
Tiền Giang chiếm 55/55 mã số vùng trồng, 44/61 cơ sở đóng gói xuất sầu riêng sang Trung Quốc trên toàn quốc bị rút phép.
Theo TPO, ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk – đã gửi kiến nghị lên Bộ Nông nghiệp và Môi trường về nghị định thư xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Trong đó, ông đề nghị Cục Bảo vệ Thực vật khoanh vùng báo động đỏ và cái thiện quy trình canh tác ở vùng trồng vi phạm như Tiền Giang.
Chủ tịch Vũ Đức Côn nói rằng cho đến nay có khoảng 55 mã số vùng trồng và 61 mã cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị thu hồi. Tiền Giang hầu như chiếm 100% các vụ vi phạm này.
Theo buổi làm việc hồi tháng 1-2025 giữa Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Tiền Giang có 155 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 7.000 ha, 323 mã cơ sở đóng gói, trong đó chủ yếu xuất sang Trung Quốc với 316 cơ sở. Tính đến đầu tháng 1-2025, 55 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói sầu riêng của Tiền Giang bị tạm dừng xuất khẩu.
Không thể bán hàng, các xe hàng từ Tiền Giang đã chuyển sầu riêng đến các cơ sở còn giữ được mã số ở Đắk Lắk…
Trong kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Vũ Đức Côn kiến nghị Bộ cần rà soát, đánh giá đàm phán và tái ký kết nghị định thư, quá trình cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại Việt Nam xuất sầu riêng sang Trung Quốc. Ông cũng cho rằng cần lấy ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp trước khi ký kết nghị định thư để tránh lúng túng trong thực hiện.
Ông cũng đề nghị xây dựng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu, áp dụng khoa học công nghệ để kiểm tra độ tuổi và an toàn thực phẩm (hiện chỉ dựa vào kinh nghiệm của các “thợ gõ”).
Đến nay Trung Quốc chỉ phê duyệt một số phòng thí nghiệm do Cục Bảo vệ Thực vật giới thiệu để kiểm tra chất vàng O và Cadimi. Để tránh độc quyền và cơ chế xin – cho, ông Côn đề nghị cần tiếp tục đàm phán với Trung Quốc để mở thêm nhiều phòng thí nghiệm cho doanh nghiệp lựa chọn.
Theo Bộ NN&PTNT, cả nước có khoảng 150.000 ha sầu riêng, nhưng hiện chỉ 20% được cấp mã số vùng trồng và đóng gói. Trước tình trạng vi phạm mã số tại Việt Nam, kể từ tháng 9-2023 Trung Quốc ngừng cấp mới và siết chặt kiểm soát. Tính đến tháng 1-2024, Việt Nam có 708 mã số vùng trồng, 168 mã số cơ sở đóng gói đươc Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.
Nghị định thư kiểm dịch thực vật sầu riêng tươi giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký tháng 7-2022, mở đường cho xuất khẩu sầu riêng tươi chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt 3,2 tỉ đô. Nghị định này sẽ hết hạn ngày 11-7-2025 sắp tới.
Từ năm 2024 đến nay, Trung Quốc phát hiện sầu riêng Việt Nam và Thái Lan nhiễm Cadimi. Hải quan Trung Quốc đã yêu cầu 100% lô hàng phải có giấy kiểm nghiệm Cadimi và vàng O mới được thông quan.
Ricky Hồ / BSA Media