Trung Quốc và thế giới sẽ có giải pháp nào với “bom nợ Evergrande”?

Tiêu điểm
Trung Quốc và thế giới sẽ có giải pháp nào với “bom nợ Evergrande”?
Công ty con của China Evergrande Group đã thỏa thuận được với nhà đầu tư về việc dời thời hạn trả lãi suất trái phiếu đến hạn vào ngày mai 23-9. Bên cạnh đó, các động thái bơm tiền đến 18,6 tỷ USD của Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PboC) cũng là điểm neo cho các nhà đầu tư.
Theo Bloomberg, giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã không lao dốc dữ dội trong hôm nay 22-9 như dự báo về xu hướng của thị trường sau kỳ nghỉ Tết Trung thu hai ngày. Chỉ số CSI 300 đã dừng ở mức sụt giảm 1,9%.
“Tôi cho rằng chúng ta đang chứng kiến sự trì hoãn tạm thời với việc chi trả vài khoản tiền lãi nhằm tạo ra tình hình có vẻ tốt hơn chờ đợi mà mọi người đang mong. Điều này có nghĩa là ngân hàng trung ương sẽ bơm thêm nguồn vốn ngắn hạn. Và cũng có thể rằng PboC đang giám sát tình hình rất chặt chẽ nếu nền tài chính và kinh tế lâm nguy do tác động dây chuyền khi quả bom nợ Evergrande bùng nổ”, Jun Rong Yeap, nhà chiến lược thị trường của hãng IG Asia Pte. nhận định.
Hứa Gia Ấn (Hu Ya Kun) lập công ty Hằng Đệ (Hengda) năm 1996 ở Quảng Châu và mở rộng công ty xây dựng này bằng vốn vay khắp nơi. Hiện Evergrande Real Estate sở hữu trên 1.300 dự án ở 280 thành phố khắp Trung Quốc. Cuối tháng 6 vừa rồi, Evergrande đã cam kết xây dựng khoảng 1,4 triệu căn hộ hay dự án tư nhân – theo Capital Economics.
Tập đoàn này cũng mạo hiểm bước qua những lĩnh vực khác như xe điện (Evergrande New Energy Auto), internet và truyền thông (HengTen Networks), công viên giải trí (Evergrande Fairyland), bóng đá (Guangzhou F.C) và nhà máy nước khoáng và thực phẩm (Evergrande Spring) cùng nhiều dự án khác. Với 200 công ty ở nướ ngoài và 2.000 công ty con ở trong nước, Evergrande có tài sản tổng trị giá 2.000 tỉ nhân dân tệ, tương đương với 2% GDP của Trung Quốc – theo tính toán của ngân hàng Goldman Sachs Group Inc.
Evergrande gặp khó khăn về thanh toán từ năm 2018 do mở rộng liên tục. Tháng 8-2020, tập đoàn đã gửi thư đến chính quyền tỉnh Quảng Đông thông báo rằng các khoản thanh toán đến hạn vào tháng 1-2021, có thể gây khủng hoảng thanh khoản và dẫn đến các vụ vỡ nợ lớn hơn trong nền tài chính Trung Quốc.
Lá thư kêu cứu của tập đoàn bị lộ trên báo chí ngày 24-9-2020, khiến giá cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande lao dốc mặc cho tập đoàn bác bỏ và trấn an nhà đầu tư. Lá thư sau đó lan rộng trên mạng xã hội… Cuộc khủng hoảng được ngăn chặn nhanh chóng sau khi một nhóm nhà đầu tư đã không đòi khoản nợ 13 tỉ đô la đến hạn.
