TikTok “thét” giá quảng cáo 2 triệu USD/spot chính mỗi ngày

757
Tiêu điểm:

TikTok “thét” giá quảng cáo 2 triệu USD/spot chính mỗi ngày

Nền tảng chia sẻ video ngắn đang ra giá hơn 1,4 triệu USD mỗi ngày cho quảng cáo chiếm toàn trang chủ trên thị trường Mỹ từ tháng 7 tới. Giá sẽ tăng vọt lên hơn 1,8 triệu USD – tức hơn 30% – vào quý tư và vào những ngày lễ, giá quảng cáo sẽ vượt ngưỡng 2 triệu USD – theo các tài liệu mà Bloomberg thu thập được.
Quá tự tin với bảng giá mới?
Các mức giá mới của TikTok tăng khá cao so với khung giá một năm trước, các nguồn tin yêu cầu giấu tên nói với hãng tin. Họ lý giải rằng giá tăng phần lớn bởi lượng người dùng đang tăng trưởng đều. TikTok hiện có trên 100 triệu người sử dụng thường xuyên ở Mỹ từ tháng 8/2020, tăng 11 triệu so với đầu năm 2018. TikTok ước đoán rằng bất cứ khách hàng nào mua spot quảng cáo đặc biệt trên có thể có ít nhất 109 triệu impression trong ngày.
TikTok hiện chưa kiếm được nhiều tiền từ lượng người dùng đông đảo này, và vẫn đang xây dựng đội ngũ khai thác quảng cáo. Ngay cả nhà quảng cáo vẫn chưa dứt khoát đầu tư số tiền để quảng cáo trên TikTok như họ đã dành cho YouTube. “Nhưng vấn đề chỉ là thời gian”, Brian Wieser, chủ tịch toàn cầu về kinh doanh của hãng quảng cáo GroupM, nhận định. Facebook, Instagram, Snap, Pinterest và YouTube đã trãi qua chu kỳ tương tự về phát triển lượng người dùng, một thời gian sau mới có quảng cáo.
Trong khi mảng kinh doanh quảng cáo của TikTok vẫn chưa đạt mức độ trưởng thành như các đối thủ lớn trên, thì hãng mẹ của TikTok, tập đoàn ByteDance, lại là một trong những công ty có doanh số quảng cáo lớn nhất thế giới. Hãng đã ký hợp đồng 20 tỷ USD chỉ tại thị trường Trung Quốc trong năm rồi và dự báo doanh số quảng cáo toàn cầu của họ sẽ đạt gần 40 tỷ USD trong năm nay.
Thị trường quảng cáo Mỹ được mong đợi sẽ tăng hơn 15% trong năm nay nhờ vào sự mở cửa trở lại của nhiều doanh nghiệp – theo hãng GroupM. Các hãng công nghệ như TikTok là những kẻ hưởng lợi nhiều nhiều nhất. Doanh số của Facebook tăng 48% trong quý đầu năm, trong khi YouTube lại tăng 46%.
“Chúng ta đang phỏng đoán về sự tăng trưởng nhanh kỳ lạ của quảng cáo số”, ông Wieser phát biểu.
Giá quảng cáo hé lộ phần nào suy nghĩ của TikTok về những lợi ích to lớn của khách quảng cáo trên nền tảng này. Spot quảng cáo giá trị của TikTok được gọi là top view là trang đầu tiên khi người dùng mở ứng dụng này nhìn thấy. Giá sẽ là 1,5 triệu USD trong ngày lễ của quý 3 và sẽ tăng lên trên 2 triệu USD cho ngày lễ của quý 4. Giá quảng cáo đầu trong feed của người dùng dưới 50% giá trên bởi số lượng impression có thể giảm xuống dưới 50 triệu.
Tài trợ cho một hashtag trên TikTok trong ba ngày có giá 500.000 USD. Đó là mức giá chưa tính tới tiền bản quyền âm nhạc và cho những nhà sáng tạo nội dung.
