Trái phiếu doanh nghiệp 2021 không còn nóng?

    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 được giới tài chính dự báo sẽ không còn tăng trưởng nóng như năm 2020, vì bị giáng nhiều “đòn đau”. Sau nghị định 81 và nghị định 153 của Chính phủ, nguồn cầu dự kiến sẽ giảm thêm. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang tính đến việc hạn chế ngân hàng và công ty tài chính đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Liệu trong năm nay, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục ồ ạt phát hành trái phiếu?
    Ép cầu khiến cung giảm
    Các doanh nghiệp đã phát hành xấp xỉ 438.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2020, tăng gần 40% so với năm 2019. Quy mô toàn thị trường TPDN theo đó đạt hơn 950.000 tỷ đồng, trong khi giai đoạn 2016 – 2020 thị trường chỉ phát hành tổng cộng 1,2 triệu tỷ đồng. Quy mô thị trường năm 2020 tương đương trên 10% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi người mua trái phiếu đa số là ngân hàng, các con số này đã khiến các cơ quan quản lý lo lắng.
    Theo ông Nguyễn Quang Thuận, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của FiinGroup, nghị định 153 có tính chất “ép cầu” với loại hình riêng lẻ. Điều này phần nào khiến thị trường TPDN khó tăng trưởng nóng như năm 2020. Thực tế, thị trường này còn chịu nhiều áp lực khác. Đó là thông tư 23/2020 của Ngân hàng Nhà nước cuối năm 2020 để hạn chế hoạt động đầu tư trái phiếu của các công ty tài chính. Đồng thời, cơ quan này cũng đang trong quá trình dự thảo thông tư nhằm hạn chế đầu tư của các ngân hàng thương mại, theo Fiin Group.
    Giám đốc một quỹ đầu tư tại TP.HCM cho rằng, các quy định mới là phù hợp với thị trường vốn hiện nay, do dư nợ thị trường trái phiếu tăng quá nhanh trong năm 2020. Trước nay, ngân hàng cho vay thì phải tuân theo Luật các tổ chức tín dụng, vốn rất chặt chẽ. Nhưng việc đầu tư trái phiếu của ngân hàng thì luật này chưa điều chỉnh. Tổng dư nợ trái phiếu hiện nay tăng lên đến khoảng 10% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng. Nếu con số này quá lớn sẽ gây ra rủi ro hệ thống.
    Mặt khác, quy định người mua TPDN riêng lẻ là nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng giảm bớt sức mua. Nhà đầu tư chuyên nghiệp là các cá nhân, tổ chức có khả năng đánh giá rủi ro khoản đầu tư. Sau khi nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu, một năm sau họ mới được bán ra ngoài. Trong thời gian này, độ rủi ro của trái phiếu được đánh giá kỹ hơn (qua các tổ chức định giá, xếp hạng), giúp các nhà đầu tư khác yên tâm mua bán. Đây là điều bình thường ở các thị trường tài chính phát triển.  
    Trong ngắn hạn, các quy định mới có thể là “một cú thắng lại” của thị trường trái phiếu, nhưng lại tốt về dài hạn. Vị giám đốc này cho rằng, không thể để thị trường tài chính bát nháo. Bởi chỉ cần cú sốc nhỏ, chẳng hạn như một doanh nghiệp lớn không trả được trái phiếu, thì sẽ tác động không nhỏ đến cả thị trường vốn. 
    Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, các quy định mới khiến việc huy động vốn của doanh nghiệp trong năm 2021 sẽ có phần “khó thở” hơn so với năm trước. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, thị trường phải chấp nhận điều đó và nên nhìn vào những lợi ích lớn khác. Đó là kiểm soát được tình trạng tái cơ cấu nợ, đảo nợ, dễ dãi đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro… của doanh nghiệp phát hành. Qua đó kéo giảm rủi ro cho các nhà đầu tư trái phiếu. “Lợi ích thu được vẫn lớn hơn so với các hạn chế”, ông nhận xét.
