Trái nhãn Việt Nam “tứ bề thọ địch”?

414
Sản lượng quả nhãn năm 2021 tăng 15-20%, ngoài thị trường trong nước cần mở rộng thị trường xuất khẩu. Ảnh: LD
Tiêu điểm

Trái nhãn Việt Nam “tứ bề thọ địch”?

Trái nhãn Việt đang được mùa nhưng rớt giá thảm, từ 32.000 đồng/ký trong mùa trước rớt xuống còn 6.000 đồng/ký trong mùa nhãn hiện đang rộ. Nhưng thậm chí khi giá rớt hơn 80%, nhãn Việt vẫn không thể tiêu thụ, trong nước và cả xuất khẩu.
Việt Nam hiện có khoảng 160.000 ha nhãn, vải, chôm chôm thuộc họ cây bồ hòn, cho sản phẩm xuất khẩu đem về hơn 320 triệu USD năm 2018, đứng thứ hai thế giới về thị phần vải xuất khẩu với 19%, xếp sau Madagascar có tỉ lệ 35%. 
Năm nay, Việt Nam được mùa nhãn với sản lượng ước tính 637.000 tấn, tăng 8% so với năm trước, nhưng các kênh tiêu thụ trong nước đều gặp khó khăn, kênh xuất khấu vẫn là một thách thức.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), nói rằng hai kênh tiêu thụ chính trong nước là chợ đầu mối và sàn thương mại điện tử đã bị nghẽn do các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, nhãn Thái Lan và Campuchia cũng tìm cách đổ bộ vào thị trường Việt Nam trong thời gian qua do lệnh cấm của Trung Quốc.
Hôm 18-8, Trung Quốc đã cho phép 56/75 nhà xuất khẩu nhãn tươi hoạt động trở lại kể từ lệnh cấm hồi đầu tháng sau khi Thái Lan đã xử lý được vấn đề rệp sáp. Tuy nhiên, dư âm hàng “tồn” từ Campuchia vẫn còn đó. Khoảng 70% sản lượng nhãn của Campuchia xuất khẩu sang Trung Quốc đều thông qua các công ty xuất nhập khẩu Thái Lan. Vì thế, sự trở bộ cũng sẽ chậm và hàng tiếp tục vào Việt Nam. “Bởi chúng ta với họ có hiệp định tự do thương mại Asean”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Tổng Thư ký Vinafruit nói rằng mùa nhãn năm nay xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn là kênh tiêu thụ chính, bởi thị trường này mua đến 90% nhãn xuất khẩu của Việt Nam. “Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường bộ nên chi phí vận chuyển không cao. Việc vận chuyển bằng đường biển, đường hàng không đến các thị trường xa đối mặt với nhiều khó khăn trong khi công nghệ bảo quản chưa tốt”. 
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phong, chuyên gia của Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết trừ trái vải, số hộ trồng chôm chôm vã nhãn quy mô nhỏ chiếm tới 70% tổng sản lượng toàn quốc. Hệ thống quản lý kém và chủ yếu bán cho thương lái nên tổn thất nhiều trong quá trình thu hái. Cụ thể, tỉ lệ tổn thất lên tới 25 – 30%, đôi khi đến 50%. Tỉ lệ hao hụt giảm xuống còn từ 11-35% đối với các hộ nông dân nhỏ tham gia vào hợp tác xã để có quy mô sản xuất lớn.Ngoài khó khăn về kỹ thuật canh tác và giống, Việt Nam cũng gặp khó trong công nghệ bảo quản sau thu hoạch, một số vùng chỉ dừng ở mức độ thủ công.
Trái nhãn Việt Nam rồi cũng sẽ gặp những vấn đề khó khăn tương tự như Thái Lan và Campuchia trước hàng rào kiểm dịch của Trung Quốc bởi thị trường xuất khẩu chính vẫn là đất nước này. Trong hội nghị làm việc với 13 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long giữa tháng 7 vừa rồi, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ NN&PTNT Hoàng Trung đã phát biểu: “Thị trường này ngày càng có những đòi hỏi ngày càng khắt khe. Nếu các doanh nghiệp, địa phương không chú ý đáp ứng yêu cầu thì rất có thể sẽ phải gặp những cảnh báo tương tự như với Thái Lan”, ông nói.