Tháng 1 năm nay, chính phủ Trung Quốc bắt đầu siết chặt dòng tín dụng cho thị trường bất động sản. Mục đích là kềm hãm giá nhà ở tăng hỏa tiễn trong hai thập qua, khiến người nghèo khó có thể mua nhà. Evergrande bắt đầu gặp khó. Hiện số nợ của Evergrande đã lên đến 305 tỷ USD, tương đương 2% GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
“Nhưng triển vọng thị trường rất mờ mịt. Bởi nhà đầu tư đang chờ đợi Fed và đang quan sát những gì mà nhà chức trách Trung Quốc chuẩn bị làm để hạn chế mức độ thiệt hại từ vụ vỡ nợ của gã khổng lồ như Evergrande. Nhưng kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển đổi mô hình, và điều này sẽ ảnh hưởng đến các triển vọng ngắn hạn”, Hao Hong, trưởng bộ phận nghiên cứu của hãng BOCOM International, nói với Nikkei Asia.
Nhà phân tích này đang nhắc đến sự ngần ngại của chính quyền Trung Quốc và ngân hàng trung ương nước này trong việc tung các gói kích thích nền kinh tế vào thời điểm thị trường bất động sản toang hoang thế này. Không những vậy, nhà chức trách còn tăng cường trấn áp và siết chặt lĩnh vực bất động sản và các ngành công nghiệp khác như một phần trong sáng kiến “thịnh vượng chung” của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm giảm hố sâu cách biệt giàu nghèo ở đất nước đông dân nhất thế giới
Bloomberg nói rằng chính phủ trung ương và chính quyền Quảng Đông và một số doanh nghiệp nhà nước lớn có thể đưa tay hỗ trợ bằng một hình thức nào đó hay buộc Evergrande tái cấu trúc. Bắc Kinh đã chỉ thị cho tỉnh Quảng Đông vạch ra lộ trình giải quyết khối nợ của tập đoàn và lập cả danh sách các công ty có khả năng sẽ mua lại nợ. Trong tháng 9 này, nhà chức trách đã thông qua kế hoạch cho phép Evergrande tái đàm phán thời hạn trả nợ với các chủ nợ, mở đường cho “giải pháp câu giờ” khác.
Nhưng các “chúa chổm” nhiều vô số kể trong nền kinh tế Trung Quốc với việc các chính quyền địa phương, doanh nghiệp công lẫn tư vay mượn tràn lan. Cứu Evergrande mà không quăng phao cứu sinh cho các tập đoàn Anbang Group Holdings hay HNA Group thì cũng không được…
Lúc này, chính phủ lâm vào thế kẹt. Trung Quốc đã tuyên bố bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể phá sản dây chuyền sau khi quả bom nợ Evergrande nổ, tạo bất ổn xã hội. Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022 chỉ còn năm tháng nữa là khai mạc. Còn nếu bơm tiền trực tiếp hay gián tiếp cứu Evergrande, Bắc Kinh cũng tự phá vỡ trật tự tài chính mới mà họ muốn thiết lập.
Tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể làm trật hướng của tăng trưởng toàn cầu. Hồi tháng 4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo rằng Trung Quốc có thể đóng góp trên 20% tăng trưởng GDP toàn cầu trong giai đoạn 2021-2026.
Số phận của Evergrande cũng dần hé lộ khi Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) của Mỹ trong ngày 22-9 có thế bắt đầu quá trình tháo khoán thêm các gói kích thích kinh tế – vốn có thể tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền vào các loại tài sản rủi ro như trái phiếu doanh nghiệp của Evergrande.
Nhà chiến lược Michael Wilson của ngân hàng Morgan Stanley nói rằng cổ phiếu Mỹ có thể giảm đến 20% giá trị từ mức hiện nay nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ chậm lại. Wilson khuyên các nhà đầu tư lúc này “cúi rạp xuống đất hơn lúc bình thường, siết chặt các danh mục đầu tư và đưa vào nhóm chất lượng cao, có thể bảo vệ họ trước những cơn bão, hơn là chú trọng độ tăng trưởng của nhóm cổ phiếu của các công ty có mức vốn hóa lớn”. Wilson chắc chắn có ý nói đến những gã khổng lồ như Evergrande.
