Tình hình xuất khẩu trái cây đầu năm 2022

619
TỔNG QUAN
Theo ước tính, kim ngạch xuất khẩu của 11 loại trái cây có giá trị cao trong tháng đầu năm 2022 có sự sụt giảm nhẹ so với cùng kì năm 2021. Cụ thể, các loại trái cây chiếm giá trị xuất khẩu cao như thanh long, xoài và mít giảm lần lượt 27%, 4% và 35%. Trong đó, giá trị xuất khẩu thanh long tháng 1 năm 2022 ước tính đạt 87.6 triệu USD, giảm 27% so với 119 triệu USD của cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu nhóm hàng xoài đạt 14.7 triệu USD và xuất khẩu mít đạt 14 triệu USD.
Thị trường chính của các loại trái cây này vẫn là thị trường Trung Quốc, các thay đổi khó lường trong quy định thông quan hàng hóa với nước này, liên quan đến việc xét nghiệm và phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì sản phẩm, đã dẫn đến nhiều đợt ách tắt hàng hóa tại các cửa khẩu đất liền và ảnh hưởng tiêu cực đến giá bán của các loại trái cây trên. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu dưa hấu, chôm chôm và nhãn cũng ghi nhận mức sụt giảm đáng kể về giá trị, lần lượt giảm 27%, 73% và 98% so với tháng 1 năm 2021.
Mặt khác, các loại trái cây bao gồm chuối, dừa và sầu riêng lại đạt mức tăng trưởng tốt hơn kì vọng. Ước tính, xuất khẩu chuổi trong tháng đầu năm 2022 đạt 28.5 triệu USD, tăng 143%, và xuất khẩu sầu riêng đạt 5 triệu USD, tăng 424% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng dừa xuất khẩu, bao gồm các nhóm hàng dừa tươi và đã qua chế biến, đạt giá trị hơn 12.6 triệu USD, có mức tăng trưởng vượt trội. Đáng chú ý, 50% giá trị xuất khẩu được đưa đến thị trường Thái Lan và Ai Cập. Theo dữ liệu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) dừa Việt Nam chiếm đến gần 60% tổng sản lượng nhập khẩu của Thái Lan trong năm 2020.
Ngoài ra, Thái Lan còn nhập khẩu dừa từ các nước Đông Nam Á khác như Indonesia và Phillipines để thực hiện chế biến sâu và xuất khẩu ra thế giới các sản phẩm chế biến từ dừa rất đa dạng và có giá trị cao. Xét về giá trị, tăng trưởng xuất khẩu dừa là việc đáng mừng cho Việt Nam, tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm dừa chúng ta xuất khẩu vẫn thuộc nhóm hàng dừa tươi và sản phẩm sơ chế. Việc tăng xuất khẩu dừa đến thị trường Thái Lan cho thấy năng lực cạnh trang trong mảng chế biến khai thác các giá trị từ dừa của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, trong thời gian dài vẫn chưa có nhiều cải thiện đột phá dù chúng ta có lợi thế vượt trội về vùng nguyên liệu.
Tuy nhiên, so sánh với tình hình xuất khẩu trong tháng liền kề trước đó, tháng 12 năm 2021, kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây như thanh long, chuối, dưa hấu và sầu riêng có chuyển biến tích cực trong đầu năm 2022, một phần do nhu cầu hàng hóa tăng cao vào dịp cận Tết Nguyên Đán của thị trường Trung Quốc. Thanh long, chuối, dưa hấu và sầu riêng tăng lần lượt 23%, 109% 229% và 93% về giá trị. Riêng đối với sầu riêng, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 1 năm 2022 ước tính đạt hơn 5 triệu USD, trong đó, giá trị xuất khẩu đến thị trường Mỹ chiếm hơn 40%, ước tính 2 triệu USD, tăng hơn 4 lần giá trị xuất khẩu của tháng 12 năm 2021, sản phẩm chủ yếu là loại đông lạnh nguyên trái. Tiếp đó là xuất khẩu đến thị trường Trung Quốc, đạt hơn 1 triễu USD. ước tính tăng 1.5 lần. Năm 2022 được kì vọng sẽ có chuyển biến lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam khi việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cơ bản đã hoàn tất và đang chờ Nghị định thư để được cáp phép. Đây sẽ là bước tiến quan trọng, góp phần ổn định đầu ra của sầu riêng Việt Nam và nâng cao chất lượng chuỗi giá trị ngành hàng.
VỀ THỊ TRƯỜNG
Nhìn chung, Trung Quốc vẫn là thị trường chính của các loại trái cây có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Theo dữ liệu BSA thu thập, kim ngạch xuất khẩu trái cây đến Trung Quốc chiếm gần 60%, giá trị xuất khẩu trong tháng 1 năm 2022 và trong cả năm 2021, trong đó sản phẩm trái cây chủ yếu là thanh long, chuối, mít và xoài. Thực tế nhìn nhận, Trung Quốc luôn là thị trường hấp dẫn đối với hầu hết các mặt hàng của Việt Nam nói riêng và trái cây nói chung, khi có sức tiêu thụ lớn và đặc biệt ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới.
