Trung Quốc vượt Đài Loan để trở thành nhà thầu phụ lớn nhất của Apple

457
Tiêu điểm:

Trung Quốc vượt Đài Loan để trở thành nhà thầu phụ lớn nhất của Apple

Trung Quốc chiếm tới 51 trong tổng số 200 nhà thầu hàng đầu của Apple trong năm 2020 đang đặt cơ sở tại đây và đặc khu Hong Kong – theo phân tích của Nikkei Asia dựa trên danh sách nhà thầu do Apple cung cấp.
Với tỷ lệ tăng khoảng 20% so với con số 42 của năm 2018, Trung Quốc đã vượt Đài Loan và chiếm vị trí đầu bảng lần đầu tiên. Hãng phân tích Nikkei Asia nói Apple đã không cung cấp số liệu của năm 2019. Các nhà thầu Trung Quốc cũng giúp Apple xây dựng hệ thống vệ tinh ở các nước châu Á trong nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Apple.
Danh sách nhà thầu của Apple liệt kê đến 98% chi phí nguyên liệu, sản xuất và lắp ráp cho năm tài chính kế tiếp. Mặc dù không tiết lộ chi phí mua hàng của “nhà táo” đối với từng nhà thầu, danh sách này được xem là “phong vũ biểu” đo lường sự phụ thuộc của hãng smartphone vào các nhà thầu khắp nơi trên thế giới. Danh sách này được công bố hằng năm kể từ năm 2013, chỉ trừ năm 2019. Tuy nhiên, Apple đã không đưa ra giải thích nào.
Tỷ lệ phụ thuộc đến 25% vào các nhà thầu Trung Quốc của Apple đã cho thấy sự lớn mạnh của các nhà cung ứng Trung Quốc về năng lực sản xuất và công nghệ, cũng như thành tố giá rẻ của họ.
“Phần lớn các nhà cung ứng của Trung Quốc có cùng cách tiếp cận”, một giám đốc chuỗi cung ứng của Apple nói với Nikkei Asia. Nhà thầu Trung Quốc giành hợp đồng bằng chào mời giá rất thấp với Apple mà các hãng đối thủ khác khó mà tưởng tượng được. “Họ sẵn sàng lấy biên lợi nhuận rất thấp mà các nhà cung ứng khác ngần ngại. Bằng cách này, họ có thể nâng trình độ kỹ thuật của mình lên khi làm với Apple và sau đó lại tiếp tục giành các hợp đồng mới”.
Lọt vào chuỗi cung ứng Apple, vị giám đốc kia nhận định, là “chiếc vé vàng” để trở thành nhà thầu tốt nhất trên thế giới.
Các chuỗi cung ứng tại Trung Quốc cũng nhanh chóng giúp Apple tăng sản lượng ở các vệ tinh bên ngoài Trung Quốc. Số nhà cung ứng của Apple ở Việt Nam cũng tăng lên 21 trong năm ngoái, so với 14 trong năm 2018 khi thương chiến Mỹ – Trung nổ ra. Bảy trong số 21 hãng này thuộc sở hữu của các công ty đặt tại Trung Quốc hay Hồng Kông. Trong số này có Luxshare Precision Industry và Goertek chuyên sản xuất tai nghe không dây AirPod kể từ đầu năm 2020.
Hầu hết các xưởng đạt được chứng nhận của Apple đều nằm ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam – nơi có cụm công nghiệp sản xuất hàng điện tử tiêu dùng hàng đầu tại Việt Nam. 
Số nhà cung ứng Nhật Bản chỉ còn 34 so với con số 43 của năm 2017 và 38 của năm 2018. Hãng Japan Display vẫn còn trong danh sách này và đang phải đối diện sự cạnh tranh mạnh mẽ của các hãng sản xuất màn hình của Trung Quốc như BOE Technology Group và Tianma Microelectronics. Trong khi đó, Sharp lại đương đầu với Luxshare và Cowell trong sản xuất các module chụp ảnh.
