Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon lần thứ 11 bắt đầu tuyển trại sinh

170
Trong hai ngày 7 và 8/7/2022, Ban tổ chức Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon năm 2022 đã tiến hành khảo sát, phúc tra hơn 20 trường hợp học sinh nghèo, học giỏi được chọn tham gia trại hè năm nay, thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Đây là những học sinh trong độ tuổi 12-13, ngoài học giỏi, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người nuôi dưỡng trực tiếp bị mất vì đại dịch Covid-19. Qua thực tế, nhiều em cha mẹ không có nơi cư trú, phải ở trọ, làm thuê tại Bình Dương, TP.HCM. Khi cha hoặc mẹ mất vì đợt dịch Covid-19 năm 2021, các em được gửi về ông bà nội ngoại nuôi ăn học.
Tại ấp Tân Thông, xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, em Đoàn Võ Hồng Ngọc phụ mẹ bán cơm trong những ngày được nghỉ hè. Căn nhà là nơi buôn bán cũng là nơi ở của mấy mẹ con. Từ ngày cha mất do Covid 19, quán ăn bên con đường bụi đất cũng thưa khách, khoản nợ vay 170 triệu đồng mẹ phải chắt chiu trả góp hàng tháng. Nội ngoại đều khó khăn nên từ nhỏ, Hồng Ngọc chưa bao giờ được đi chơi xa ngoài việc đến trường rồi về nhà phụ giúp mẹ. Khó khăn, vất vả nhưng em luôn là học sinh giỏi trong 7 năm liên tiếp vừa qua. Kết quả học tập tốt của em chính là niềm phấn khởi của người mẹ lam lũ, đang mắc bệnh tim tự tin hơn trong cuộc sống.
Em Đoàn Võ Hồng Ngọc và mẹ tại buổi phúc tra trại sinh
Em Đoàn Võ Hồng Ngọc thắp nhang cho người cha quá cố
Từ khi cưới nhau, cha mẹ của em Trần Thị Lan Anh ở ấp An Lộc Thị, xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam phải bôn ba mưu sinh ở Bình Dương. Không nhà cửa nên cha mẹ Lan Anh gửi em cho ông bà ngoại từ nhỏ.
Bà Lê Thị Đầy (bà ngoại Lan Anh) cho biết, từ nhỏ phải sống xa cha mẹ nên em cũng thiệt thòi. Trong suốt bảy năm học vừa qua, Lan Anh luôn cố gắng và đều đạt thành tích học sinh giỏi. Không những thế, em còn rất ngoan, biết phụ giúp ông bà dọn dẹp nhà cửa. Mỗi khi ông bà đi làm mướn về đều không phải lo cơm nước nên cảm thấy rất vui với đứa cháu ngoại của mình. Bà chia sẻ thêm, đợt dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM, Bình Dương năm 2021, mẹ em không may mắn qua đời nên em thường xuyên đau buồn, tủi thân. Hiện giờ nguồn sống duy nhất của cả gia đình ba ông bà cháu là những đồng tiền mồ hôi ông ngoại đi làm mướn từ công việc hái, khuân vác dừa nhưng thu nhập không ổn định. Nhà nội ở Đồng Tháp cũng không khá giả, ông nội bị tai biến, cô bị tai nạn nên hiện giờ cha của Lan Anh cũng phải nghỉ việc làm công nhân để ở nhà chăm sóc ông và cô.
Trước hoàn cảnh của gia đình Lan Anh, cách đây hơn một tháng, chính quyền địa phương, mạnh thường quân đã hỗ trợ, xây dựng căn nhà tình thương khoảng 40m2, giúp ông cháu, bà cháu tránh được những trận mưa dông, những ngày nắng nóng.
Bà Lê Thị Đầy (bà ngoại Lan Anh) chia sẻ hoàn cảnh của cháu ngoại
Nhắc đến cha mẹ, Lan Anh luôn tủi thân
Kể từ khi ông bà ngoại được tặng nhà tình thương, góc học tập của Lan Anh sáng sủa hơn so với khi ở căn nhà dột nát trước đây
Những tờ giấy khen này là niềm động viên của ông bà ngoại, là niềm hi vọng cho người cha vẫn còn vật luộn với cuộc sống ở nơi xa
Trong khi đó, hoàn cảnh của em Nguyễn Lê Duy Anh ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre cũng éo le không kém. Trong căn nhà cũ, dột nát, xập xệ của ông bà nội, Duy Anh sống cùng mẹ và em gái. Do ông nội bị tai biến, cuộc sống khó khăn nên bà nội đưa lên TP.Bến Tre thuê trọ, mưu sinh kiếm tiền chữa bệnh cho ông. Ba mẹ con ở lại với nguồn thu nhập 3 triệu đồng/tháng từ công việc chở lá dừa thuê của mẹ. Thu nhập tháng có tháng không nên mấy mẹ con sống nhờ vào sự đùm bọc của bà con lối xóm, đoàn hội ở địa phương.