Thế mạnh lớn nhất của TikTok – sự phổ biến của ứng dụng này đối với giới trẻ tuổi teen – lại có thể là trở ngại trong kinh doanh của ứng dụng này. Bảng giá mới của TikTok hé lộ rằng 45% lượng người dùng của họ là tuổi dưới 18. Nhưng các nhà quảng cáo lại không thích thú chi tiền cho những đứa trẻ chưa làm ra tiền so với những người trưởng thành – Bloomberg nhận định.
Nhưng có lẽ những tín hiệu tháo khoán mới của Tổng thống Joe Biden mới tạo sự tự tin của TikTok trên thị trường “giác đấu” ở Mỹ và các thị trường tiềm năng lớn ở châu Á và châu Âu trong tương lai: gỡ lệnh cấm của cựu tổng thống Donald Trump và đặt TikTok trong trạng thái theo dõi sát sao.
Việt Nam – thị trường hàng đầu ở châu Á
Việt Nam hiện là quốc gia có người dùng TikTok cao nhất tại Đông Nam Á với 13 triệu người – theo thống kê của TikTok đến cuối tháng 3/2020. Độ tuổi của người dùng Việt Nam là từ 12-24 tuổi và trung bình mỗi người dành 28 phút mỗi ngày trên ứng dụng này. Tuy nhiên, các con số này có sự thay đổi nhanh chóng trong hơn một năm qua.
Facebook hiện tập trung phát triển mảng chia sẻ video trên ứng dụng này để cạnh tranh với YouTube và TikTok tại thị trường Việt Nam. Ngược lại, TikTok cũng dè chừng Facebook và YouTube. Khảo sát của hãng nghiên cứu Decision Lab cho biết Facebook là lựa chọn hàng đầu của người dùng Việt Nam khi xem video ngắn, song nó đã mất 3% trong quý 1 so với một năm trước, trong khi TikTok tăng gấp đôi thị phần – theo Nikkei Asia.
TikTok cũng cố gắng khai thác thị trường quảng cáo số tại Việt Nam. Ứng dụng này từng thực hiện chiến dịch tặng gói quảng cáo trị giá 300 USD cho doanh nghiệp Việt Nam trong suốt nhiều tháng liền từ giữa tháng 6/2020. Nhưng kết quả khá khiêm tốn trong thời gian qua bởi nguyên nhân quan trọng: khả năng mua của người dùng và quan trọng hơn là sở thích của doanh nghiệp Việt Nam – một chuyên gia tiếp thị số tại TP.HCM nói với BSA Online / Thế Giới Hội Nhập. “Người dùng và doanh nghiệp Việt hiện vẫn chuộng Facebook và YouTube, nhưng những trạng thái tâm lý này sẽ sớm thay đổi”, nhà tư vấn trên kết luận.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,95 – 57,55 triệu đồng/lượng, tăng tới 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, chênh lệch hai đầu vẫn 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.899,4 USD/ounce, tăng 11,4 USD, tương đương 0,6% so với chốt phiên trước.
2/ Theo các nguồn tin từ ngành táo thế giới, Việt Nam đã vượt qua Bangladesh, Ấn Độ và hiện đứng thứ 5 thế giới về nhập khẩu táo. Vì vậy, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về nhập khẩu táo vào năm 2020, với lượng nhập hàng trăm ngàn tấn. Tuy nhiên, do giá táo ở Việt Nam khá cao, nên Việt Nam đang là thị trường nhập khẩu táo lớn thứ ba trên thế giới về doanh thu, đứng trước Ai Cập, Anh và chỉ đứng sau Đức, Nga. Trong năm 2020, các nhà xuất khẩu táo trên thế giới đã kiếm được gần nửa tỷ USD nhờ cung cấp táo cho Việt Nam. Đồng thời, khối lượng nhập khẩu táo của Việt Nam lên tới khoảng 265.000 tấn. Trong 5 năm qua, lượng táo nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng gấp 7 lần.