    Bất động sản và tài chính vẫn là nguồn cung dồi dào
    Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, trong năm 2020, tình hình phát hành trái phiếu rất lộn xộn, nhiều doanh nghiệp đẩy lãi suất lên quá cao, chạm gần 20% mỗi năm. Tình trạng này sẽ không còn diễn ra trong năm 2021, nhưng các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) và tài chính vẫn là những đối tượng phát hành nhiều nhất, do đặc điểm về nhu cầu vốn.
    Đối với nhóm tài chính, Fiin Group cho rằng, lượng phát hành vẫn cao xuất phát từ nhu cầu cho vay tín dụng dài hạn của tổ chức tín dụng cũng như các chuẩn mực mới về quản trị rủi ro và thanh khoản chung của hệ thống. Các doanh nghiệp BĐS cũng vẫn sẽ đẩy mạnh kênh huy động này. Lý do là các dự án có mục đích sử dụng vốn trung và dài hạn rất cần vốn trong bối cảnh ngân hàng cũng thận trọng trong việc đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng BĐS. “Trong bối cảnh tiêu chuẩn cho vay đang bị thắt chặt, đặc biệt với các ngành bị hạn chế cấp tín dụng như BĐS, BOT giao thông hay hạ tầng, kênh trái phiếu đã và đang trở thành một kênh huy động vốn thay thế cho họ”, Fiin Group nhìn nhận.
    Ngoài các nhóm ngành trên, Fiin Group dự báo một số ngành khác đang có nhu cầu vốn trung và dài hạn lớn cũng sẽ phát hành nhiều trái phiếu. Chẳng hạn như ngành năng lượng tái tạo, dịch vụ hàng không, du lịch… Trong ngành năng lượng, dù số lượng phát hành không đáng kể, nhưng trong năm 2020, các doanh nghiệp điện tái tạo đã huy động được gần 34.000 tỷ đồng qua trái phiếu, tăng gần 200% so với năm 2019.
    Đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất (ngoài tài chính và BĐS), các chuyên gia cho rằng, việc huy động vốn bằng vay ngân hàng sẽ đỡ vất vả hơn là phát hành trái phiếu. Bên cạnh đó, với định hướng 2021 là năm hồi phục, các ngân hàng cũng dành nhiều ưu đãi cho các khoản vay của doanh nghiệp sản xuất.
    Nhu cầu huy động vốn qua trái phiếu vẫn cao, nhưng hình thức phát hành riêng lẻ chắc chắn sẽ không nhiều. Fiin Group đánh giá, kênh huy động chào bán ra công chúng được dự báo sẽ gia tăng tỷ trọng đáng kể trong tổng cơ cấu phát hành năm 2021 này. Đồng thời, các doanh nghiệp cần nhiều vốn sẽ kết hợp giữa phát hành riêng lẻ và phát hành đại chúng để tăng khả năng thành công của các đợt phát hành. Mức độ thành công khi phát hành ra công chúng sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như lãi suất có hấp dẫn hay không, năng lực phân phối, điểm tín dụng hay xếp hạng tín nhiệm của nhà phát hành… Ngoài ra, do bị ép cung, lãi suất của hình thức phát hành riêng lẻ có thể cao hơn 2 – 3% so với hình thức phát hành ra công chúng, theo Fiin Group.
    Đầu tháng 9.2020, nghị định 81 của Chính phủ ra đời với nhiều quy định chặt chẽ như phải xác định rõ mục đích sử dụng vốn khi phát hành, các đợt phát hành phải cách nhau tối thiểu 6 tháng, mỗi đợt phát hành phải hoàn thành trong 90 ngày… Đến cuối năm 2020, nghị định 153 bỏ nhiều quy định cũ, chú trọng đến tỷ lệ vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và người mua trái phiếu riêng lẻ phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.
    Hoàng Yến (Theo TGHN)
    Thời đã đến với xe điện