Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch

    103
    Bài viết “Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch” in trong tập sách Việt Nam hôm nay và ngày mai, giáo sư Trần Văn Thọ đã nhận định: “Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi tất cả. Ta phải thay đổi tư duy phát triển và vẽ ra một viễn ảnh mới về tương lai Việt Nam trong thập niên 2020 và xa hơn”. TGHN xin trích đăng phần 3 của bài viết này với những phác họa cụ thể của ông về một tương lai Việt Nam phát triển theo tư duy mới, mô hình mới.

    Con đường phát triển của Việt Nam trong thời đại mới

    Thứ nhất, nông, công và dịch vụ hầu như phải đồng thời phát triển, không theo tuần tự như tư duy cũ. Nông ngư nghiệp phải được coi trọng hơn và kết hợp với công nghiệp, với kinh tế số và một số ngành dịch vụ (lưu thông, phân phối, tiếp thị…) để hiện đại hóa. Việt Nam có lợi thế về tài nguyên nông ngư nghiệp, nên được tận dụng theo hướng hiện đại hóa sẽ vừa bảo đảm an ninh lương thực cho 100 triệu dân (khoảng 110 triệu vào năm 2045) vừa xây dựng thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cung cấp thực phẩm chất lượng cao cho thế giới.
    Thứ hai, phải đặt lại vấn đề đô thị hóa và phát triển nông thôn. Nếu tiền đề là dịch bệnh còn kéo dài hoặc chấm dứt nhưng về lâu dài có khả năng tái phát thì phải xây dựng đô thị theo mô hình khác với tư duy cũ. Mật độ dân số phải thấp hơn, đường sá rộng rãi hơn, công viên nhiều hơn. Phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt cũng phải thiết kế theo hướng giãn cách xã hội. Ngoài ra cần khuyến khích mọi người dùng xe đạp trong thành phố. Việt Nam có nhiều thành phố cỡ trung và nhỏ nằm rải rác khắp nước, nhất là ven biển, nên nếu được đầu tư xây dựng theo hướng mới, dân số sẽ phân tán từ Hà Nội và TP.HCM về các thành phố cỡ trung và nhỏ này. Trong quá trình chú trọng phát triển nông nghiệp kết hợp với công nghiệp thực phẩm và xây dựng hạ tầng kinh tế và văn hóa, nông thôn sẽ giữ lại một lực lượng lao động và dân số nhất định. Tóm lại đây là chiến lược phân tán và không quá tập trung vào một vài đô thị.
    Thứ ba, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, tự động hóa là trọng tâm của thời đại sắp tới làm thay đổi phương thức lao động (ngày càng tăng hình thức làm việc tại nhà, quản lý từ xa…) và làm phát sinh chênh lệch giữa người dân trong việc tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ mới và thích ứng với hoàn cảnh mới. Giáo dục từ xa cũng sẽ phổ biến hơn (nhất là trong mùa dịch) và sẽ gây tình trạng bất bình đẳng giữa gia đình có và không có điều kiện tham gia. Nhà nước sẽ phải có biện pháp trợ giúp, và cải cách nội dung giáo dục, đào tạo theo hướng làm cho tất cả mọi người dân đều có điều kiện tham gia và có năng lực tối thiểu về kỹ thuật số (digital minimum).
    Thứ tư, tự động hóa làm cho sản xuất công nghiệp và dịch vụ ngày càng ít dùng lao động. Mặt khác, để tránh rủi ro bệnh dịch lan truyền khi có tập trung lao động, các nước thiếu lao động cũng sẽ tìm cách đẩy mạnh tự động hóa và hạn chế nhập khẩu lao động. Việt Nam sẽ trực diện áp lực tạo công ăn việc làm cho một đất nước 100 triệu dân nên sẽ phải nghiên cứu một hình thức chia sẻ công việc (work sharing) trong đó người có công việc giảm giờ làm và giảm thu nhập để nhiều người khác có thể tham gia lao động. Giải quyết tốt việc làm cũng sẽ làm cho Việt Nam sớm chấm dứt xuất khẩu lao động, một biểu hiện của giai đoạn phát triển thấp và không đáng tự hào. Ngoài ra, cần biện pháp vinh danh và đãi ngộ tốt hơn đối với lao động thiết yếu, nhất là trong lĩnh vực y tế. Việt Nam cũng cần nghiên cứu từng bước áp dụng chính sách bảo đảm thu nhập cơ bản (basic income) đã đề cập ở phần trước.
    Thứ năm, những từ khóa năng lực tối thiểu về kỹ thuật số, chia sẻ công việc, và bảo đảm thu nhập cơ bản nói ở trên tự nó nói lên sự quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội. Khi có dịch bệnh sẽ phát sinh nhiều người khác cần sự trợ giúp. Một xã hội nhân văn dựa trên tinh thần tương thân tương ái sẽ rất cần thiết và VN phải hướng tới. Để đánh giá một nước văn minh hay không, một trong những tiêu chí quan trọng để phán đoán sẽ là chính sách của chính phủ và thái độ của người dân đối với người yếu thế trong xã hội.
    Giáo sư Trần Văn Thọ