Tuy hiểu rằng việc phụ thuộc quá lớn đầu ra vào một thị trường duy nhất sẽ khiến chúng ta thụ động và giá cả sản phẩm cũng dễ dàng bị tác động tiêu cực bởi những thay đổi nhỏ của thị trường, nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp, sức mua của thị trường Trung Quốc là quá lớn, trong nhiều trường hợp giá trị thị trường Trung Quốc mua trong một tuần có thể bằng giá trị các thị trường khác mua cả năm. Tuy nhiên, việc doanh nghiệp thay đổi cách trồng và quản lí chất lượng sản phẩm cũng như tuân thủ theo các quy định tiêu chuẩn là việc có thể chủ động làm để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng tính bền vững cho việc xuất khẩu không chỉ đến Trung Quốc mà còn đến các thị trường khác, góp phần ổn định đầu ra cho các sản phẩm.
Kim ngạch xuất khẩu các loại trái cây chính của Việt Nam đến thị trường các nước Châu Á khác như Hồng kong,, Thái Lan, Singapore và Ấn Độ đều ghi nhận mức tăng khá tốt, trung bình gần 1.5 lần so với cùng kì năm 2021. Sản phẩm xuất khẩu chính tại thị trường các nước này có phần khác biệt, như Hồng kong và Singapore chuộng mặt hàng chuối và thanh long,Thái Lan là dừa và Ấn Độ là thanh long. Mỹ cũng là thị trường nhập khẩu trái cây Việt Nam đáng chú ý, riêng trong tháng 1 năm 2022. giá trị xuất khẩu các loại trái cây chính đến Mỹ ước tính đạt hơn 5.1 triệu USD, tăng hơn 177% so với giá trị cùng kỳ năm 2021, và gần gấp 3 lần so với giá trị xuất khẩu tháng 12 năm 2021. Các sản phẩm chính xuất khẩu đến Mỹ bao gồm sầu riêng, chiếm 40%, cùng thanh long và xoài. Riêng đối với các sản phẩm xoài, bên cạnh Trung Quốc, thị trường Nga là thị trường có sức hấp dẫn lớn, ước tính giá trị xuất khẩu xoài đến thị trường này đạt hơn 1.6 triệu USD trong tháng đầu năm nay, sản phẩm chính là mặt hàng xoài sấy khô.
Phương thức vận chuyển trái cây xuất khẩu cũng có sự thay đổi đáng kể khi hơn 75% hàng được vận chuyển bằng đường biển, so sánh với 33% của tháng 1 năm 2021. Từ sau tháng 5 năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sử dụng hình thức vận chuyển đường bộ giảm dần, một phần do việc áp dụng các quy định hạn chế giao thông trong thời gian đỉnh điểm của dịch khu vực phía Nam và biến động tại các cửa khẩu đất liền với Trung Quốc.
NHẬN ĐỊNH VÀ DỰ BÁO
Thời điểm cuối tháng 1 Tết Nguyên Đán có giai đoạn hàng hóa nông sản ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc, dẫn đến việc hư hỏng phải đổ bỏ của nhiều loại nông sản, trong đó mặt hàng trái cây bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn cả. Đến ngày 3/2 (mùng 3 Tết Nguyên Đán) các cửa khẩu biên giới này được thông quan trở lại, đẩy giá trái cây đồng loạt tăng mạnh.
Một mặt chúng tôi vẫn kì vọng việc xuất khẩu các loại trái cây có giá trị cao của Việt Nam có khả năng đặt mức tăng trưởng tốt trong năm 2022, từ10- 15% trong bối cảnh lạc quan, đặc biệt khi sầu riêng đang chờ đợi hoàn tất những thủ tục cuối cùng để được xuất khẩu chính ngạch đến thị trường Trung Quốc. Mặt khác, số ca nhiễm Covid-19 trong nước đang tăng nhanh trở lại do biến chủng mới Omicron và diễn biến chiến sự giữa Nga và Ukraine tác động lên giá cả xăng dầu và các mặt hàng tiêu dùng, ít nhiều sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến nỗi lo lạm phát trong nước.
Song song đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ cần quan tâm đặc biệt đến diễn biến của cước phí vận chuyển, đặc biệt trong bối cảnh tình trạng khan hiếm container đã diễn ra nhiều tháng nay. Do đó, chúng tôi nhận định các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây cần thận trọng, chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm qua cách đầu tư hệ thống đạt tiêu chuẩn theo quy định xuất khẩu đồng thời theo dõi, cân nhắc đến các diễn biến của thị trường nội địa và quốc tế, tránh tình trạng giá trị bán hàng xuất khẩu đạt mức tăng trưởng tốt nhưng lợi nhuận cuối cùng mang về cho doanh nghiệp lại ngày càng hao hụt.
TỔ THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG BSA
———————————-
Quý Doanh nghiệp nếu cần tông tin chi tiết hơn, vui lòng liên hệ BSAi – qua email phuonganh.nguyen@bsa.org.vn