Thực phẩm chứa lợi khuẩn là xu hướng mới hậu Covid

115

Đó là sự khẳng định của nhiều diễn giả tại hội thảo: “Những thay đổi trong xu hướng tiêu dùng thực phẩm và đồ uống sau đại dịch trên thế giới. Người tiêu dùng Việt Nam nên thích ứng như thế nào”. Hội thảo do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.

Đây là một trong những hoạt động chuẩn bị cho sự kiện Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM 2022 (HCMC FOODEX 2022) từ ngày 19 đến ngày 22 /10/2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn – SECC.

Dịch COVID-19 đã khiến tất cả mọi người phải xem xét lại những gì thực sự quan trọng, dẫn đến việc người tiêu dùng có ý thức và ưu tiên giá trị. Điều quan trọng là các thương hiệu cần xem xét đến các ưu tiên của người tiêu dùng đang thay đổi để duy trì cho phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phú Lữ – Phó Giám đốc ITPC cho biết, trong bối cảnh chuỗi cung ứng lương thực thế giới bị đứt gãy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để xuất khẩu lương thực, thực phẩm vào những thị trường tiềm năng, đang có nhu cầu lớn. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt 18,23 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước.

Ông Trần Phú Lữ – Phó Giám đốc ITPC

Nhiều thay đổi trong việc chọn sản phẩm

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Vượng, Chủ nhiệm Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, thuộc Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, người tiêu dùng sau đại dịch Covid-19 đã “cao” lên một bậc về nhận thức trong việc chọn lựa sản phẩm theo mục đích, theo cá nhân (cá nhân hóa dinh dưỡng).

Ông Vượng cho hay, người tiêu dùng quan tâm đặc biệt đến những sản phẩm hỗ trợ trong việc điều trị, nâng cao sức khỏe, sức đề kháng, họ bỏ thời gian tìm hiểu kỹ khi mua… và họ mua qua hình thức online như một thói quen.

“Họ có nhu cầu mới trong việc ăn uống làm sao để cân bằng dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, quan tâm đến thực phẩm có lợi cho sức khỏe của bản thân. Những sản phẩm tiện lợi, dinh dưỡng, đa dạng, có tính mới được quan tâm. Nhất là sản phẩm thực phẩm có vùng nguyên liệu mới, nguồn gốc từ thực vật, cây dược liệu, có công nghệ chế biến, bao bì đóng gói rõ ràng, cụ thể sau đại dịch được đẩy lên mạnh mẽ”, ông Vượng nói.

Bên cạnh đó, cũng theo tiến sĩ Vượng, xu thế đáng quan tâm là sản phẩm chứa lợi khuẩn được người tiêu dùng chọn mua vì giúp họ tăng sức đề kháng.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Vượng nói đến nhiều xu hướng sau đại dịch Covid-19
Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ tại hội thảo

Cùng chung quan điểm về những thực phẩm chứa lợi khuẩn, có nguồn gốc từ thực vật, doanh nhân Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit cho rằng, xây dựng một hệ vi sinh vật đường ruột vào cơ thể là một xu hướng vì đó là nhu cầu cá nhân hóa của người tiêu dùng.

Ông Viên phân tích thêm, “xây dựng hệ miễn dịch, sức đề kháng cho mình để tránh bệnh nền, sau dịch vấn đề này càng được doanh nghiệp quan tâm. Người làm thực phẩm làm sao đưa ra và hướng dẫn đúng cho người tiêu dùng để họ ăn đúng hơn. Dù rằng người tiêu dùng có thể chưa bắt kịp xu hướng, chưa thích nghi hay chưa thể ứng dụng luôn được”.

“Tôi nghĩ thịt từ thực vật là một giải pháp hay để tập dần cho người tiêu dùng làm quen. Khi quen thì họ mới hưởng ứng một cách rộng rãi. Do đó, hiện nay những nhà hàng ăn chay sẽ là nơi tập cho người tiêu dùng. Ăn chay giờ không là chuyện của những người theo tôn giáo nữa, mà của bất kỳ ai trong xã hội, bởi họ muốn giảm bớt những rủi ro từ thịt động vật”, ông Viên khẳn định.

Ông Viên bật mí thêm rằng, thời gian qua Vinamit tổ chức nhiều chương trình đưa kiến thức khoa học, lối sống cho người tiêu dùng, nhằm giúp họ nâng cao hệ vi sinh vật đường ruột, nuôi dưỡng nó, để tạo ra được miễn dịch cho cơ thể.

Tại hội thảo, bà Hồ Ngọc Phương Thảo, chuyên gia đánh giá, tư vấn tiêu chuẩn thực phẩm và thẩm tra việc ghi nhãn thực phẩm từ Trung tâm BSA đã đưa ra hướng dẫn người tiêu dùng tra cứu, lựa chọn thực phẩm đáng tin tưởng thông qua đọc thông tin tiêu chuẩn ở nhãn sản phẩm, những chi tiết về thành phần dinh dưỡng, tuyên bố và chứng nhận trên nhãn sản phẩm… nhằm giúp người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm an toàn, phú hợp nhu cầu sử dụng.

Các doanh nghiệp tham dự hội thảo
Bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ tại sự kiện
Bà Hồ Ngọc Phương Thảo

Bài, ảnh: Trần Quỳnh