Vốn luôn đứng đầu danh sách nhà cung ứng của Apple trong hơn một thập niên, Đài Loan đã bị hạ gục. Số nhà cung ứng chỉ còn 48 trong năm vừa rồi,  so với 52 trong năm 2017.
Các nhà thầu lắp ráp như Foxconn và Pegatron vẫn có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple, nhưng cũng đang bị các đối thủ Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,85 – 57,35 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 100.000 đồng/lượng chiều bán ra so với giá khảo sát sáng qua,  chênh lệch hai đầu được giảm xuống còn 600.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco không có nhiều biến động, đang ở mức 1.898,5 USD/ounce.
2/ Theo thông tin từ Bộ Công thương, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tháng 5/2021 đạt 400 triệu USD, tăng 48,3% so với tháng 5/2020. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả ước đạt 1,77 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện Trung Quốc vẫn đứng vị trí dẫn đầu trong số các thị trường nhập khẩu. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang có tín hiệu tích cực, tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, cộng thêm tình trạng dư cung tại Trung Quốc sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của hàng rau quả Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới. Được biết, hàng rau quả của Việt Nam cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực tại nhiều thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Australia…
Trong tháng 4/2021, Trung Quốc nhập khẩu chuối nhiều nhất từ Việt Nam với lượng chiếm 42% tổng lượng chuối nhập khẩu.
3/ Vietnam Airlines đang mời đấu giá 11 máy bay A321ceo, sản xuất vào các năm 2004, 2007 và 2008. Trong 11 máy bay này, có 2 chiếc nằm trong kế hoạch rao bán từ năm 2020. Trong số 11 tàu bay mà hãng hàng không quốc gia đang mời bán đấu giá, có 2 chiếc còn “tồn” từ đợt rao bán năm 2020 chuyển sang và 9 chiếc khác trong kế hoạch bán của năm 2021. Được biết, đây là một phần trong kế hoạch dài hạn của hãng nhằm tái cơ cấu đội tàu bay, đã được thông qua tại họp đại hội cổ đông thường niên năm 2020. Báo cáo tài chính quý I của hãng hàng không quốc gia ghi nhận doanh thu thuần 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ 2020, lỗ 4.900 tỷ đồng thuần.
4/ Các ‘ông lớn’ trong thị trường phát hành và chiếu phim Việt Nam đã ký vào một văn bản gửi Thủ tướng xin hỗ trợ về thuế, lãi vay, gia hạn nộp bảo hiểm, ghi nhận chiếu phim là hoạt động thiết yếu và sớm cho rạp chiếu phim được hoạt động trở lại. Được biết, từ cuối tháng 1-2020 đến nay, dịch bệnh covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp điện ảnh. Hiện nay, doanh thu từ hoạt động chiếu phim và phát hành phim của các doanh nghiệp điện ảnh gần như bằng 0, trong khi doanh nghiệp vẫn phải chịu các chi phí thuê mặt bằng, lương và phúc lợi cho nhân viên. Một số phương án hỗ trợ được kiến nghị gồm hỗ trợ duy trì lao động tránh sa thải hàng loạt bằng việc xem xét cho rạp chiếu phim sớm được hoạt động trở lại khi đảm bảo nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, cùng những hỗ trợ giải quyết khủng hoảng về thanh toán cho doanh nghiệp thoát khỏi nguy cơ phá sản.
5/ Ngày 2/6, Tập đoàn công nghệ Bkav đã thông báo lần đầu tiên phát hành trái phiếu cho công ty con Bkav Pro với trị giá 170 tỷ đồng. Trước mắt, trái phiếu chỉ được phát hành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức đầu tư tối thiểu là 500 triệu đồng. Sau giai đoạn này, Bkav sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán để mọi nhà đầu tư đều có thể tham gia. Được biết, trái phiếu Bkav Pro được phát hành thông qua Công ty chứng khoán VNDirect với kỳ hạn 3 năm. Nguồn tiền từ phát hành trái phiếu Bkav Pro sẽ được dùng để mở rộng và phát triển camera AI View, một trong những lĩnh vực tiềm năng nhất hiện nay.