Việt Nam là một trong 5 nước nhập khẩu táo lớn nhất thế giới.
3/ Sau khi thu mua hải sản từ ngư dân, các doanh nghiệp làm thủ tục để xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên vì không thể thông quan, hàng trăm tấn cá đã bị hư hỏng và phải quay đầu. Được biết, đây là thực trạng chung và là nỗi lo nhiều tháng qua của các doanh nghiệp, cơ sở thu mua hải sản tại tỉnh Quảng Bình. Từ giữa tháng 3 đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này đã thu mua hải sản cho ngư dân rồi vận chuyển xuất khẩu qua các cửa khẩu phía Bắc. Do phía Trung Quốc không cho làm thủ tục thông quan, nhiều xe cá của doanh nghiệp này phải nằm chờ tại cửa khẩu cả tuần dẫn đến hư hỏng, sau đó đành phải quay đầu trở về. Theo các doanh nghiệp cho biết, cá ra đến cửa khẩu bị ngâm tận 15-20 ngày thì gần như đã hư hỏng hết nên lại phải thuê xe chở về bán lại cho các đơn vị sản xuất thức ăn cho lợn.
4/ Theo một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa công bố, tài sản hộ gia đình Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 136.900 tỷ USD trong tháng 3 . Điều này cho thấy nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế khi đại dịch Covid-19 rút đi và nước Mỹ mở cửa trở lại. Được biết, thị trường chứng khoán bùng nổ đã giúp tổng tài sản của các hộ gia đình Mỹ tăng thêm 3.200 tỷ USD trong quý I năm nay. Trong khi đó, giá trị bất động sản ngày càng tăng cũng giúp các hộ gia đình Mỹ giàu thêm khoảng 1.000 tỷ USD, theo báo cáo hàng quý mới nhất của ngân hàng trung ương Mỹ về tài khoản tài chính hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ. Tính chung, trong quý I vừa qua, tổng tài sản hộ gia đình Mỹ đã tăng 5.000 tỷ USD so với quý trước.
5/ Theo Nikkei, vừa qua, hãng gọi xe Didi của Trung Quốc đã nộp đơn xin IPO với tên chính thức Xiaoju Kuaizhi có thể được định giá từ 70 tỷ đến 100 tỷ USD. Theo kế hoạch, Didi muốn chào bán cổ phiếu trên sàn Nasdaq hoặc NYSE. Didi dự kiến sẽ có một trong những thương vụ IPO lớn nhất thế giới năm nay ở lĩnh vực công nghệ. Được thành lập năm 2012, Didi hoạt động tại 15 quốc gia và phục vụ hơn 493 triệu người dùng. Công ty đã vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường gọi xe ở Trung Quốc sau khi mua lại mảng hoạt động của đối thủ chính – Uber vào năm 2016. Tại thị trường này, Didi hiện có 377 triệu người dùng và 13 triệu tài xế hoạt động hàng năm.
6/ Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, thì lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đã chạy đua huy động tiền. Từ đó đến nay, các ngân hàng vẫn giữ lượng tiền mà doanh nghiệp huy động và gửi vào. Trong khi đó, các doanh nghiệp lại ngại vay tiền khiến các nhà băng không thể biến số tiền này thành các khoản vay mang lại thu nhập. Theo đó, do ngập trong tiền gửi của doanh nghiệp nhưng không thể cho vay, nên một số ngân hàng Mỹ đã vận động khách hàng chuyển tiền đi nơi khác. Theo một số người làm việc trong ngành ngân hàng, họ từng nghĩ rằng kinh tế cải thiện sẽ khiến động lực giữ tiền của các doanh nghiệp giảm đi. Nhưng trên thực tế, tiền gửi của doanh nghiệp vào ngân hàng vẫn tăng trong những tuần gần đây. Được biết, vì vậy, kết quả và lợi nhuận biên của ngân hàng đã chịu ảnh hưởng tiêu cực.