———————————————————————————————————————————————————————–
Tác động của Evergrande đến thị trường Việt Nam
Thứ nhất, theo ghi nhận, các chính sách hạ nhiệt thị trường bất động sản tại Việt Nam khác với Trung Quốc. Thứ hai, thị trường Việt Nam không do các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc thúc đẩy mạnh như một số thị trường khác. Thứ ba, mối liên hệ giữa bất động sản và hệ thống ngân hàng ở Việt Nam khá chặt chẽ, chính phủ có sự linh hoạt trong vấn đề giải cứu hay không cứu doanh nghiệp và thị trường. Vì vậy, cho đến lúc này, quá sớm để liên hệ giữa câu chuyện của Evergrande với các công ty tại Việt Nam.
… Với Việt Nam, sự việc Evergrande gây ảnh hưởng xấu đến Phố Wall có thể là một tin không tốt cho tâm lý nhà đầu tư ở thị trường chứng khoán trong nước. Tuy nhiên, trong lộ trình mở cửa trở lại và phục hồi kinh tế, tâm lý chung vẫn sẽ là theo dõi và chờ đợi, và hoạt động sản xuất cũng phải mất vài tháng để thật sự quay lại mức 50-60%.
Như vậy, dòng tiền chưa thể rút ra khỏi chứng khoán để đổ vào kinh tế thực một cách nhanh chóng được. Theo đó mà nói, những đợt sụt giảm chứng khoán có thể diễn ra ở quy mô của những đợt điều chỉnh, hơn là tháo chạy hoảng loạn hay sụp đổ.
Hồ Quốc Tuấn, giảng viên Đại học Bristol, Anh
(trích bài “Evergrander – đừng nhìn thấy cây mà không thấy rừng” trên KTSG Online)
———————————————————————————————————————————————————————–
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,5 – 57,15 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.776,9 USD/ounce, tăng 12,9 USD, tương đương 0,73% so với chốt phiên trước.
2/ Infographic: Theo Báo cáo của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam hiện xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế trong bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu.
3/ Từ đầu tháng 9 đến nay, các điểm trung chuyển hàng hoá tại 3 chợ đầu mối về nông sản thực phẩm lớn nhất TP. HCM đã lần lượt được cho mở lại. Mục đích là cung cấp nguồn hàng hoá cho người dân thành phố. Tuy nhiên, lượng hàng hoá về đây lại khá thấp, có chợ, mỗi đêm hàng về chỉ được vài tấn. Theo đó, dù đã mở lại điểm trung chuyển, hàng về chợ Bình Điền và Thủ Đức chỉ khoảng vài chục tấn mỗi đêm, trong khi chợ Hóc môn vỏn vẹn 5 tấn. Được biết, khi đợt dịch lần thứ 4 chưa bùng phát, thì mỗi đêm lượng hàng về 3 chợ này khoảng 7.000-10.000 tấn. Lý giải nguyên nhân lượng hàng về ít, các đại diện của chợ cho biết là vì có quá nhiều quy định bắt buộc trước khi vào chợ đối với thương nhân khiến họ ngại tham gia.
4/ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2021 cho biết, kinh tế Việt Nam dự kiến tăng trưởng chậm hơn do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Đại dịch cũng đã làm gián đoạn nguồn lao động, giảm sản lượng công nghiệp và gây đứt gãy chuỗi giá trị nông nghiệp. Cụ thể, kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay và 6,5% vào năm 2022. Tổ chức này cho biết tăng trưởng đã phục hồi trong nửa đầu năm nay chủ yếu do lưu lượng thương mại tăng cao nhưng đã chậm lại trong nửa cuối năm do làn sóng thứ tư của đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và thị trường lao động. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế trong năm nay và năm 2022 do tốc độ tăng trưởng chậm lại.
5/ Bộ Công Thương đã ban hành quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường nhập khẩu vào Việt Nam từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia. Theo đó, từ đầu năm đến nay đã xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mạnh khi so sánh cùng kỳ năm 2020. Đây được coi là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bởi mức tăng này không phù hợp với năng lực phát triển sản xuất đường mía của 5 nước ASEAN và cả 5 nước đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan.
