Trả phí và quyền lựa chọn!

Nói chung, làm gì thì làm, Nhà nước phải đảm bảo cho người dân luôn có quyền chọn lựa, giữa con đường cũ - miễn phí và con đường mới tốt hơn - có tính tiền.

Tình cờ đọc thấy một câu hay hay trong bài vận động chống lại việc thu lệ phí giao thông tại Úc của TS Cameron Richards: “THE JOB OF THE GOVERNMENT IS TO SERVE THE PUBLIC – NOT TO GET INTO BED WITH BIG BUSINESSES”.

Tạm dịch là “Công việc của Nhà Nước là phục vụ công cộng, dân chúng – chứ không phải leo lên giường với các tập đoàn lớn!”.

Thì ra ở Úc cũng có chuyện lấn cấn về việc Chính phủ giao một số tuyến giao thông cho các tập đoàn tư nhân để nâng cấp, xây dựng và khai thác như một dự án kinh doanh có lợi nhuận.

Lý do không ít người Úc phản đối là theo họ Nhà nước đã thu thuế của dân rất cao, chưa kể còn thu thêm nhiều loại phí liên quan đến việc di chuyển trên đường như phí đăng ký xe, phí thi lấy bằng lái, và đặc biệt là thuế đánh trên tiền xăng dầu thì tất cả đường xá đều phải phục vụ công cộng, đều phải miễn phí mới đúng.

Đó là theo góc nhìn và suy nghĩ của một bộ phận không nhỏ ở Úc. Còn theo suy nghĩ của người viết bài này thì công tâm mà nói, cái cách Chính phủ ở đây đối xử với người dân là khá chừng mực, nếu không muốn nói là tốt lắm rồi.

Ví dụ, từ nhà tôi mà lái xe đi ra phi trường trung bình mất khoảng 60 phút cho một đoạn đường dài 42km. Miễn phí hoàn toàn, đường bình thường mọi lần vẫn đi. Còn nếu chọn đi đường rộng rãi hơn, ít xe hơn, có thể chạy nhanh hơn thì phải trả tiền để đi ngã cao tốc được các công ty tư nhân đầu tư hoàn chỉnh gọi là “toll roads”.

Như từ nhà tôi đi đến phi trường sẽ phải đi ngang qua ít nhất 3 trạm với tổng số tiền phải trả khoảng $30, tương đương 23 lít xăng. Bù lại, tiết kiệm được khoảng 15 phút lái xe.

Tóm lại, đi đường bình thường, miễn phí thì mất 60 phút bận đi, 60 phút bận về. Đi đường cao tốc có tính phí thì mất 45 phút mỗi bận, coi như cả đi lẫn về tiết kiệm được 30 phút. Chi phí bỏ ra là $30. Rất rõ ràng.

Quan trọng là người dân luôn luôn có sự lựa chọn giữa con đường cũ – miễn phí và con đường mới – tốt hơn, có tính phí. Khác biệt chỉ khoảng 25% thời gian đi lại, cũng không quá nhiều. Nên nhiều người vẫn chọn con đường dài hơn để đi vì nó miễn phí, chừng nào có việc gì gấp gáp lắm mới nhảy vào “toll roads”.

Cho nên các công ty tư nhân đứng ra thầu các tuyến đường này phải hết sức cẩn thận trong khâu tinh toán, cũng như bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào khác. Khách hàng mà quay lưng là coi như sập tiệm. Kinh doanh là kinh doanh không ai đứng ra cứu cả. Và trên thực tế ở Úc đã có nhiều công ty phá sản vì bị người dân nổi giận quay lưng.

Nói chung, làm gì thì làm, Nhà nước phải đảm bảo cho người dân luôn có quyền chọn lựa, giữa con đường cũ – miễn phí, và con đường mới tốt hơn – có tính tiền.

Không bao giờ đặt người dân vô tình trạng bị o ép. Không bao giờ biến con đường có thu tiền thành con đường gần như duy nhất.

Không bao giờ đưa lợi ích của doanh nghiệp lên trên lợi ích của người dân.

Lý Quí Trung (theo Thời Đại)