Mẹ Lê Thị Út Thọ, sinh năm 1985 trông già đi nhiều so với tuổi, khuôn mặt khắc khổ, nước mắt luôn chực chờ kể rằng, trước đây, chồng làm nghề tài xế, thu nhập đủ để đắp vá cho gia đình. Tháng 12/2021, chồng không may qua đời do Covid-19, cuộc sống của mấy mẹ con Duy Anh lâm vào cảnh cùng cực. Dù học giỏi suốt những năm học vừa qua nhưng giấc mơ làm luật sư hoặc công an của Duy Anh có nguy cơ khó thực hiện khi hoàn cảnh gia đình nhiều bế tắc.
Ước mơ trở thành công an, luật sư của bé Nguyễn Lê Duy Anh ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre đang trở thành thách thức khi hoàn cảnh của mấy mẹ con quá khó khăn
Có thể nói, dù hoàn cảnh nơi ở, người nuôi dưỡng hiện tại gặp nhiều khó khăn nhưng các em luôn nhận thức điều đó, biết cố gắng học tập, phụ giúp gia đình để hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Sau Bến Tre và Trà Vinh, đoàn phúc tra tiếp tục tìm hiểu những hoàn cảnh khác ở Cần Thơ, Đồng Tháp và nhất là TP.HCM – nơi có đông các học sinh nghèo học giỏi, có cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ mất vì Covid-19.
Trại hè Đại sứ hàng Việt tí hon là một hoạt động thường niên nằm trong chuỗi hoạt động của chương trình “Hoạt động vì cộng đồng” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao khởi xướng từ năm 2011. Tham gia hội trại, các trại sinh được đài thọ tất cả các chi phí đi lại, ăn ở, tham quan, trải nghiệm thực tế và nhận những món quà ý nghĩa, thiết thực phục vụ việc học tập và cuộc sống hàng ngày. Năm nay, trại hè diễn ra từ ngày 1/8 đến 04/08/2022, tại TP.Đà Lạt, Lâm Đồng, quy tụ hơn 100 trại sinh đến từ Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp, Trà Vinh và TP.HCM.
Tham gia Trại hè năm 2022, các em học sinh được tham quan thắng cảnh của thành phố Đà Lạt, tham gia các chương trình trải nghiệm “Em yêu khoa học” với các kỹ sư , chuyên viên điện tử; tham gia chương trình “Thắp sáng ước mơ” để trò chuyện , giao lưu, gặp gỡ với doanh nhân, các nghệ sĩ về “Hành trình vượt khó”, tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại Đà Lạt,…
Một số hình ảnh của chuyến phúc tra trại sinh ở Bến Tre
Em Đặng Hoàng Phúc ở huyện Phú Thạnh, tỉnh Bến Tre
Cha mất, mẹ gồng gánh để lo cho bà ngoại bệnh nặng, Đặng Hoàng Phúc về ở với ông bà nội
Ngoài giờ học, em Lan Anh phụ giúp ông bà ngoài việc nhà
Trong quá trình phúc tra, BTC còn kiểm tra sức khoẻ, cân, đo để may đồng phục cho các em tham gia hội trại
Căn nhà đúng chuẩn che mưa che nắng của em Mai Trần Ngọc Trinh, huyện Ba Tri, Bến Tre
Tài sản trong nhà của Ngọc Trinh không có gì đáng giá ngoài những tờ giấy khen học sinh giỏi treo trang trọng trên vách
Tài sản trong nhà của Ngọc Trinh không có gì đáng giá ngoài những tờ giấy khen học sinh giỏi treo trang trọng trên vách
Mẹ mất vì Covid-19, cha lên TP.HCM mưu sinh, nên Ngọc Trinh ở nhà cùng em gái. Cũng may nhà của em ở gần nhà bà nội nên cũng được hỗ trợ phần nào về tinh thần
Nhà của em Ngọc Trinh
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Ngọc Trinh luôn lạc quan, cố gắng học tập để sau này có được công ăn việc làm tốt
Nhân viên y tế kiểm tra sức khoẻ cho em Trần Thiện Nhân ở huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre
Nhân viên y tế kiểm tra sức khoẻ cho em Trần Thiện Nhân ở huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre
Căn nhà của em Trần Thiện Nhân
Đường vào nhà em Trần Thiện Nhân
Đường vào nhà em Trần Thiện Nhân
Trời mưa, Thiện Nhân ở nhà chơi cùng em gái và 2 bạn hàng xóm
Em Trần Phan Đăng Khoa ở huyện Thạnh Phú, Bến Tre xem clip về hành trình trại hè Đại sứ hàng Việt Tí hon những năm trước
Em Trần Phan Đăng Khoa  có cha mất do dịch Covid-19. Khoa ở với ông bà ngoại, em của khoa được gửi sang ông bà nội nuôi dùm
Ngoài giờ học, Khoa phụ giúp ông bà kéo cỏ về nuôi 2 con bò nhỏ và 4 con dê