị tổn thương nữa. Đồng bằng sẽ đỡ phải vất vả, vật lộn với thiên nhiên để mùa lũ thì “oằn mình chống lũ” mùa khô thì “gồng mình chống hạn”.
    Thứ hai là hiệu quả kinh tế sẽ tốt và bền vững hơn, bởi vì trước đây chúng ta lấy thành tích là số lượng lúa thu hoạch, những chi phí khác đâu có được tính toán, như tiền làm đê không được tính vào lời lỗ của hạt lúa, các công trình ngăn mặn làm mất động lực thủy triều làm sông không chảy, tù đọng ô nhiễm, lục bình bùng phát khắp nơi không còn chèo ghe đi xuồng gì được nữa, mất hết tôm cá, nước sông không còn tắm được, không sử dụng được cho sinh hoạt làm gia tăng sử dụng nước ngầm gây sụt lún đất…
    Tất cả những chi phí này không được tính toán vào giá thành sản xuất hạt gạo, cho nên chúng ta tưởng là tăng vụ có thu nhập nhưng thực ra đang lỗ. Một học trò của tôi làm luận án tiến sĩ bên Đại học quốc gia Australia đã tính toán, dù chưa đầy đủ, rằng cứ làm lúa ba vụ trong 15 năm liên tục thì nếu cộng chi phí đê, mất phù sa, mất cá mùa lũ, thì bị âm 47,3 triệu đồng, tức là mỗi năm bị lỗ hơn 3 triệu đồng mỗi ha. Hay nói cách khác là càng làm thâm canh lúa ba vụ thì quốc gia càng nghèo đi, chứ không khá nổi.
    Thứ ba là gìn giữ được những giá trị cốt lõi của ĐBSCL (sức khỏe đất đai, sức khỏe sông ngòi, và nét văn hóa sông nước). Giảm cường độ canh tác lúa ở vùng đầu nguồn sẽ dưỡng được đất đai, bớt sử dụng phân, thuốc, bớt đê bao khép kín thì sẽ hấp thu được nước lũ, giảm ngập cho vùng cây trái bên dưới. Giảm cơi nới, bành trướng vùng ngọt vào vùng mặn thì sẽ giảm được công trình bít sông rạch, để cho sông rạch được thông thoáng hơn, sạch hơn, tôm cá có nơi sinh sống. Sông ngòi phục hồi được thì mới gìn giữ được nét văn hóa sông nước của miền Tây. Tại hội nghị lần thứ ba về NQ 120, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó đã nói tại hội nghị “không có sông rạch thì không có văn hóa miền Tây” và ông cũng đã đưa ra chiến lược 8G, trong đó chữ G thứ ba là Giang – sông.

    Tương lai của đồng bằng như thế nào trong hình dung của ông?
    Khi nói về ĐBSCL, người ta sẽ nghe hai mặt vấn đề.
    Một mặt là thành tích xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng từng bước phát triển, thành tích GDP tăng, sản lượng nông nghiệp ổn định, tiềm năng phát triển còn nhiều.
    Mặt khác thì sẽ nghe về một loạt các vấn đề, các mối đe dọa nghiêm trọng: biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nguy cơ nhấn chìm đồng bằng, hạn hán và xâm nhập mặn, thiếu hụt phù sa, cạn kiệt nguồn cát dẫn tới sạt lở bờ sông, bờ biển, cạn kiệt thủy sản tự nhiên của sông ngòi, đồng ruộng, cạn kiệt thủy sản biển, đất đai cạn kiệt dinh dưỡng, ô nhiễm sông ngòi, cạn kiệt nước ngầm, sụt lún đất, ngập đô thị, và cuối cùng là số người đồng bằng bỏ xứ ra đi khá nhiều.
    Với danh sách các vấn đề dài và rối rắm như vậy, một mặt là chúng ta không biết bắt đầu từ đâu, mặt khác là tâm lý lo lắng và “phải làm gì đó” nhanh chóng để giải quyết từng vấn đề một. Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề, không chỉ dựa vào hiện tượng hay “triệu chứng” mà cần tìm hiểu bản chất, nguyên nhân gốc rễ một cách có hệ thống. Nếu theo phương pháp “kê toa theo triệu chứng” thì khó giải quyết được vấn đề một cách có hệ thống và khó có được sức khỏe tổng thể của hệ thống.
    Xét khía cạnh sinh thái, các vấn đề ĐBSCL có thể xếp thành 3 nhóm: (1) Biến đổi khí hậu ở tại ĐBSCL và nước biển dâng (2) Tác động từ thượng nguồn và (3) Vấn đề nội tại ở ĐBSCL. Cách làm của NQ 120 với những tinh thần chính nêu ở trên là cách làm đạt tầm. Nó sẽ cho phép đối xử với đồng bằng như một cơ thể sống chứ không phải chặt khúc, phân mảnh đồng bằng ra mà phân tích hoặc “kê toa theo triệu chứng”.
    Tuy NQ 120 chỉ tập trung giải quyết những vấn đề nội tại của ĐBSCL, nhưng nhờ đó sức khỏe của đồng bằng sẽ được phục hồi, có khả năng chống chịu tốt hơn với những tác động từ bên ngoài. Tôi nhìn thấy một tương lai sáng cho ĐBSCL phía trước.
    Lê Nguyên (Theo TGHN)
    “Xơ mướp khởi nghiệp”