6/ Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8/2021 xuất khẩu phân bón đạt 83.509 tấn, trị giá 32,5 triệu USD, giảm gần 4% cả về lượng và kim ngạch so với tháng 7/2021. So với tháng 8/2020 giảm mạnh 47% về lượng, giảm 25,5% về kim ngạch. Đáng chú ý, 8 tháng đầu năm 2021, Campuchia là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với hơn 354.336 tấn, trị giá trên 133,83 triệu USD, tăng mạnh 37% về khối lượng và tăng 66% về kim ngạch so với 8 tháng đầu năm 2020, chiếm 45,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Chiều ngược lại, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập khẩu 3,2 triệu tấn phân bón các loại, trị giá 909,3 triệu USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 40,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020.
7/ Theo CNBC, Tập đoàn công nghệ Amazon (Mỹ) đã trao tặng xe hơi hoặc 100.000 USD tiền mặt cho các nhân viên đã tiêm 2 mũi vaccine Covid-19, thực hiện cam kết tặng thưởng để khuyến khích nhân viên tiêm chủng. Theo đó, trong tháng 8, Amazon đã công bố chương trình rút thăm trúng thưởng có tên Max Your Vax dành cho những nhân viên đã tiêm vaccine Covid-19. Tham gia Max Your Vax, nhân viên Amazon có cơ hội nhận được nhiều phần quà hấp dẫn như xe hơi, một tuần nghỉ có lương kèm theo gói nghỉ dưỡng 12.000 USD, và các giải thưởng tiền mặt có giá trị lên đến 100.000 USD hoặc 500.000 USD. Được biết, dù không yêu cầu nhân viên tuyến đầu phải tiêm phòng, Amazon kỳ vọng việc tổ chức rút thăm trúng thưởng này sẽ giúp nhân viên của họ có thêm động lực để tiêm vaccine.
8/ Ủy ban châu Âu (EC) đã bàn giao robot khử trùng thứ 200 cho bệnh viện Consorci Corporació Sanitària Parc Taulí ở Barcelona (Tây Ban Nha). Theo đó, các robot do EC tặng giúp vệ sinh phòng bệnh nhân Covid-19 này là một phần trong hành động của EC nhằm giúp các bệnh viện trên khắp Liên minh châu Âu (EU) đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Sau việc tặng 200 robot đầu tiên được công bố vào tháng 11 năm ngoái, thì EC đã mua thêm 100 robot khác, nâng tổng số robot tặng các bệnh viện lên 300. Được biết, hầu như tất cả các nước thành viên EU hiện đã nhận được ít nhất một robot loại này, giúp khử trùng một phòng bệnh tiêu chuẩn trong vòng chưa đầy 15 phút, góp phần giảm tải cho nhân viên bệnh viện, bảo vệ họ và bệnh nhân tốt hơn trước nguy cơ lây nhiễm tiềm ẩn.
Robot khử trùng. Ảnh: EU Robotics
9/ Thị trường nhà ở đã tăng trưởng mạnh mẽ tại Vương quốc Anh đang cho thấy dấu hiệu ổn định trở lại, với mức tăng 14% về số lượng bất động sản được rao bán trong hai tuần đầu tiên của tháng 9-2021. Theo đó, giá nhà tại Anh đã tăng cao trong thời kỳ đại dịch trong bối cảnh người dân có xu hướng tìm kiếm thêm những ngôi nhà ở ngoài trung tâm thành phố do dự đoán việc trở lại văn phòng làm việc 5 ngày/tuần là khá xa vời. Được biết, mặc dù nhu cầu nhà ở vẫn cao hơn gấp hai lần so với mức trước đại dịch, nhưng bù lại những người mua nhà sẽ được kéo dài thời gian chi trả ở mức độ nào đó. Thêm vào đó là việc giảm thuế tạm thời cho những giao dịch mua nhà sắp kết thúc vào ngày 30-9 tới.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Mới lạ bữa ăn với bánh tráng gạo đen từ Duy Anh Foods