TS Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác: Hợp tác xã, xu hướng thế giới đang thay đổi

68
Hợp tác xã (HTX) phát triển rất lâu trên thế giới (1844 tại Rochdale, Anh). Thế giới đã trải qua giai đoạn tăng số lượng, hiện nay đang giảm số lượng HTX nhưng tăng chất lượng và quy mô, ngoài sản xuất nông nghiệp họ làm rất nhiều dịch vụ vì đời sống của thành viên. Trong khi đó, chúng ta đi sau và có xu hướng tăng số lượng HTX.
Ở Nhật Bản, năm 1960 có 12.200 HTX/10.000 đơn vị xã phường, đến 2019 còn 605 HTX nông nghiệp; mỗi HTX có trên 14.000 thành viên. Các HTX phát huy thị trường nội bộ, những đầu tư của nhà nước trở thành tài sản không chia của HTX, càng ngày tiềm lực càng lớn, trở thành đối trọng hoặc đối tác với doanh nghiệp một cách sòng phẳng.
Chủ thể của họ là đời sống thành viên, đầu tư hạ tầng logistics, kể cả có máy bay riêng. Nó khác doanh nghiệp ở thị trường nội bộ, tạo thu nhập, tạo kinh tế tuần hoàn, tạo giá trị gia tăng, thúc đẩy kinh tế nông thôn. Ở Mỹ, từ năm 1913, mỗi HTX chừng 1.000 thành viên nhưng quy mô từng thành viên lớn hơn Nhật rất nhiều. Các quốc gia khác, người ta đang giảm số lượng,
tăng quy mô HTX.
Nhìn lại HTX của chúng ta, bình quân số thành viên HTX trong cả nước khoảng 188 người/HTX. ĐBSCL có mức bình quân 69 người/HTX. Chính vì vậy không phát huy được thị trường nội bộ, không phát huy cạnh tranh, người dân và chính quyền không thấy được lợi ích của HTX.
Hiện nay, tại Việt Nam, xu hướng tăng số lượng tới 18.000 HTX. Tháng 6.2020, cả nước có 25.282 HTX (16.012 HTX nông nghiệp). 6 tỉnh có số HTX đông thành viên như Bến Tre: 238; Tiền Giang: 193; Đồng Tháp: 126; An Giang: 82; Kiên Giang: 73; Sóc Trăng: 63. 4 tỉnh có số TV/HTX nhỏ: Cần Thơ: 17; Vĩnh Long: 16; Cà Mau: 8.
Làm sao tăng được số lượng thành viên, chính thức hay liên kết cũng được để họ sử dụng dịch vụ? Làm sao HTX phát triển dịch vụ, chuyển dần lên chuyên nghiệp?
Báo cáo HTX tạo doanh thu, thống kê rất nghèo và không thể dự báo. Không thấy nói có bao nhiêu cấp ủy là thành viên HTX. Thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển HTX. Có nơi cấp ủy quan tâm, có nơi chính quyền quan tâm, có nơi hai ngày là hoàn thành thủ tục thành lập HTX nhưng cho có phong trào chứ sau đó không hỗ trợ gì nữa.
Các cấp, cá nhân vận động tuyên truyền người dân vào HTX. Chính quyền tham gia thành viên HTX để lắng nghe và hỗ trợ HTX mọi lúc, mọi nơi bằng nguồn lực sẳn có của cấp ủy và chính quyền, HTX sẽ khác.
Nhiều cán bộ sở nông nghiệp chưa phân biệt được lợi ích và lợi nhuận của HTX. Chúng ta lúng túng HTX đơn mục tiêu hay đa mục tiêu? Điều đó phụ thuộc vào năng lực quản lý, đích cuối cùng là đa mục tiêu, nhưng đầu tiên phải thực hiện từng mục tiêu. Lợi thế của HTX là mua chung, mua 10 ngàn, có thể bán 9 ngàn vì HTX được chiết khấu, lợi ích thuộc về thành viên sử dụng dịch vụ. Nhiều HTX không chỉ biết làm lúa mà còn nghĩ tới làm dịch vụ.
Mô hình liên kết, hợp tác cho thấy khi hợp tác với công ty Đồng Dao, HTX mua chanh dây, doanh thu 58 tới 63 tỷ đồng/năm. Lộc Trời hợp tác với Chánh Thu, liên kết thông qua HTX phát triển vùng trồng… rồi thì tập huấn trực tuyến cho HTX, hỗ trợ nhân sự cho HTX, kết hợp chương trình đầu tư cho HTX…
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, chuỗi cung ứng hàng hóa về TP.HCM bị đứt gãy, chúng tôi nói vui các tiêu chuẩn “tao Gáp”, tức những nguồn cung nối kết với Tổ 970, đã tiêu thụ hết những hàng hóa của nông dân GAP, hàng hóa không đủ bán. Muốn tăng chất lượng, giảm chi phí, hội nhập, theo tiêu chuẩn, muốn biết thời vụ nước nhập khẩu lúc nào họ phải mua vào… phải có cách tổ chức, ai là người dẫn dắt, chúng ta làm GAP, sản xuất hữu cơ thì thông qua HTX để chia sẻ là cách làm phù hợp.
