Tọa đàm: “Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men”

198

Chiều ngày 19/04/2022 diễn ra tọa đàm: “Dưỡng chất từ trái cà pháo và cà pháo lên men”. Tại đây, các nhà nghiên cứu, chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực, doanh nghiệp…sẽ đưa ra nhiều thông tin về dưỡng chất từ cà pháo, nhất là cà pháo lên men. Qua đây, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng hiểu thêm về một trong những món ăn truyền thống từ bao đời nay với người Việt trên khắp các vùng miền. Tọa đàm do Hội DN HVNCLC và công ty Chế Biến Thực Phẩm Công Nghệ Sông Hương (Sông Hương Foods) phối hợp tổ chức. Sự kiện cũng là một trong nhiều tọa đàm mà Hội DN HVNCLC thực hiện trước thềm sự kiện Lễ hội “Tinh Hoa Gia Vị Việt”, diễn ra từ ngày 28/4 – 1/5 tới đây tại khu tòa nhà Landmark 81 (772 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TP. HCM).

Tọa đàm với sự tham gia chia sẻ của các diễn giả: PSG.TS. Trịnh Khánh Sơn – Phó Trưởng Khoa Công nghệ Hoá học và Thực phẩm – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: Công bố thông tin nghiên cứu về cà pháo; Bà Bùi Thị Sương – Nghệ nhân ẩm thực: Những món ăn được làm từ cà pháo ở các vùng miền, cách chế biến; Bà Vũ Kim Hạnh – Xu hướng thị trường từ những thực phẩm lên men, từ cà pháo; Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Foods: Chia sẻ về những đầu tư cho nghiên cứu các sản phẩm từ cà pháo. Tham vọng thị trường từ cà pháo… cũng tại tọa đàm, Ban tổ chức còn triển lãm 6 dòng sản phẩm cà pháo của Sông Hương Foods và các sản phẩm truyền thống khác.

Có thể nói, từ xưa đến nay, trên khắp các vùng miền Việt Nam, có không ít loại thực phẩm lên men đã trở thành món ăn được nhiều người nhớ mãi, từ hương vị, cách làm, cách chế biến, như: cà pháo muối, củ kiệu muối, dưa chua muối, ngó sen muối, giá đỗ muối… Khi xã hội phát triển, dù có nhiều món ngon, vật lạ, nhưng những món muối từ các nông sản, thực phẩm trên vẫn hiện diện trong không ít trên mâm cơm mỗi gia đình người Việt.

Thực tế, ngày nay, dưới sự đầu tư, nghiên cứu, các doanh nghiệp đã phát triển những sản phẩm muối chua trên lên một tầm cao mới, có thể sản xuất nhiều hơn, đa chủng loại hơn, đảm đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và duy trì được các chất có lợi cho cơ thể.

Điển hình như công ty Sông Hương Foods, một doanh nghiệp HVNCLC, ra đời cách nay hơn 25 năm, chuyên sản xuất những món đặc sản gia truyền, như: mắm cà pháo, mắm tôm chua, mắm cá cơm, mắm ruốc Huế, mắm tôm bắc, mắm cá lóc, mắm nêm pha sẵn, dưa mắm …. cho đến các món ngâm như củ kiệu, dưa món, ớt xay … hay bánh nậm, bánh bột lọc Huế.

Từ năm 2018, khi tiếp quản Sông Hương Foods từ dì, anh, chị họ, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn – TGĐ Sông Hương Foods đã và đang định hướng công ty với các mục tiêu 3 năm, 5 năm tới, bắt đầu bằng món mắm thực vật từ cà pháo.

Chia sẻ thêm tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn cho biết, hiện nay, riêng cà pháo, đội ngũ của Sông Hương Foods đã nghiên cứu, chế biến và sản xuất được 6 dòng sản phẩm, cà pháo muối, mắm cà pháo, mắm cà pháo chay, cà pháo mắm nêm, tôm chua cà pháo và cà pháo chua cay. Đây là những món được lên men tự nhiên, bằng quy trình lên men truyền thống cải tiến, với thời gian lên đến 21 ngày để đảm bảo tạo ra sản phẩm  cà pháo an toàn, ngon vị, có độ chua, ngọt, giòn đậm đà từ gia vị thiên nhiên.

Thông tin từ những nội dung tại tọa đàm sẽ được bsaonline.vn cập nhật trong những bản tin tiếp theo.

T. Quỳnh