Trương Thanh Thuỷ: Nếu sợ chết thì sợ cả đời rồi cũng chết!

1409
Cũng chính như cách cô đã làm với Startup, chống lại bệnh tật, đặc biệt là một căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi cũng cần nhiều nghị lực, quyết tâm và lòng dũng cảm, tinh thần lạc quan không sợ khổ... của mình...

Đêm vinh danh 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam của Forbes vừa qua, gọi tên cô gái trẻ 32 tuổi được mệnh danh “nữ hoàng khởi nghiệp Việt Nam” Trương Thanh Thủy. Nhưng cô gái không có mặt.

Trương Thanh Thủy: Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim

Chia sẻ với phóng viên về câu hỏi dự án hỗ trợ bệnh nhân ung thư (Salt Cancer Initiotive – SCI) được thành lập có phải là ý tưởng từ khi Thủy chẳng may mắc bệnh ung thư không?

Thủy nói : “Trước hết tôi xin đính chính lại rằng tôi chưa bao giờ nghĩ việc mình có bệnh ung thư là một điều không may mắn. Ngược lại, tôi nghĩ mình là một người luôn may mắn, kể cả khi tôi có bệnh ung thư cũng gặp được rất nhiều điều kỳ diệu”.

Thủy cho biết việc thành lập dự án SCI xuất phát từ cô đã trải nghiệm điều kiện y tế ở cả ba nước Việt Nam, Singapore và Mỹ. Thủy hy vọng những bệnh nhân được chuẩn đoán ung thư kế tiếp tại Việt Nam sẽ có những trải nghiệm tốt hơn, không còn suy nghĩ bị quan hay tiêu cực nữa.

Trong thời gian điều trị ung thư tại Mỹ, Thủy tổ chức sự kiện cho dự án Hack for Health tại đại học Nam California (USC) quy tụ các kỹ sư phần mềm, bác sĩ và các chuyên gia nhằm tạo ra các thiết bị hay ứng dụng y tế.

“Nữ hoàng khởi nghiệp”

Trương Thanh Thủy theo gia đình sang Mỹ định cư năm 2003, cô vào học ngành khoa học máy tính thuộc đại học Nam California. Năm 2008, tốt nghiệp đại học. Thay vì tìm kiếm một công việc trên đất Mỹ thì cô trở về Biên Hòa (Đồng Nai), nơi cô sinh ra để lập nghiệp.

Ban đầu, cô mở công ty kinh doanh sữa chua đông lạnh nhưng sau ba năm công ty phải đóng cửa, vì “tại thời điểm đó chúng tôi không biết làm thế nào để phát triển một doanh nghiệp bền vững” như cô giải thích. Tuy nhiên, trong thời gian đó Thủy cũng “thai nghén” dự án khởi nghiệp thứ hai mang tên GreenGar. Công ty được biết đến với ứng dụng vẽ hình tương tác Whiteboard.

Ứng dụng công nghệ này đã đạt được 9 triệu lượt tải trong bốn năm đầu hoạt động nhưng rồi cũng thất bại trong việc mở rộng quy mô.

Thất bại không làm Thủy nản chí, cô tiếp tục khởi nghiệp lần thứ ba với dự án ứng dụng tin nhắn Tappy. “Khi bạn đến một sự kiện hoặc một địa điểm kinh doanh, bạn có thể sử dụng ứng dụng Tappy trên điện thoại di động để tìm kiếm và kết nối với những người xung quanh.

Về cơ bản nó đã biến địa điểm tổ chức thành một cộng đồng ảo cho phép mọi người có thể trò chuyện riêng tư hoặc theo nhóm”, Thủy mô tả. Hơn 10 tháng sau khi xuất hiện, ứng dụng Tappy được một công ty công nghệ tại thung lũng Silicon (Mỹ) mua lại với nhiều triệu đô la.

Và cũng từ ba lần khởi nghiệp thất bại lẫn thành công, Trương Thanh Thủy được truyền thông trong và ngoài nước mệnh danh là “nữ hoàng khởi nghiệp của Việt Nam”.

