Trung Quốc thúc đẩy doanh nghiệp trong nước tìm thị trường xuất khẩu

99
Người dân trên đường phố Thượng Hải ngày 13-12-2022. Chính phủ Trung Quốc đã đột ngột thay đổi chính sách zero Covid trong tuần rồi. Ảnh: Reuters

Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy các công ty trong nước mở rộng xuất khẩu sau khi Bắc Kinh nới lỏng chính sách kiểm soát Covid hà khắc. Ít nhất chín tỉnh, bao gồm Quảng Đông, Triết Giang và Giang Tô, đang hỗ trợ kinh phí cho hàng trăm doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu tham dự các triển lãm quốc tế để lấy các đơn hàng nước ngoài.

Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tổ chức các dịch vụ rộng rãi như vậy cho doanh nghiệp ở cấp chính phủ kể từ sau đại dịch. Một số chính quyền địa phương thậm chí còn cung cấp các chuyến bay thuê bao để đưa các doanh nhân ra nước ngoài.

Giáo sư kinh tế John Gong tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng: “Điều đó cho thấy các chính quyền địa phương này đang tuyệt vọng và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn thực sự. Chính phủ Trung Quốc đang tận dụng những cơ hội này để đưa ra thông điệp rằng Trung Quốc đã chuẩn bị mở cửa trở lại. Đây là một khởi đầu tốt và một cử chỉ tốt, mặc dù không rõ liệu những sáng kiến ​​này có mang lại sự gia tăng đáng kể trong đơn đặt hàng hay không”.

Xuất khẩu là động lực tăng trưởng lớn nhất của Trung Quốc trong hai năm qua. Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc tính theo đồng đô la Mỹ đã giảm 8,7% trong tháng 11 so với một năm trước do Bắc Kinh tiếp tục thắt chặt các biện pháp chống Covid trước khi nước này đột ngột thay đổi chính sách chống dịch trong tuần rồi.

Ting Lu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura, cho biết ông dự đoán tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ “vẫn khá yếu” trong vài tháng tới do tăng trưởng nhập khẩu nguyên liệu gia công và lắp ráp trong tháng 11 giảm mạnh. Đây là các chỉ dấu cho tăng trưởng xuất khẩu.

Một quan chức chính quyền tỉnh Giang Tô, người đã tham gia tổ chức cho hơn 100 doanh nhân tham dự Hội chợ Thời trang châu Á tại Tokyo đầu tháng 12, nói với Nikkei Asia rằng chính phủ đã trợ cấp cho các chuyến đi này và tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn xin cấp hộ chiếu và thị thực cho các doanh nghiệp tham gia triển lãm.

“Tất nhiên chúng tôi lo lắng về nền kinh tế. Chúng tôi không cần vận động doanh nghiệp tham dự triển lãm quốc tế bởi tự bản thân họ cũng muốn đi. Bởi hầu hết các doanh nghiệp không thể ra nước ngoài trong ba năm qua. Họ chỉ có thể dựa vào những khách hàng lâu năm của mình để tiếp tục vượt qua đại dịch, và rõ ràng là chỉ vậy thì không đủ. Đây là lý do tại sao các cuộc triển lãm ở nước ngoài lại rất quan trọng để họ tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới lúc này “, vị quan chức nói.

Chính quyền tỉnh Giang Tô đã dàn xếp chuyến bay thuê bao đầu tiên, với các quan chức và doanh nhân địa phương, từ thành phố Vô Tích đến Nhật Bản vào cuối tháng 10. Theo báo chí địa phương, 12 dự án với tổng trị giá 800 triệu đô la đã được bảo đảm trong chuyến công tác.

Alibaba.com, thị trường bán buôn trực tuyến của Tập đoàn Alibaba kết nối nhà cung cấp với người mua, gần đây đã triển khai chương trình “triển lãm thương mại kết hợp kỹ thuật số” để kết nối hàng nghìn nhà xuất khẩu vừa và nhỏ của Trung Quốc với người mua tiềm năng trong khoảng 100 triển lãm ở nước ngoài nhằm giúp họ mở rộng thị trường. thị trường nước ngoài.

Alibaba.com sẽ cử các nhóm nhân viên đến triển lãm để dựng màn hình LED để hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc có thể giới thiệu trực tuyến các sản phẩ mà không cần ra nước ngoài. Gã khổng lồ thương mại điện tử cũng có kế hoạch cử các nhà cung cấp Trung Quốc trực tiếp tham dự các cuộc triển lãm này nếu họ có đủ khả năng.

Người phát ngôn của Alibaba.com cho biết: “Với việc nới lỏng các hạn chế phòng Covid, chúng tôi hy vọng sẽ tạo được niềm tin cho các thương nhân của mình. Chúng tôi đang cố gắng mang đến cho nhà mua hàng nước ngoài cơ hội kết nối với hàng ngàn nhà xuất khẩu Trung Quốc. Điều này cũng sẽ giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc mở rộng thị trường nước ngoài của họ một cách hợp lý và hiệu quả hơn”.

Mặc dù Trung Quốc đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp nghiêm ngặt phòng dịch, nhưng khách nước ngoài vẫn bị cách ly trong tám ngày.

Giáo sư Gong nói rằng ông lo ngại các tác động lâu dài của chính sách zero Covid dù rằng hiện nay chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thu hút các công ty nước ngoài.

“Một số nhà sản xuất đa quốc gia đã coi các chính sách phòng chống Covid của Trung Quốc là rủi ro chính trị. Khi họ họ lên kế hoạch mở rộng công suất trong tương lai, họ có thể loại trừ Trung Quốc do rủi ro chính trị”, Giáo sư Gong nói.