TP.HCM – điểm du lịch y tế được chuộng nhất

Trực thăng đưa bệnh nhân đến Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh. Đây là bệnh viện hợp tác giữa hai nước, được đầu tư hơn 53 triệu đô la. Ảnh: VNA

Việt Nam đang là điểm du lịch y tế được ưa chuộng nhất của người dân Campuchia, với 76% người dân chọn Việt Nam khi quyết định chữa trị y tế ở nước ngoài. Câu chuyện thể hiện sức hút của ngành y tế và du lịch Việt Nam.

1/ Số lượng khách Campuchia trong ba năm qua đều thuộc top 10 các nước có đông du khách đến Việt Nam. Năm 2022 là năm đầu tiên du lịch Việt Nam mở cửa trở lại, lượng khách đến từ Campuchia tăng vọt hơn 200.000 lượt, theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Số lượng khách tăng vọt trong năm 2023 và 2024, lần lượt là hơn 400.000 và 475.000 lượt.

Với khách Campuchia, Việt Nam đang điểm du lịch và điểm khám chữa bệnh hàng đầu.

Khách Campuchia thường làm ăn đi lại qua các tỉnh biên giới của Việt Nam. Khách đi xa hơn thường chọn các điểm du lịch biển như Phú Quốc, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang và có thể đến tận Hạ Long với nhóm khách giàu có từ hai thành phố lớn Phnom Penh và Siem Reap.

Khu Phan Xích Long cuối tuần, dòng xe tấp nập hẳn với những chuyến xe buýt từ Campuchia.  Có đợt hàng chục, có lúc hàng trăm bệnh nhân người Campuchia. Một vài khách sạn trong khu vực cuối tuần kín chỗ nhờ những đoàn khách của Bệnh viện Hoàn Mỹ gần đó.  Bệnh viện Gia An 115 (tên cũ Hoa Lâm 115) nằm trong Khu Y tế kỹ thuật cao TP.HCM ở quận Bình Tân cũng đông khách Campuchia. Các bệnh viện khác ở thành phố và các tỉnh đều có khách từ nước láng giềng…

Với sự tăng vọt lượng khách Campuchia, các doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia đã hình thành dịch vụ xe buýt đưa khách đến thành phố khám chữa bệnh, dịch vụ lưu trú, phiên dịch cho người bệnh…

TP.HCM đang là điểm du lịch y tế được ưa chuộng của các tầng lớp trung lưu. Tờ Khmer Times nói TPHCM đang thu hút phần lớn lượng khách khám chữa bệnh từ vương quốc, với 131 bệnh viện được trang bị hiện đại và lực lượng bác sĩ tay nghề cao. Tỉnh Surin của Thái Lan lại thu hút người dân có mức thu nhập thấp hơn từ các tỉnh giáp giới Oddar Meanchay và xa hơn như Battambang, Benteay Meanchey, and Siem Reap. Còn ở phân khúc cao cấp hơn, người Campuchia chọn các bệnh viện ở Singapore và Malaysia…

Một khảo sát của Bệnh viện Sun Rise của Nhật Bản tại Phnom Penh nói hàng năm có 210.000 người Campuchia tìm kiếm dịch vụ điều trị y tế ở nước ngoài. Trong đó, các bệnh viện Việt Nam chiếm đến 76%, Thái Lan 19% và Singapore chỉ 3%. Philippines cũng chú ý đến thị trường tiềm năng từ Campuchia. Số liệu mới nhất của chính phủ Campuchia nói lượng khách chữa trị y tế ở nước ngoài hiện lên đến 250.000 lượt bệnh nhân mỗi năm.

2/ Chất lượng y bác sĩ và trang thiết bị vượt trội của các bệnh viện thành phố là yếu tố đầu tiên thu hút người bệnh từ Campuchia. Nhưng xây dựng danh tiếng của ngành y tế Việt Nam ở đất nước chùa tháp có lẽ công đầu thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy Phnom Penh.

Khánh thành năm 2014, bệnh viện là công trình hợp tác đầu tiên trong lĩnh vực y tế giữa hai nước, được đầu tư tổng cộng 53 triệu đô la. Tám doanh nghiệp tại TP.HCM đã góp vốn và nhân sự cho dự án, phần chuyên môn là đội ngũ bác sĩ và chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy. Hiện đây là bệnh viện được xếp hạng 3, cao nhất trong xếp hạng bệnh viện tại Campuchia.

Đó cũng nhờ một phần nỗ lực xúc tiến du lịch y tế của ngành du lịch thành phố. Tháng 6-2023, Sở Du lịch TP.HCM đã cùng Đại sứ quán Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu cơ sở hạ tầng và trình độ chuyên môn của ngành y tế thành phố. Tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thị Ngọc Hiếu đã nêu bật sự hợp tác và hỗ trợ của thành phố đối với các doanh nghiệp lữ hành địa phương để hoàn thiện các gói dịch vụ chăm sóc y tế.

3/ Câu chuyện bệnh nhân Campuchia sử dụng dịch vụ y tế ở nước ngoài buộc người dân xứ này đánh giá lại toàn bộ “sức khỏe” của nền y tế nước nhà. Bộ Y tế Campuchia từng ra tuyên bố chỉ 1-1,5% người Campuchia được điều trị ở nước ngoài. Tuy nhiên, ngành y tế cũng thừa nhận chất lượng điều trị của bác sĩ địa phương.

Có gần 17.300 nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tư nhân tại Campuchia, con số này tiếp tục tăng qua từng năm, Khmer Times viết. Tuy vậy, tỷ lệ lấp đầy của các cơ sở y tế tư nhân chỉ 76%, bỏ xa khu vực công chỉ đạt khoảng 15%. Hơn 60% chi tiêu y tế trong nước là các khoản thanh toán trực tiếp, từ tiền túi của bệnh nhân.

4/ Chưa có những thống kê chính thức về số liệu chi tiêu của người bệnh Campuchia tại các cơ sở y tế ở Việt Nam. Niên giám thống kê năm 2022 của Tổng cục Thống kê nói rằng khách Campuchia chi 734,9 đô la mỗi người khi đến thăm Việt Nam. Họ cũng thuộc nhóm khách chi tiêu ít nhất tại Việt Nam gồm Lào, Campuchia, Indonesia, Hàn Quốc và Trung Quốc. Tuy vậy, nếu bóc tách và trừ đi lượng khách qua lại biên giới mỗi ngày, vốn chiếm tỷ lệ lớn, chi tiêu của du khách Campuchia sẽ không nhỏ, đặc biệt là trong mảng y tế.

Cải thiện hơn nữa chất lượng đường xá từ cửa khẩu Mộc Bài về thành phố, nâng cấp các bệnh viện tỉnh giáp giới với nước láng giềng, quảng bá tiềm năng của du lịch y tế Việt Nam… đều nằm trong tầm tay của các doanh nghiệp và nhà quản lý Việt Nam.

Tuy vậy, câu chuyện bệnh nhân người Campuchia đổ xô sang Việt Nam chữa bệnh cũng có thể làm mọi người chạnh lòng. Hơn 5,3 triệu lượt người Việt Nam đã du lịch nước ngoài trong năm 2024, trong số này không ít người chọn khám chữa bệnh ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Ricky Hồ / BSA Media

Châu Á ứng phó với chính sách thuế mới của ông Trump