Trở về từ Thung lũng Silicon và… ở lại Việt Nam

630

Ngày càng có nhiều người Việt ra nước ngoài học tập rồi trở về và ở lại quê hương làm ăn, sinh sống như một lẽ tự nhiên của lá rụng về cội…  Đôi vợ chồng trẻ Lê Diệp Kiều Trang (37 tuổi) – Vũ Xuân Sơn (44 tuổi) nằm trong số rất nhiều người như thế.

Thành đạt nơi xứ người

Lê Diệp Kiều Trang là cái tên quá đỗi thân thuộc trên báo chí, từ khi cô còn ngồi trên ghế trường THPT chuyên Lê Hồng Phong ở TP.HCM. Giỏi tiếng Anh, tốt nghiệp lớp 12 với số điểm cao nhất trường, năm 1998 Trang nhận được học bổng dự bị đại học 2 năm tại Vương quốc Anh. Hai năm sau đó, Trang tiếp tục nhận học bổng vào học Đại học Oxford. Tốt nghiệp thủ khoa ngành kinh tế học tại đây, Trang trở về làm việc cho Ngân hàng HSBC TP.HCM.

Năm 2006, Trang gặp Vũ Xuân Sơn – người đang điều hành Công ty Misfit Wearables tại Thung lũng Silicon (Mỹ) –  trong một lần Sơn về nước theo lời mời của bà Tôn Nữ Thị Ninh. Tâm đầu ý hợp, Trang quyết định theo Sơn sang Mỹ tạo dựng cơ nghiệp.

Đến Mỹ, Trang tiếp tục theo học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Tốt nghiệp loại xuất sắc, Trang đầu quân cho tập đoàn tư vấn tài chính Mckinsey tại Boston (bang Massachusetts). Tuy nhiên, sau một thời gian cô chuyển về làm việc cho công ty của Sơn (Misfit Wearables), tham gia quản lý tài chính, phát triển kinh doanh, kết nối nhóm thiết kế sản phẩm 12 người ở San Francisco và nhóm 25 người ở Việt Nam…

Còn Vũ Xuân Sơn cùng gia đình sang Mỹ từ năm 1979. Tốt nghiệp 2 ngành toán học và ngôn ngữ tại Đại học Illinois, năm 1996 Sơn làm nghiên cứu sinh tại MIT nhưng được một thời gian thì bỏ ngang ra mở doanh nghiệp, làm kinh doanh. Thất bại, Sơn vào làm cho tập đoàn máy tính Microsoft, sau thì nghỉ và quay trở lại “dùi mài” chữ nghĩa ở MIT.

Misfit Wearables là công ty riêng do Sơn lập từ năm 2011 sau khi hoàn tất chương trình học ở MIT. Sản phẩm Misfit Shine của công ty, một thiết bị được chế tạo tại Hàn Quốc bằng vật liệu nhôm máy bay, nhỏ vừa bằng đồng xu đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế lớn. Đây là thiết bị có thể gắn lên bất kỳ chỗ nào trên người nhằm theo dõi sức khỏe và thể chất của cá nhân. Trang cho biết từ năm 2013 đến 2015, công ty đã bán được vài triệu sản phẩm ra thế giới.

Trở về gắn bó lâu dài

Gần 2 năm nay, vợ chồng Trang – Sơn đã quyết định về gắn bó lâu dài tại Việt Nam. Cuối năm 2015, Misfit Wearables được Possil – tập đoàn đứng thứ hai thế giới về các sản phẩm đồng hồ thông minh – mua lại với giá khoảng 260 triệu USD và Sơn về làm cho Possil với vai trò chủ tịch kiêm giám đốc công nghệ của các thiết bị kết nối. Còn Trang làm giám đốc điều hành tại Việt Nam.

Dẫn chúng tôi đi xem một vòng đội ngũ trí thức trẻ đang nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm đồng hồ thông minh tại trụ sở Công ty ở TP.HCM, vợ chồng Trang – Sơn cho biết Possil hiện có đến 18 sản phẩm thương hiệu khác nhau về đồng hồ thời trang, mỗi mùa họ lại ra một dòng sản phẩm mới, đội ngũ ở đây chủ yếu sản xuất phần mềm giúp họ “biến đổi” những chiếc đồng hồ bình thường thành đồng hồ thông minh, hoặc các đồng hồ có thể kết nối với nhau mang tính kỹ thuật cao.

Trang cho biết, đội ngũ trí thức gia nhập Possil Việt Nam hiện có 180 người, trong đó khoảng 30% các bạn là du học sinh các nước trở về; một số là thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp các trường đại học lớn trên thế giới và cả người nước ngoài. Theo Trang, khó khăn ở đây là các bạn trẻ chưa có kinh nghiệm sáng tạo về sản phẩm đòi hỏi phải nghiên cứu khoa học, mà tuổi trẻ rất dễ thỏa mãn nên cần có thêm thời gian mới tiến xa được.

“Khoa học kỹ thuật đang phát triển như vũ bão nên mình không thể thỏa mãn với những gì đã có. Chúng tôi có thuận lợi là các bạn rất vững về khoa học căn bản, nên khi có cơ hội là các bạn dễ dàng phát triển năng lực cá nhân”, Trang nói.

Ngoài việc ở công ty, Trang và Sơn còn hỗ trợ cho một nhóm bạn trẻ khởi nghiệp bằng con đường nghiên cứu – ứng dụng. Hai vợ chồng gọi đây là nhóm tài năng, được tư vấn để mở những công ty khởi nghiệp, không chỉ dừng lại ở các sản phẩm công nghệ thông minh mà còn là công nghệ ở nhiều lĩnh vực khác.

“Các bạn trong nhóm này đều học từ nước ngoài về, họ cũng như chúng tôi, mong muốn tạo ra những sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế. Vì vậy, chúng tôi sẽ hỗ trợ họ về kinh nghiệm quản lý, thị trường, tạo cho họ nền tảng khoa học để một lúc nào đó có thể bán được chất xám qua sản phẩm của mình. Hy vọng 5-10 năm nữa, các bạn sẽ có những sản phẩm đầu tiên có thể đem lại thế mạnh cho Việt Nam”, Trang tâm sự.

Võ Hồng Quỳnh (Theo Thời Đại)