TS Philip Charles Zerrillo: Trong khối Asean, Việt Nam chắc chắn sẽ nổi lên

239
Tiến sĩ Philip Charles Zerrillo chuyên gia xây dựng thương hiệu, đào tạo Marketing đến từ ĐH SMU, Singapore chia sẻ tại buổi ăn trưa làm việc có chủ đề: “Vị thế của Việt Nam trong Trật tự kinh tế thế giới mới từ góc độ Singapore”.

TS Philip Charles Zerrillo, chuyên gia xây dựng thương hiệu, đào tạo Marketing đến từ ĐH SMU, Singapore đã nhận định như vậy tại chương trình “Buổi ăn trưa làm việc” do Câu lạc bộ Doanh nghiệp Dẫn đầu (Leading Business Club) TP.HCM tổ chức định kỳ.

Sau khi phân tích tình hình thực tế trong khu vực, Tiến sĩ Philip Charles Zerrillo khẳng định, trong khối Asean, Việt Nam chắc chắn sẽ nổi lên, có mặt trong top những quốc gia sản xuất lớn trên thế giới. Việt Nam có nền chính trị ổn định, có nguồn lực dân số trẻ và ổn định sẽ là những yếu tố giúp phát triển nguồn cung hàng hóa cho thế giới. Hiện các doanh nghiệp Singapore đang tìm kiếm các cơ hội tại VN là điều không khó nhận ra.

Ở Singapore, họ nhìn ra được nhiều vấn đề của nền kinh tế thị trường và tập trung đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vậy Việt Nam sẽ học hỏi được điều gì từ kinh nghiệm của quốc gia này?

Các chuyên gia đại học SMU chỉ ra rằng, có đến 15% dân số toàn Thế giới nằm ở khu vực Asean. Trong đó, Việt Nam đã có tới 90 triệu dân, là 1 trong những quốc gia đóng vai trò rất quan trọng về kinh tế ở khối Asean trong tương lai. Đặc biệt nền kinh tế ở đây phát triển rất tốt, tầng lớp trung lưu đang phát triển khá nhanh. Đây là cơ hội rất quan trọng về mặt thị trường và đồng thời là cơ hội để sản xuất hàng hóa.

Singapore chủ yếu tìm kiếm hàng hóa ở các thị trường như Việt Nam hay một số nước trong khu vực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là lựa chọn đầu tiên, bởi đây là thị trường rất tốt, tiềm năng nên không chỉ doanh nghiệp Singapore mà còn nhiều quốc gia khác mong muốn tìm cơ hội để đầu tư.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp về việc Việt Nam đang gặp phải sự cạnh tranh từ thị trường thế giới. Các vấn đề về chất lượng sản phẩm, về thị trường, sự cạnh tranh thiếu bình đẳng, chịu sức ép về giá…, các giáo sư của ĐH SMU, Singapore như ông Gerard George, bà Annie Koh cũng như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thị trường hiện nay mở ra quá nhanh, các doanh nghiệp ở Việt Nam cũng như quốc gia khác phải cạnh tranh rất khốc liệt với mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc.

Do đó, nếu muốn cạnh tranh về mặt giá thì các doanh nghiệp cần phải đầu tư công nghệ và phải tính đến chiến lược dài hạn để làm sao ngày càng giảm được giá thành sản phẩm xuống thấp nhất. Cần thay đổi mô hình, hình thức kinh doanh, bổ sung thêm các dịch vụ cho khách hàng.

Chia sẻ câu chuyện tại Singapore, giáo sư Gerard George cho biết: Ở Singapore các công ty tập trung kinh doanh qua các app, kể cả công tác logistic. Có start-up xây dựng mô hình cửa hàng trên mạng nhưng sau một thời gian phát triển, họ mở thêm các cửa hàng offline để phục vụ những người đặt hàng online.

Các cửa hàng truyền thống không thể biến mất mà chỉ tăng thêm vai trò quyết định mua hàng của người dùng. Đây không chỉ là nơi để người tiêu dùng đến mua hàng mà còn là nơi để trải nghiệm các sản phẩm.

Anh Tuấn (BSA)