“Không phải mình sống bao nhiêu mà mình sống như thế nào…”

Cũng chính như cách cô đã làm với Startup, chống lại bệnh tật, đặc biệt là một căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi cũng cần nhiều nghị lực, quyết tâm và lòng dũng cảm, tinh thần lạc quan không sợ khổ… của mình…

Sau thành công này, năm 2015 Trương Thanh Thủy phát hiện mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Cô trả lời riêng phóng viêntừ Trung tâm ung thư Norris thuộc ĐH Nam California – nơi cô đang điều trị.

Salt Cancer Initiotive (SCI) được thành lập sau khi Thủy phát hiện bệnh ung thư, đến nay đã làm được những việc cụ thể ra sao?

Trương Thanh Thủy: Mỗi năm có hơn 150.000 ca ung thư được phát hiện ở Việt Nam và có lẽ còn hàng trăm ngàn ca nữa chưa bao giờ được phát hiện. Cũng như nhiều bệnh nhân khác, khi phát hiện bệnh ở Việt Nam, tôi hoàn toàn mù tịt về thông tin bệnh, bác sĩ cũng không cho một câu trả lời nào rõ ràng hay giải thích cho tôi biết bước kế tiếp sẽ làm gì.

Do đó, điều đầu tiên dự án SCI đã và đang làm là mang những kiến thức thiết thực, nhanh chóng đến tay bệnh nhân khi họ vừa phát hiện bệnh thông qua những quyển sách dành cho bệnh nhân ung thư được các tình nguyện viên của SCI dịch và in ấn.

Năm ngoái, cuốn “Ung thư là gì?” đã được phát miễn phí tại các bệnh viện ở TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai.

Điều thứ hai mà SCI đang triển khai là các lớp học cho trẻ em bệnh ung thư do trường mẫu giáo KinderCare tổ chức, hiện đã thí điểm tại bệnh viện Tân Triều, sinh hoạt vào thứ bảy hằng tuần.

Thủy nói rằng SCI ra đời còn với mong muốn những người bị ung thư không đơn độc, nhưng thực tế ở Việt Nam họ đang rất đơn độc – từ việc khám bệnh đến điều trị, thuốc men và cả những cơ hội nghề nghiệp khi họ đã mắc bệnh. Việt Nam cần thay đổi cách nhìn về những người bệnh ung thư thế nào?

– Ở Việt Nam hay Mỹ cũng thế thôi, những người chung quanh đều xem ung thư là căn bệnh chết người. Nhưng ung thư không phải là bệnh truyền nhiễm và cách tốt nhất để đối xử với người bệnh ung thư là xem họ như người bình thường.

Người Việt Nam hay có tính thích thương hại người khác để tự thấy mình tốt đẹp hơn. Sự thật là, dù thương hại người khác thì bạn cũng không thể tốt đẹp hơn. Cho nên, con người chỉ cần đối xử với nhau bằng tình người là được.

Khi thành lập SCI, tôi không gọi đây là tổ chức từ thiện, mà chỉ là tổ chức phi lợi nhuận. SCI không nhằm vào mục tiêu gây quỹ để đi phân phát lại cho người bệnh, mà chỉ nhằm vào việc kết nối các nguồn tài nguyên có sẵn cho bệnh nhân và tập trung vào thông tin y khoa, huấn luyện và nghiên cứu cho bác sĩ để giúp đỡ cho việc nghiên cứu và điều trị ung thư.

Tình trạng điều trị ung thư của Thủy hiện ra sao? Người bệnh ung thư cần ứng xử như thế nào trong quá trình điều trị? Tập luyện thể thao, tinh thần giúp gì trong quá trình điều trị?