    Những tiêu điểm chiến lược cụ thể

    Có hai mặt quan trọng cần chuyển dịch là cơ cấu lao động và cơ cấu doanh nghiệp.
    Cơ cấu lao động: Lao động dư thừa trong nông nghiệp còn rất lớn. Có tới khoảng 35% lao động làm việc trong nông lâm ngư nghiệp là khu vực mà năng suất rất thấp. Trong khi đó, công nghiệp hóa còn ở mức thấp (giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP mới khoảng 16,5% vào năm 2019), hơn nữa cơ cấu nông nghiệp còn rất mỏng (lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, Việt Nam còn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu). Vì tính chất này, trong thời gian qua, xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng càng xuất khẩu càng phụ thuộc vào sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong thời gian tới phải đẩy mạnh sản xuất thay thế những mặt hàng trung gian đang nhập khẩu. Cùng với nỗ lực theo chiều sâu này, công nghiệp hóa cũng cần được đẩy mạnh theo diện rộng (tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào những ngành công nghiệp mới), và kết quả là lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao. Hiện nay Việt Nam đang có thời cơ trước làn sóng FDI mới do chiến tranh kinh tế Mỹ – Trung và dịch Covid-19 mang lại. Cần có chính sách định hướng và thu hút có chọn lọc dòng thác mới FDI này để đẩy mạnh công nghiệp hóa, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động.
    Cơ cấu doanh nghiệp: Khu vực phi chính thức (chủ yếu là kinh tế cá thể) còn chiếm tới 30% GDP. Đây là khu vực có năng suất rất thấp. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân (chiếm độ 10% GDP) cũng phần lớn là nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai. Khu vực phi chính thức hay kinh tế cá thể và doanh nghiệp tư nhân là những bộ phận chủ yếu của kinh tế ngoài nhà nước, hầu hết có quy mô quá nhỏ, năng suất thấp vì không có khả năng cách tân công nghệ (vì quá nhỏ nên không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn), kết quả là không có năng lực kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Theo Ohno et al. (2020), năng suất của khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam vào năm 2015 chỉ độ 30 triệu VNĐ trên một lao động (theo giá cố định 2010), trong khi năng suất của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 200 triệu VNĐ.
    Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn (phí tổn hành chánh quá lớn) và khó tiếp cận với vốn và đất để đầu tư. Cần cải cách hành chánh để giảm xin cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai. Việc này đã được bàn luận nhiều nhưng tiến triển chậm. Nếu có khát vọng phát triển phải khẩn trương cải cách các lĩnh vực này. Ngoài hoàn thiện cơ chế thị trường, cần các biện pháp chính sách hỗ trợ cụ thể hơn. Bộ máy phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương phải phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ. Các cơ quan này cũng có vai trò giới thiệu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ liên kết với các doanh nghiệp lớn, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

    Đào tạo nguồn nhân lực theo hướng mới

    Để quá trình dịch chuyển lao động giữa các khu vực diễn ra thông suốt thì phải chú trọng đào tạo nguồn nhân lực.
    Theo tôi, cần cải tổ toàn diện hệ giáo dục trung cấp, cao đẳng và thêm một hệ đào tạo đặc biệt cấp III, cụ thể như sau:
    Thứ nhất, trung cấp và cao đẳng hợp nhất thành hệ đại học đoản kỳ 2 năm. Không gọi trung cấp, cũng không gọi cao đẳng mà là đại học đoản kỳ để cải thiện hình ảnh đối với người học.
    Thứ hai, cải tổ chương trình học theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 (chú trọng dạy công nghệ thông tin và tiếng Anh). Trong hai năm, gần một năm học văn hóa và hơn một năm học chuyên môn.
    Thứ ba, lập một số trường cấp III chuyên nghiệp trong đó học sinh vừa học các môn thông thường như trung học phổ thông (nhưng ít hơn) và dành thời gian học ngay vào chuyên môn. Hệ cấp III chuyên nghiệp này có thể kéo dài thành 4 năm, thay vì 3 năm như trung học phổ thông.
    Thứ tư, trong chương trình học ở đại học đoản kỳ hay cấp III chuyên nghiệp, nên có mục thực tập ngắn hạn ở các doanh nghiệp, cho giới trẻ thấy là tốt nghiệp ở các trường nói trên sẽ là “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, và có nhiều cơ hội tiến thân trong xã hội (có năng lực sẽ giữ các chức vụ cao trong công ty…).
    Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP trên danh nghĩa của Việt Nam trong năm 2018 xếp thứ 47 và GDP tính theo sức mua ngang giá (PPP) xếp thứ 30 trên 193 nước. Hầu như các dự báo dài hạn đều cho thấy Việt Nam sẽ có vị trí và tiếng nói quan trọng hơn trên vũ đài thế giới. Nhưng uy tín, giá trị của Việt Nam không chỉ ở mặt đó. Trong thời đại mới với khả năng đại dịch sẽ tái phát, nếu Việt Nam xây dựng được một đất nước theo tư duy mới, mô hình mới và trên cơ sở một xã hội nhân văn thì người Việt Nam sẽ hạnh phúc hơn và thế giới sẽ tham khảo mô hình phát triển của ta.
    Trần Văn Thọ
    Gọn nhẹ, khô ráo và mặc nhanh với áo mưa Sơn Thủy