“Ứng dụng Blockchain trong sản xuất và bức tranh đầu tư Blockchain tại Việt Nam”
Đó là chủ đề của chương trình “Ăn trưa làm việc” tháng 8/2022 của Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC).
Chương trình diễn ra vào lúc 11g30 – 13g30, ngày 25/08/2022 (thứ Năm) tại KS. Caravelle Saigon – 19 Công trường Lam Sơn, Q.1, TP..HCM.
Diễn giả chia sẻ về chủ đề này là luật sư Đào Tiến Phong – Luật sư Điều hành, Chuyên gia tư vấn và đầu tư Blockchain và Crypto Currency.
Trước đó, phát biểu tại buổi ra mắt công ty TNHH Liên Minh Blockchain Việt Nam được tổ chức vào ngày 19/4, luật sư Đào Tiến Phong cho biết, việc chưa có hành lang pháp lý ở lĩnh vực Blockchain cũng là cơ hội nhưng đi kèm là rủi ro. Cơ hội là chủ dự án có thể tự do hoạt động để phát triển sản phẩm, nhưng rủi ro ở đây là xuất hiện các dự án lừa đảo (scam), và do chưa có hành lang pháp lý nên các nhà đầu tư không được bảo vệ. Ông Phong cho rằng, hiện Chính phủ cũng đã có các định hướng về phát triển kinh tế số trong thời gian tới, đặc biệt là cơ chế thử nghiệm SandBox, đây được xem là bước “dọn đường” để có hành lang pháp lý trong lĩnh vực này.
Củng cố thị trường nội địa trong bối cảnh kinh tế suy giảm
Tối cùng ngày, lúc 18g00, tại Văn phòng Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, các chuyên gia thị trường của Hội cũng sẽ bàn về chủ đề: “Củng cố thị trường nội địa trong bối cảnh kinh tế suy giảm”.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, đang dần thích nghi với trạng thái “bình thường mới”, các doanh nghiệp phải tiếp tục cân bằng chiến lược cắt giảm chi phí mà không gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp, đồng thời chuyển hướng chú trọng vào thị trường nội địa. Đó cũng là cách để doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 mang lại.
Tuy vậy việc phát triển thị trường nội địa không dễ, đòi hỏi có sự phối hợp của nhiều phía, từ nhà nước, doanh nghiệp, cho đến người tiêu dùng.