– Hiện nay khối u đã ổn định nhưng vẫn chưa gọi là bình thường được. Phương pháp điều trị liên quan rất nhiều đến chuyên môn, tôi không đủ trình độ để giải thích hết được. Tuy nhiên, có một điều tôi muốn gửi gắm là, bác sĩ họ học 12 năm mới biết cách chữa bệnh cho mình, cho nên bệnh nhân điều đầu tiên là phải tin tưởng bác sĩ mình đã chọn.

Ngày xưa thì bệnh lao cũng có thể gây chết người, nhưng bây giờ uống thuốc là khỏi. Cả thế giới hiện nay đổ hàng tỉ đô la vào việc tìm nguyên nhân và cách chữa trị ung thư, rồi một ngày nào đó người ta cũng sẽ chữa được mà thôi.

Đã là con người thì ai cũng phải chết, không phải mình sống bao lâu mà mình sống như thế nào. Nếu sợ chết thì sợ cả đời rồi cũng chết. Mỗi tuần tôi đều đi leo núi, khám phá những vùng đất mới, hòa mình với thiên nhiên để đầu óc thanh thản, có tác dụng giảm đau rất nhiều.

Hiện nay, kỷ lục của tôi là một ngày đi bộ được hơn 22km đường núi – mặc dù rất mệt, nhưng lại có cảm giác sảng khoái hơn rất nhiều.

Nếu các bạn còn trẻ và có bệnh ung thư, thật ra chỉ là ông trời nhắc cho bạn nhớ thời gian con người là hữu hạn, ngày mai không bao giờ tới, cứ sống trọn vẹn ngày hôm nay đi đã. Hãy đi đến những nơi bạn chưa từng đi, làm những việc bạn chưa từng làm và nói những lời bạn chưa từng nói…

“Hãy xem ung thư như một cơ hội để chúng ta sống lại một lần nữa, yêu thương bản thân ta hơn và cả những người thân yêu quanh mình”

 

 

Dự án theo dõi và giảm nhẹ tác dụng phụ của ung thư

Cô gái trẻ khá nổi tiếng, từng được báo Anh ca ngợi là ‘nữ hoàng Startup Việt Nam’ hiện đang mắc căn bệnh ung thư phổi ở giai đoạn cuối. Tin dữ này khiến nhiều người không khỏi bàng hoàng và vô cùng lo lắng cho sức khỏe cô. Mới đây, Thủy đã có những dòng chia sẻ trên trang mạng blog cá nhân nói về cuộc chiến chống lại ung thư của mình. Tinh thần lạc quan của cô gái trẻ đã khiến nhiều người vô cùng ngưỡng mộ.

Trong thời gian điều trị ung thư tại Mỹ, Thủy tổ chức sự kiện cho dự án Hack for Health tại đại học Nam California (USC) quy tụ các kỹ sư phần mềm, bác sĩ và các chuyên gia nhằm tạo ra các thiết bị hay ứng dụng y tế.

Thủy cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện một ứng dụng di động mobile app theo dõi và giảm nhẹ các tác dụng phụ của ung thư và quá trình điều trị nó. Một trong những tác dụng phụ mà tôi gặp phải là bị viêm ngứa da. Nếu tôi ghi nhận trong app là nước lạnh làm da ít mẫn cảm hơn so với nước ấm, các bệnh nhân đang điều trị ung thư phổi có thể biết và dùng nước lạnh như tôi.”

Thủy hy vọng rằng những app này sẽ giúp bệnh nhân ứng phó tốt hơn với các loại thuốc và tác dụng phụ của thuốc. Cô nói: “Ung thư là một con đường mờ mịt ở phía trước. Nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người, giàu hay nghèo, tốt hay xấu, một cách rất công bằng. Nhưng nếu quá trình chiến đấu với căn bệnh là không thể tránh được, chúng ta có thể học cách kiểm soát chúng”.

Dự án Hack for Health là sự hợp tác giữa Thủy và BS Jorge Nieva đang điều trị cho cô tại Trung tâm ung thư Norris thuộc USC.

“Không phải mình sống bao nhiêu mà mình sống như thế nào…”

Võ Hồng Quỳnh