Bốn giải pháp tìm đường ra cho trái nhãn Việt gồm: Một, đáp ứng các điều kiện về chất lượng cao và chất lượng ổn định, vượt qua kiểm tra và kiểm dịch của Trung Quốc. Hai, xây dựng thương hiệu riêng của mình để nâng cao giá trị nhận diện thương hiệu và tăng sức mua. Ba, thúc đẩy chế biến sản phẩm chuyên sâu hơn, ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất, nâng cao khả năng bảo quản, đưa ra thị trường các sản phẩm như nước trái cây đóng hộp, sấy khô… Bốn, tìm đối tác thương mại phù hợp để cùng phát triển thị trường.
Bản Tin Thị Trường
1/ Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông đã ký ban hành kế hoạch tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, từ nay đến cuối năm 2021, nông dân tỉnh Đắk Nông sẽ thu hoạch 48.000 tấn các loại cây ngắn ngày như: rau, củ, quả các loại; khoảng 27.000 tấn các loại cây ăn trái, chủ yếu là bơ và sầu riêng. Được biết, tổng sản lượng các loại nông sản đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh cần tiêu thụ lên tới 75.000 tấn. Bên cạnh đó, giá các loại nông sản hiện nay đều giảm mạnh từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước. Hơn thế nữa, việc tiêu thụ của nông dân cũng gặp nhiều vướng mắc do vận chuyển khó khăn, nhiều thị trường truyền thống như TP. HCM, các tỉnh Đông, Tây Nam bộ đều đình trệ do dịch bệnh.
Đắk Nông hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch COVID-19. Ảnh: Bnews
2/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,45 – 57,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.793,9 USD/ounce, giảm 11,6 USD, tương đương 0,64% so với chốt phiên trước.
3/ Theo Vatican News, Đức Giáo hoàng Francis đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 3 quốc gia đang đối mặt với những khó khăn vì thiên tai và đại dịch Covid-19. Trong đó, Vatican sẽ hỗ trợ khẩn cấp Việt Nam 100.000 euro với hy vọng giúp đỡ được những người đang gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19. Được biết, số tiền viện trợ này được trích từ một quỹ từ thiện theo mệnh lệnh của Đức Giáo hoàng. Ngoài ra, khoảng 200.000 euro sẽ được chuyển cho Haiti để hỗ trợ khắc phục hậu quả trận động đất và gần 60.000 euro sẽ được chuyển đến Bangladesh hỗ trợ những nạn nhân của bão Yaas. Theo Reuters, số tiền hỗ trợ khẩn cấp được trích từ quỹ Peter’s Pence. Một báo cáo tài chính được công bố hồi tháng trước cho biết quỹ có khoảng 50 triệu USD trong tài khoản.
4/ Nhà sản xuất xe hơi VinFast hiện đang đàm phán với công ty StoreDot của Israel để mua công nghệ có khả năng sạc tới 80% pin xe hơi trong vòng 5 phút, tương đương một lần dừng xe mua cốc cafe “take away”. Được biết, đây là công trình đã được StoreDot, một cái tên nổi danh toàn cầu trong lĩnh vực năng lượng mới, theo đuổi từ lâu và lần đầu tiên được công bố tại một hội nghị của Microsoft vào năm 2015 với cơ sở khoa học là tái cấu trúc lại các thành phần trong pin. Hiện tại, VinFast là một trong những hãng xe điện đầu tiên trên thế giới đang hợp tác nghiên cứu sản xuất loại siêu pin này. Theo kế hoạch, VinFast dự kiến sẽ giao những chiếc xe điện đầu tiên của hãng vào cuối năm 2021.
5/ Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), việc dịch bệnh lây lan nhanh tại các tỉnh Nam bộ, khu vực chiếm tới 62% tỷ trọng xuất khẩu của dệt may Việt Nam, cộng với việc đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu tại các tỉnh miền Bắc đã khiến ngành dệt may nhiều khả năng lỗi hẹn với mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021. Theo đó, cùng với những khó khăn của doanh nghiệp phía Nam, các hãng dệt may phía Bắc cũng đang chịu áp lực lớn từ việc đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào, với việc chi phí vận chuyển tăng quá cao, kiểm soát phương tiện đi lại giữa các địa phương không thống nhất. Theo VITAS cho biết, nếu dịch bệnh tại khu vực phía Nam được kiểm soát, doanh nghiệp trở lại sản xuất theo Chỉ thị 15, thì xuất khẩu của ngành cho năm 2021 có khả năng chỉ đạt 32-33 tỷ USD, thấp hơn so với mục tiêu đưa ra từ đầu năm 39-39,5 tỷ USD, giảm 20%.
6/ Theo Sammobile, các vấn đề về sản xuất của Samsung tại Việt Nam đã khiến thương hiệu Hàn Quốc thua thiệt ở thị trường lớn là Mỹ Latin. Theo đó, Samsung vẫn dẫn đầu thị trường điện thoại thông minh tại Mỹ Latin, đứng trên Motorola, Xiaomi, ZTE và Apple. Nhưng mục tiêu mở rộng thị phần của hãng trong quý 2/2021 thất bại. Thị phần của Samsung giảm từ 42,5% xuống 37,3% trong quý vừa qua. Đã mất hơn 5% thị phần so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng điều đáng ngại là công ty gặp suy thoái khi thị trường điện thoại thông minh ở Mỹ Latin đang phục hồi mạnh mẽ trong đại dịch. Theo DigiTimes, Samsung đã có kế hoạch tăng đầu tư vào Việt Nam với khoản tiền 17,5 tỷ USD. Nhiều năm qua, các sản phẩm điện thoại và thiết bị điện tử của Samsung chiếm tỷ trọng 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Nguồn cung smartphone Samsung bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19. Ảnh: BizLive
7/ Theo CNN, trong thời gian hơn 18 tháng qua, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng tồi tệ đã gây ra tình trạng thiếu hụt các sản phẩm tiêu dùng và khiến các công ty phải tốn kém hơn trong việc đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Theo đó, mạng lưới vận tải toàn cầu tiếp tục rối loạn và gián đoạn khiến các nhà sản xuất, bán lẻ lo thiếu hụt hàng trong mùa mua sắm cuối năm. Các công ty như Adidas, Crocs và Hasbro đã lên tiếng cảnh báo về sự gián đoạn chuỗi cung ứng khi lên kế hoạch bán hàng cuối năm nay. Các công ty vận tải biển dự báo cuộc khủng hoảng logistic toàn cầu sẽ tiếp tục, dẫn đến chi phí vận chuyển hàng hóa tăng và gây thêm áp lực lên giá tiêu dùng. Theo đó, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng gần Thượng Hải và Hong Kong đang “tăng đột biến” và lan rộng ra các nơi khác ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Được biết, khoảng 36 tàu container đang neo đậu ngoài khơi các cảng của Los Angeles và Long Beach. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 2/2021.
8/ Sau khi yêu cầu các công ty Trung Quốc tạm dừng IPO tại Mỹ hồi cuối tháng 7, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) mới đây đã bắt đầu công bố các quy định mới về minh bạch thông tin đối với các công ty Trung Quốc muốn niêm yết tại Sàn giao dịch chứng khoán New York. Theo Reuters, với quyết định này, Mỹ muốn nâng cao mức độ nhận thức của các nhà đầu tư về những rủi ro có thể xảy ra. Trước đó, vào cuối tháng 7, SEC cũng đã thông báo sẽ tạm ngừng cho doanh nghiệp Trung Quốc IPO trên các sàn chứng khoán Mỹ cho đến khi các doanh nghiệp này công bố rõ ràng hơn những rủi ro mà cổ đông có thể gặp phải. Theo thống kê, kể từ tháng 1-7/2020, các đợt IPO của các công ty Trung Quốc đã huy động được số tiền kỷ lục là 12,8 tỷ USD, khi các công ty này tranh thủ lúc thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh.
9/ Chính phủ Bangladesh đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo nhằm gia tăng nguồn cung trong nỗ lực kiềm chế giá lương thực vẫn tiếp tục tăng phi mã. Theo đó, Ủy ban Doanh thu Quốc gia Bangladesh (NBR) đã quyết định giảm thuế nhập khẩu gạo xuống 15% từ mức 25% trước đó, sẽ có hiệu lực đến hết tháng 10/2021. Được biết, thông tin này đã khiến giá gạo non-basmati, loại gạo chính của Ấn Độ, tăng giá thêm 10% chỉ trong vòng 3 ngày, tăng vọt từ 32 rupee lên 35 rupee. Bangladesh hiện đang khuyến khích các thương nhân nhập khẩu gạo để giữ cho giá gạo trong nước ở mức hợp lý, nhằm hạn chế ảnh hưởng tới đời sống người dân. Trước đó, vào tháng 12/2020, thuế nhập khẩu gạo vào Bangladesh cũng đã giảm từ 62,5% xuống 25% nhằm ngăn giá gạo tăng mạnh.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Blue Aqua, SAS và Hewlett Packard Enterprise phát triển Giải pháp Nuôi trồng Thủy sản Thông minh cho ngành Nuôi tôm cá ở khu vực Châu Á