7/ Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tiếp tục tăng 5%, mức cao nhất trong 13 năm qua và vượt mọi dự báo của của giới chuyên gia. So với tháng trước đó, CPI tháng 5 tăng 0,6% so với tháng trước đó. Tháng 4/2021, CPI của Mỹ ghi nhận mức tăng 0,8%, cao nhất tính từ năm 2009. Được biết, chỉ số CPI lõi đã tăng 3,8% so với 12 tháng trước, mức tăng mạnh nhất tính từ năm 1992. Nhu cầu tiêu dùng của người Mỹ đã tăng cao trở lại khi chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 của nước Mỹ có nhiều bước tiến đáng kể, các quy định hạn chế kinh doanh được nới lỏng, liên bang tung ra chương trình kích cầu quy mô hàng nghìn tỷ USD và tiết kiệm của người dân dồi dào.
8/ Netflix sẽ mở cửa hàng trực tuyến Netflix.shop để bán các bộ quần áo phiên bản giới hạn và đồ sưu tầm các bộ phim “Stranger Things”, “Lupin” và các chương trình truyền hình nổi tiếng khác. Cửa hàng bán hàng trực tuyến này dự kiến sẽ mang đến nguồn doanh thu mới cho Netflix và mở rộng các dòng sản phẩm, ngoài các mặt hàng mà Netflix đang bán trên các nền tảng đối tác như Target Inc và Walmart Inc. Nhà tiên phong trong lĩnh vực phát trực tuyến video này hiện đang phải đối mặt với danh sách các đối thủ cung cấp dịch vụ tương tự ngày càng tăng, cùng với các bộ phim và chương trình truyền hình mới. Hồi tháng 4/2021, số lượng đăng ký tài khoản mới trên Netflix đã không như dự đoán của Phố Wall.

9/ Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu áp đảo để thông qua một nghị quyết cấm nuôi nhốt động vật. Được biết, Nghị quyết, đã thông qua với số phiếu áp đảo, thúc đẩy sự chấp hành đối với sáng kiến được ủng hộ rộng rãi có tên “End the Cage Age” (Kết thúc thời đại nuôi nhốt), đã thu hút được hơn 1,4 triệu chữ ký từ hơn 18 quốc gia thành viên trong vài tháng qua. Hiện tại, nhiều loại động vật nuôi, từ gà đẻ đến thỏ và lợn, được phép nuôi trong các chuồng nhốt trên khắp EU. Do đó, Nghị viện nhất trí rằng việc chấm dứt dần việc sử dụng chuồng nuôi nhốt phải dựa trên cách tiếp cận theo loài, có tính đến đặc điểm của các loài động vật khác nhau và đảm bảo rằng tất cả chúng đều có hệ thống chuồng trại phù hợp với nhu cầu cụ thể của chúng.
10/ Bộ trưởng Du lịch Israel kêu gọi chính phủ gỡ bỏ giới hạn đối với khách du lịch nước ngoài và cho biết nhóm du khách nước ngoài đầu tiên trong hơn một năm qua đã đến Israel cách đây hai tuần sau khi chính phủ bắt đầu mở cửa biên giới trong bối cảnh tỷ lệ mắc Covid-19 giảm mạnh. Tuy nhiên, việc đi lại đối với khách du lịch vẫn bị hạn chế, chỉ những người đi theo chương trình của các tổ chức du lịch hoặc với người thân ở Israel mới có thể tham gia. Được biết, hơn 5 triệu người Israel đã được tiêm hai liều vaccine ngừa Covid-19, đồng thời nước này đã chính thức khởi động chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 12 đến 15. Các thanh thiếu niên sẽ có thể được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin hội nhập, từ 4/6 – 10/6/2021