Triệu phú đô-la gốc Việt phải rời khỏi công ty do mình sáng lập

286
Conrad Chu (trái) và Tri Tran

Công ty giao món ăn Munchery rất nổi tiếng ở Mỹ và người thành lập là Tri Tran, một người Mỹ gốc Việt.

Trước khi chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975, Tri Tran được 4 tháng tuổi và đến 11 tuổi thì cùng gia đình đến Mỹ, tạm ở nhà của chú ruột ở San José (bang California) năm 1986.

Ban đầu, Tri Tran đi học rất vất vả vì chỉ biết vài từ tiếng Anh, phải nhờ vài người bạn học gốc Việt thạo tiếng Anh hơn giúp dịch lời giảng của giáo viên. “Giáo viên cứ giảng miết, còn tôi rặn óc ra để ráng hiểu được gì đó”, anh kể. Rồi Tri Tran cũng học được tiếng Anh, cùng anh trai tốt nghiệp trung học và đậu vào Viện Công nghệ Massachusetts ở Cambridge (bang Massachusetts).

Cuối những năm 1990, vừa tốt nghiệp xong, anh lên máy bay đến Thung lũng Silicon để làm việc cho công ty điện toán Silicon Graphics và nhiều công ty khác sau đó.

Tri Tran cưới vợ là Maria Su lúc 23 tuổi, họ có với nhau 2 người con trai. Hai vợ chồng bận làm việc nên chuyện nấu ăn ở nhà bị đẩy xuống hàng thứ yếu không mấy quan tâm. Hằng ngày, trên đường đi làm về, họ ghé mua thực phẩm và thuê một người hàng xóm có nghề đầu bếp nấu món ăn, sau đó để vào tủ lạnh cho gia đình. Khi nào cần, Tri Tran bật bếp hâm lại. Người đầu bếp này phục vụ nhiều gia đình, kiếm được 700 USD/ngày, nhưng không thể nấu cho cả trăm hay cả ngàn người ăn.

Đầu bếp của Munchery đang chế biến món ăn

Điều này khiến Tri Tran nảy ra một ý tưởng, anh chia sẻ nó với bạn đồng nghiệp Conrad Chu và họ quyết định cùng lập công ty giao thức ăn Munchery. Cả hai đều bỏ việc để lập công ty này vào năm 2010. Lúc đầu, hai người ký hợp đồng với những đầu bếp để nấu món tại nhà hàng và khách sạn, sau họ bán thức ăn qua mạng.

Tuy nhiên, cách này có điểm yếu là không thể kiểm soát chất lượng và dịch vụ. Tri Tran và Conrad Chu tái tổ chức Munchery, thuê các đầu bếp làm việc toàn thời gian để mở rộng hoạt động. Dù chi phí tăng lên nhưng công ty có thể kiểm soát được nguyên liệu và chất lượng sản phẩm tốt hơn.

Munchery ngày càng nổi tiếng và trở thành công ty trị giá 300 triệu USD, việc làm ăn thuận lợi  hơn, họ nấu và giao đồ ăn chế biến sẵn tới hàng trăm nghìn khách hàng tại nhiều thành phố của Mỹ. Munchery cũng bán dụng cụ nấu bếp dễ ráp, hoạt động ở 40 thành phố Mỹ, đặc biệt là ở các vùng đông dân như Seattle, New York, Los Angeles và vùng Bay Area (bang California).

Tính đến tháng 3/2016, Munchery đã bán hơn 3 triệu món ăn cho các khách quen. Tri Tran nói hơn 90% đơn đặt hàng với Munchery là từ khách hàng quen và ứng dụng đặt món ăn trên điện thoại di động đóng góp phần quan trọng cho sự thành công của anh.

Tri Tran (trái) tiếp cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ Hillary Clinton đến thăm công ty

Tuy nhiên, đầu năm 2017, Tổng giám đốc Munchery là James Beriker quyết định cắt giảm 30 nhân sự và chính cựu Tổng giám đốc Tri Tran cùng đồng sáng lập Conrad Chu (giữ chức Giám đốc công nghệ) phải rời khỏi công ty.

Theo nguồn tin giấu tên của Bloomberg hồi năm 2016, từ tháng 6 đến tháng 9, bếp ăn của Munchery ở San Francisco chế biến khoảng 653.400 món ăn nhưng không bán được, phải cho nhân viên giao hàng và tổ bếp đem về nhà, hoặc đổ thùng rác hoặc tặng cho các tổ chức từ thiện.

Theo các tài liệu tài chính nội bộ và cựu nhân viên giấu tên, sự lãng phí vượt quá 1,9 triệu USD, dựa trên giá trung bình 2,96 USD/món trong giai đoạn đó. Công ty đã thua lỗ ít nhất 5 triệu USD/tháng trong nhiều tháng và không thể tìm ra cách để cắt giảm chi phí. Nhưng người phát ngôn Munchery xác nhận là đã sản xuất nhiều món ăn hơn là bán được, phủ nhận không hề vứt thùng rác các món ăn chế biến sẵn.

Tổng giám đốc Beriker đến với Munchery hồi tháng 1/2016, khi đó Tri Tran làm Giám đốc chiến lược. Beriker nói ông muốn công ty phải có lợi nhuận trong quý 4 năm 2017. Munchery đã huy động được hơn 120 triệu USD từ quỹ đầu tư Sherpa Capital và Menlo Ventures.

Qua giai đoạn thất bại, Tri Tran không buồn, anh viết email gửi nhân viên nói: “Hành trình nào cũng có lúc thăng lúc trầm, chúng tôi luôn sát cánh bên nhau. Hy vọng của chúng tôi là khiến mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Không ai là người thua cuộc, chỉ có 2 trường hợp, hoặc là chiến thắng, hoặc là có được một bài học”.

Kim Hương (theo Business Insider)