Trung Quốc sẽ lập quỹ giải cứu các công ty tài chính

Trụ sở của tập đoàn bất động sản Country Garden ở Phật Sơn, Quảng Đông. Ảnh: Reuters

Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch thành lập quỹ giải cứu các tổ chức tài chính đang gặp khó khăn, nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng dây chuyền từ các chấn động của thị trường bất động sản.

Không giống như các quỹ trước đây được thành lập để bảo vệ khách hàng, mục đích của quỹ mới là ngăn chặn các tổ chức tài chính sụp đổ đột ngột. Bởi những vụ phá sản như vậy có thể gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường tài chính.

Dự luật nêu rõ cách thức thu và giải ngân các khoản đóng góp của quỹ mới sẽ được Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc thảo luận trong ngày 25-6. Dự luật có thể ​​sẽ được ban hành vào cuối năm nay.

Nguồn tiền cho quỹ nào chủ yếu là đóng góp của các công ty trong ngành tài chính, bao gồm các ngân hàng và dịch vụ thanh toán. Một nguồn tin chính phủ chỉ ra rằng quỹ này có thể lên đến hàng trăm tỷ nhân dân tệ (1 USD = 7,26 nhân dân tệ). Trong trường hợp khẩn cấp, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) sẽ có thể mở rộng quỹ bằng cách cung cấp các khoản vay lãi suất thấp.

Trung Quốc đã có quỹ bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền, bên cạnh các quỹ dành cho lĩnh vực bảo hiểm và ủy thác. Quỹ bảo hiểm tiền gửi có số dư 81 tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm ngoái.

Mặc dù phần lớn các quỹ này nhằm bảo vệ khách hàng nhưng quỹ mới sẽ hỗ trợ các tổ chức tài chính. Người ta lo ngại rằng sự phá sản của một tổ chức tài chính sẽ làm tăng sự bất ổn trên toàn bộ thị trường tài chính, tạo ra một phản ứng dây chuyền trong đó các tổ chức tài chính và công ty phi tài chính khác phải hứng chịu.

Cho đến nay, chính quyền địa phương đã bơm vốn vào các định chế có nguy cơ sụp đổ nhằm giảm thiểu rủi ro cho toàn bộ hệ thống. Họ lấy tiền huy động được từ phát hành trái phiếu nhằm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng và các mục đích khác, thay vào đó họ bơm vốn công vào các ngân hàng vừa và nhỏ. Theo truyền thông Trung Quốc, khoảng 220 tỷ nhân dân tệ đã được sử dụng cho mục đích đó trong năm 2023.

Nhưng chính quyền địa phương phải đối mặt với sự sụt giảm thu ngân sách do thị trường bất động sản sụt giảm. Khó khăn tài chính của địa phương sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu họ phát hành trái phiếu để giải cứu các ngân hàng. Bằng cách nhờ các tổ chức tài chính tham gia tạo quỹ mới, chính phủ trung ương có thể hy vọng tăng cường mạng lưới an toàn đồng thời giảm gánh nặng cho tài chính công.

Trung Quốc đang cảnh giác với nguy cơ lan rộng của rủi ro tài chính bất động sản. Mối lo ngại về tín dụng đã gia tăng sau khi các hãng bất động sản lớn như China Evergrande Group và Country Garden Holdings lâm cảnh vỡ nợ.

Tháng 10-2023, Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp giám sát tài chính trên cấp độ quốc gia, nhằm bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính. Các nhà phân tích nói rằng chính phủ đang cảnh giác với các khoản vay ở lĩnh vực bất động sản.

Nợ xấu của các ngân hàng tăng vọt do thị trường bất động sản trì trệ. Tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn đã giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với một năm trước đó xuống còn 7,3% vào cuối năm 2023, theo nghiên cứu của Shinichi Seki thuộc Viện Nghiên cứu Nhật Bản dựa trên dữ liệu tài chính của các công ty niêm yết.

Con số này cao hơn đáng kể so với mức 1,6% được ghi nhận trong số liệu thống kê của chính phủ, vốn được cho là thấp hơn con số thực tế do đánh giá tài sản linh hoạt tại các ngân hàng thương mại.

Đặc biệt, theo nghiên cứu của Seki, tỷ lệ nợ xấu tiềm ẩn khi cho vay lĩnh vực bất động sản là 19,4%, tăng gấp 6 lần so với cuối năm 2019. Cho vay chủ đầu tư và thế chấp chiếm hơn 20% dư nợ của các ngân hàng.

Việc xử lý các khoản nợ khó đòi sẽ gây áp lực lên tài chính của ngân hàng. Các ngân hàng đã xử lý các khoản nợ xấu trị giá 3.000 tỷ nhân dân tệ trong năm 2023. Đây là năm thứ tư liên tiếp, nợ xấu ở đại lục vượt ngưỡng 3.000 tỷ nhân dân tệ.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ / BSA Media

Mỹ vượt Trung Quốc thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của ASEAN trong quý 1