Bản chất kinh doanh là lợi nhuận, không có lợi nhuận là không làm nhưng đối với HTX là hợp tác, tương trợ, cùng nhau phát triển. Chợ Bình Điền, mỗi đêm thải ra 180 tấn rác, HTX sơ chế tại chỗ, nuôi con này nuôi con kia. Tương tự, HTX tổ chức nhóm đội làm dịch vụ tỉa cành, tạo tán – tạo việc làm, tăng thu nhập cộng đồng, phát triển loại hình du lịch nông thôn. Từ đó có điều kiện giao tiếp, trao đổi với vùng miền, kiến thức tăng lên, mối quan hệ tăng lên.
Cuối cùng, ta chia lợi nhuận – hai lần chia lợi nhuận: 1/Từ góp vốn, 2/Lợi nhuận từ thị trường nội bộ. HTX có lợi ích kép khác với doanh nghiệp, lợi ích từ sử dụng dịch vụ, chia lợi nhuận ngay khi sử dụng dịch vụ. HTX có thị trường kép, kinh doanh với số đông và thị trường nội bộ. HTX có vai trò kép, kết nối thành viên và đóng vai trò trung gian kết nối với doanh nghiệp. HTX mạnh sẽ kéo doanh nghiệp về , bài học của Tanifood.
Vai trò cấp ủy, chính quyền, về khung pháp lý rất rõ. Cấp ủy, chính quyền tham gia vào HTX, là thành viên có trái luật? Đừng tranh chức giám đốc, HĐQT, đừng góp vốn chi phối khuynh đảo HTX thì không vi phạm luật. Nếu cứ chọn người điều hành HTX theo kiểu “3 người mới đủ lớp 12, sáng viên huyết áp, viên tiểu đường…” thì không thể mạnh. Trong khi đó, lớp trẻ làm việc ở HTX có thể ứng dụng công nghệ, trên Zoom, Google Meet… kết nối HTX với thị trường.
Chúng ta tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông thôn, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng lợi thế từng vùng, từng địa phương, gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị… Khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là HTX, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái…
HIỆN NAY NHÀ NƯỚC CÓ NHIỀU CHÍNH SÁCH MỚI HỖ TRỢ HTX 2021 – 2025, TUY NHIÊN ĐỂ HTX TIÊN PHONG TRONG CHUYỂN ĐỔI TƯ DUY SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP SANG KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, CẦN THIẾT PHẢI:
1. Giảm số lượng HTX để tăng số lượng thành viên và chất lượng hợp tác:
2. Ưu tiên đào tạo đội ngũ “chuyên gia tư vấn HTX “dạng cầm tay chỉ việc”
3. Lồng ghép các chương trình của Bộ NN-PTNT/tỉnh “lấy HTX làm trung tâm”
4. Xây dựng HTX gắn vùng nguyên liệu
5. Đưa vào nghị quyết, xây dựng đề án/chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn – nông dân gắn với HTX
6. Một số chính sách khác của Bộ NN-PTNT: HTX vùng nguyên liệu, HTX
logistics, cơ giới hóa đồng bộ…
7. Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở ngành cần “hiểu thống nhất” về phát triển HTX tại tỉnh.
8. Tỉnh ủy, UBND tỉnh có kiểm tra/hội nghị/đối thoại liên quan đến HTX (nên 2 lần/năm)
9. Dành quỹ đất công phát triển HTX
10. Đầu tư hạng mục phi công trình cho HTX
11. Giúp HTX phát triển nguồn nhân lực và minh bạch thông tin sản xuất kinh doanh trong HTX (phần mềm kế toán)
12. Xem xét xây dựng Bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để làm căn cứ khoa học chuyển dịch cơ cấu cây trồng
13. Chuyển ưu tiên “hỗ trợ sản xuất sang hỗ trợ thông tin thị trường, hạch toán kinh tế nông nghiệp (mời cả doanh nghiệp nhỏ và lớn về hợp tác với HTX)
14. Chuyển đổi số trong nông nghiệp
15. Thí điểm “Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”
16. Xây dựng các đầu mối cấp hàng hóa – Liên kết với doanh nghiệp