6/ Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa thông báo áp thuế chống bán phá giá sơ bộ đối với sản phẩm sợi dún polyester của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, sợi Việt Nam được xác định biên độ phá giá ở mức từ 2,67% đến 22,82%. Được biết, việc điều tra đã được Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra từ ngày 17/11/2020 và dự kiến ban hành kết luận cuối cùng trước ngày 9/10/2021 tới. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên Bộ đã thông báo sẽ không tiến hành thẩm tra tại chỗ mà sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thông tin bổ sung để thẩm tra số liệu trước khi đưa ra kết luận cuối cùng.
7/ Từ tháng 6 này, trung tâm dữ liệu của Apple tại Quý Dương, Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động. Theo đó, hãng sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu người dùng Trung Quốc về máy chủ tại trung tâm dữ liệu mới. Theo New York Times, đây được coi là động thái nhằm tuân thủ luật an ninh mạng có hiệu lực từ năm 2017 tại Bắc Kinh. New York Times cho biết các công chức Trung Quốc là những người quản lý máy chủ ở các trung tâm dữ liệu mới. Dù công nghệ mã hóa được Apple áp dụng tại mọi trung tâm dữ liệu khác, nó lại không xuất hiện trên hệ thống máy chủ ở Trung Quốc. Khóa số được lưu ngay trong máy chủ ở trung tâm dữ liệu. Vì những thay đổi này, Apple gần như không thể ngăn chính phủ Trung Quốc truy cập vào email, ảnh, dữ liệu, vị trí của hàng triệu người dùng tại Trung Quốc.
Apple được cho là đã nhượng bộ Trung Quốc về vấn đề quản lý dữ liệu iCloud. Ảnh: CIO
8/ Sau khi được hai cơ quan lập pháp cuối cùng trong Liên minh châu Âu – EU là quốc hội Áo và Ba Lan phê chuẩn cuối tuần trước, kế hoạch “NextGenerationEU” với mục tiêu huy động 750 tỷ Euro (917 tỷ USD) để tài trợ cho phục hồi kinh tế sau đại dịch chính thức được triển khai. Theo đó, thì đây là lần đầu tiên 27 nước thành viên EU đồng thuận cùng đi vay một gói nợ chung quy mô lớn, hơn 900 tỷ USD. Được biết, 38 tổ chức tài chính sẽ chịu trách nhiệm huy động vốn, bao gồm BNP Paribas của Pháp, Deutsche Bank của Đức và UniCredit của Italy. Chính phủ 27 nước thành viên sẽ nhận được khoản giải ngân đầu tiên là 13% tổng số tiền được phân bổ cho họ trong những tháng tới. Số tiền giải ngân tiếp sau đó sẽ phụ thuộc vào việc các quốc gia có thực hiện các cải cách cần thiết hay không.
9/ Zoom, công ty cung cấp nền tảng hội nghị trực tuyến có trụ sở tại California, Mỹ, cho biết số lượng khách hàng lớn nhất của công ty tính trên doanh thu đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tờ Wall Street Journal nhận định điều này cho thấy Zoom vẫn trên đà nối dài những thành công mà họ có được trong thời gian qua ngay cả vào thời điểm nhiều công ty đã bắt đầu quay trở lại văn phòng làm việc trực tiếp. Từ năm 2020, Zoom đã trở thành cái tên quen thuộc với mọi gia đình, mọi doanh nghiệp sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến hầu hết các hoạt động hội nghị, gặp gỡ chỉ có thể tiến hành trực tuyến.  Zoom hiện đặt mục tiêu đạt 3,98-3,99 tỷ USD doanh thu năm nay, cao hơn mức 3,76-3,78 tỷ USD công ty đặt ra trước đó.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bóng hồng lấn lướt trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm