Trung Quốc sẽ cấm dạy kèm, siết chặt hoạt động của các hãng công nghệ giáo dục

432
Một lớp học tại Trung Quốc: Ảnh: Thestar
Tiêu điểm:

Trung Quốc sẽ cấm dạy kèm, siết chặt hoạt động của các hãng công nghệ giáo dục

Chính phủ Trung Quốc đang có kế hoạch “ép” các trường hay trung tâm dạy kèm trở thành các tổ chức phi lợi nhuận trong nỗ lực giảm bớt áp lực tài chính trong nuôi dạy con cái của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, những quy định như vậy có thể phá hủy ngành công nghệ giáo dục có giá trị đến 100 tỷ USD ở nước này.
Các nguồn tin giấu tên đã nói với hãng tin Bloomberg rằng một cơ quan đặc biệt đã thành lập hồi tháng 6 và sẽ soạn thảo nhiều cấm đoán mới. Chẳng hạn, nhà chức trách sẽ không cấp giấy phép mới cho các công ty dạy kèm Trung văn sau giờ học chính thức ở trường, và sẽ thanh tra các hoạt động của nền tảng dạy kèm online. Dạy kèm cuối tuần và trong các kỳ nghỉ cũng bị cấm.
Riêng tờ Diễn đàn Kinh doanh Thế kỷ 21 cho biết các nền tảng công nghệ giáo dục (edtech) bị cấm huy động vốn hay phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO). Các công ty đại chúng cũng không được phép đầu tư hay thâu tóm các công ty edtech, nước ngoài cũng bị cấm đầu tư vào lĩnh vực này.
“Bắt buộc dịch vụ dạy kèm trở thành các hoạt động phi lợi nhuận giống như chính sách hủy diệt nền công nghiệp này. Các quy định về tài chính gây ngạc nhiên tột độ và cho thấy tầm quan trọng của nền công nghiệp edtech. Tóm lại là trong tương lai gần, bất cứ tin gì về ngành này đều là tin xấu”, Wu Yuefeng, giám đốc đầu tư của quỹ Funding Capital Management Beijing, phát biểu.
Giá cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ và giáo dục Tân Đông Phương giảm đến 50% trên thị trường Hong Kong trong ngày 23/7. Còn giá cổ phiếu của Koolearn Technology Holding Ltd cũng trượt sâu 31%.
Bắc Kinh đang ra sức trấn áp ngành công nghệ dạy kèm bởi áp lực học thêm đang là nỗi thống khổ của học sinh, còn học phí đang đè bẹp các bậc phụ huynh. Đây cũng là những trở ngại cho chính sách dân số của chính phủ trung ương vốn đang khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tháng 6 vừa rồi, chính phủ đã ra chính sách hỗ trợ tài chính nhằm khuyến các cặp sinh con thứ ba.
Nhưng biến các trường dạy kèm, ngành edtech thành các doanh nghiệp phi lợi nhuận sẽ khiến mọi thứ trở nên vô nghĩa. “Nhà đầu tư sẽ bán đổ bán tháo mọi thứ để bỏ chạy. Liệu xóa bỏ ngành này sẽ giảm chi phí giáo dục và khuyến khích công dân sinh thêm và nuôi dạy con cái đàng hoàng hơn?”, nhà nghiên cứu trưởng Justin Tang của hãng United First Partners đặt câu hỏi.
Nhưng dễ thấy nhất lúc này là nỗ lực của Trung Quốc trong việc buộc các hãng công nghệ “quy phục” và phát triển trong các khuôn khổ mà Bắc Kinh định sẵn. Các hãng công nghệ giáo dục chỉ là nạn nhân kế tiếp sau Alibaba và Didi trong chiến dịch kiểm soát sắt đá của chính quyền.
Trung Quốc đang xem xét các hình phạt nghiêm khắc có lẽ chưa từng có đối với hãng gọi xe Didi. Theo Bloomberg, quyết định IPO bất chấp sự phản đối của Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) là một thách thức với Bắc Kinh. CAC, Bộ Công an cùng các cơ quan quản lý thuế, vận tải, chống độc quyền đang bắt đầu một cuộc điều tra tại các văn phòng của Didi. Theo nguồn tin cho biết, Bắc Kinh đang cân nhắc một loạt hình phạt gồm phạt tiền, đình chỉ một số hoạt động hoặc giới thiệu một số nhà đầu tư nhà nước. Trường hợp Didi buộc phải huỷ IPO hoặc thu hồi cổ phiếu ở Mỹ cũng có thể xảy ra. Didi đã huy động được 4,4 tỷ USD nhờ vụ IPO tại thị trường Mỹ. Nó giúp đồng sáng lập Cheng Wei trở thành tỷ phủ và cũng đem lại phần thưởng cho những nhà đầu tư lâu năm như SoftBank Group, Tiger Global Management và Temasek Holdings.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,85 – 57,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn là 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.804,6 USD/ounce, tăng nhẹ 1,3 USD, tương đương 0,07% so với chốt phiên trước. Giá vàng đã tăng khi lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD cùng suy yếu.
2/ Báo cáo tài chính quý 2 của Công ty cổ phần Nước giải khát Chương Dương (SCD) ghi nhận doanh thu thuần 23 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp giảm sâu khi chỉ đạt 5,6%, trong khi giai đoạn này năm ngoái lên đến 19%. Sau khi trừ các chi phí, công ty báo lỗ sau thuế 13,5 tỷ đồng, mức kỷ lục trong lịch sử hoạt động và nối dài mạch lỗ quý thứ hai liên tiếp. Ban lãnh đạo công ty lý giải, đợt bùng phát dịch thứ tư khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc thay đổi cách ghi nhận chi phí liên quan đến tài sản cũng làm gia tăng chi phí nên dù cố gắng cắt giảm các khoản chi không cấp thiết, công ty vẫn bị lỗ. Tính đến cuối kỳ, Sá xị Chương Dương có tổng tài sản 373 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng so với đầu năm.
3/ Theo tin từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đang gặp khó do hải quan đưa mặt hàng này vào xuất khẩu có điều kiện để kiểm soát xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp khi mở tờ khai xuất khẩu hồ tiêu thì bị xếp vào “luồng vàng”, tức là bị kiểm tra chi tiết hồ sơ, chứng từ thay vì là luồng xanh (miễn kiểm tra chi tiết hàng hóa) như trước. Điều này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi chi phí gia tăng, đặc biệt là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì việc đi lại để xử lý thông quan tờ khai sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro phơi nhiễm Covid-19. Theo Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), việc đưa hạt tiêu vào danh mục hàng hóa xuất khẩu có điều kiện là quá vô lý và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong khi đây là mặt hàng nông sản xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam trong 20 năm qua.
4/ Theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine Covid-19 giữa Công ty Cổ phần Vaccine Việt Nam (VNVC) và AstraZeneca, sáng 23.7, thêm 1.228.500 liều vaccine đã được AstraZeneca đưa về Việt Nam tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM. Đây là lần giao vaccine thứ 5 và cũng là lô hàng lớn nhất từ trước đến nay theo hợp đồng này. Hiện, hợp đồng này đã mang về cho Việt Nam hơn 3,1 triệu liều, tương đương với khoảng 37% tổng lượng vaccine Covid-19 của AstraZeneca trong nước. Tổng cộng, đã có gần 8,6 triệu liều vaccine Covid-19 của AstraZeneca được chuyển đến Việt Nam thông qua hợp đồng đặt mua trước với VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế thông qua Cơ chế COVAX và viện trợ song phương giữa Chính phủ các nước. Vaccine của AstraZeneca hiện chiếm 77% nguồn cung vaccine Covid-19 trên cả nước.
Thêm hơn 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca về đến Việt Nam – Ảnh: VGP
5/ Tiếp nối sự thành công của năm đầu tiên, Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN năm 2021 (ASEAN Online Sale Day 2021) đã bắt đầu khởi động, với 10 nước thành viên trong khu vực ASEAN đang cùng phối hợp chuẩn bị và sẵn sàng cho sự kiện diễn ra vào ngày 8/8/2021. Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 54 năm thành lập Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Chương trình Ngày mua sắm trực tuyến lớn nhất ASEAN 2021 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 8 đến 10/8/2021 do Brunei (Chủ tịch năm ASEAN 2021), Singapore và Việt Nam đồng chủ trì. Đặc biệt, trong khuôn khổ thời gian diễn ra chương trình, người tiêu dùng của Việt Nam hay các nước thuộc khu vực ASEAN có thể mua sắm trên các nền tảng số của các doanh nghiệp, các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước với những ưu đãi dành riêng cho sự kiện này.
6/ Theo các số liệu thống kê mới nhất, lạm phát tại Mỹ trong tháng gần nhất tăng mạnh nhất trong 13 năm khi mà quá trình phục hồi kinh tế tăng tốc sau đại dịch Covid-19, nhu cầu hàng hóa tiêu dùng tăng cao đẩy giá hàng loạt sản phẩm, từ xe hơi cho đến quần áo hay chi phí ăn tại nhà hàng tăng. Nhiều hãng sản xuất thực phẩm đóng gói khác trong đó có bao gồm Procter & Gamble Co và General Mills cũng đã cảnh báo về các đợt tăng giá. Ngoài ra, hãng sản xuất xà phòng Dove và mayonaise của Hellmann mới đây đã cảnh báo về khả năng giá cả nhiều loại mặt hàng sẽ đồng loạt tăng bởi chi phí đầu vào của các hãng hiện đã tăng đáng kể. Thêm vào đó, trong quý 2/2021, Unilever PLC công bố đã tăng giá bán hàng hóa thêm 1,6% trên toàn cầu, và dự kiến sẽ phải tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
7/ Cơn sốt du lịch mùa hè của người Mỹ đang cao vượt dự báo, các hãng hàng không kiếm được nhiều lợi nhuận trở lại, triển vọng của ngành hàng không Mỹ trong khoảng thời gian còn lại của năm được dự báo sẽ vô cùng sáng sủa. Theo đó, trong tháng này, chi tiêu của người Mỹ vào các hãng hàng không tính theo tuần đã có lúc vượt mức tương đương của cùng thời điểm năm 2019 lần đầu tiên tính từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, theo công bố của công ty chuyên theo dõi mức chi tiêu của hàng triệu giao dịch tiêu dùng Mỹ. Giá vé máy bay cũng hồi phục chóng mặt. Nhu cầu tăng cao đã khiến cho hoạt động tuyển dụng trong ngành trở nên sôi động. American Airlines đã công bố có kế hoạch tuyển dụng 1.350 phi công trước thời điểm cuối năm sau, mức tăng 50% so với các kế hoạch trước đó.
8/ Theo WSJ, nhu cầu bất động sản tăng cao đang đẩy giá nhà trung bình tại Mỹ lên mức cao kỷ lục trong tháng 6. Theo Hiệp hội bất động sản Mỹ vào ngày thứ năm công bố doanh số bán nhà đang sử dụng tại Mỹ tháng 6/2021 tăng 1,4% lên 5,86 triệu căn nhà. Doanh số bán nhà tháng 6/2021 tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước. Được biết, mức giá nhà trung bình tại Mỹ trong tháng 6/2021 là 363.000USD/căn, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước và như vậy lập mức kỷ lục. Giá nhà tại Mỹ như vậy không ngừng tăng trong bối cảnh nguồn cung còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, các chuyên gia về thị trường bất động sản Mỹ cho rằng cơn sốt nhà đất dự kiến sẽ hạ nhiệt trong những tháng tới khi mà số lượng nhà bán tăng, giá nhà quá cao khiến cho thêm nhiều người từ bỏ ý định mua nhà.
Ảnh minh họa: WSJ
9/ Thế vận hội từ lâu đã trở thành một sự kiện quảng cáo gần như lý tưởng cho các công ty, với nhiều cơ hội để lồng ghép thương hiệu vào các cuộc thi và những câu chuyện thú vị về các vận động viên vượt qua nghịch cảnh. Nhưng giờ đây, khi có khoảng 11.000 vận động viên từ hơn 200 quốc gia tập trung tại Tokyo trong đại dịch, các nhà quảng cáo Olympic đang cảm thấy lo lắng về số tiền hơn một tỷ USD mà họ đã chi để chạy quảng cáo trên NBC và Peacock. Những lời kêu gọi hủy bỏ sự kiện đã tăng lên khi nhiều vận động viên có kết quả dương tính với Covid-19. Olympic cũng không được lòng người dân Nhật Bản và nhiều chuyên gia y tế, bởi lo sợ về một sự kiện siêu lây nhiễm. Điển hình, Panasonic, một nhà tài trợ hàng đầu, sẽ không cử CEO đến dự lễ khai mạc vào ngày 23.7. Toyota, một trong những công ty có ảnh hưởng nhất của Nhật Bản, cũng quyết định tương tự, với việc không chạy quảng cáo truyền hình cho sự kiện tại quê nhà.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Cám ơn Doanh nghiệp đồng hành cùng “Vòng tay Việt”