Uniqlo chú trọng tuyển chọn và đào tạo nhà quản lý từ Việt Nam và châu Á

Noriaki Koyama là chiến lược gia và cố vấn trưởng cho tỷ phú CEO Tadashi Yanai của Fast Retailing. Ảnh: Nikkei Asia

Trong hai tháng qua, Noriaki Koyama – người phụ trách chiến lược và cố vấn trưởng của Fast Retailing,  chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo – đã đến Việt Nam, Singapore và Philippines để gặp gỡ sinh viên và hiệu trưởng các trường đại học. Các ứng viên có bằng quản trị kinh doanh (MBA) được ưu tiên tuyển chọn để đào tạo lớp nhân viên quản lý không phải người Nhật trên toàn cầu.

Nhà bán lẻ thời trang Nhật Bản Uniqlo đang đẩy mạnh tuyển dụng nhân tài quản lý trong tương lai lên mức 80%, giám đốc cấp cao lên 40% tại Đông Nam Á và Nam Á trong khi đẩy mạnh phát triển mạng lưới bán hàng tại các khu vực này.

“Đây là những khu vực này có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai. Chúng tôi sẽ có thể tìm thấy những nhân vật tài năng ở đó”, cố vấn trưởng Koyama nói. Ông là cánh tay đắc lực của tỷ phú giàu nhất Nhật Bản Tadashi Yanai, nhà sáng lập kiêm CEO của Fast Retailing.

Fast Retailing đang nhanh chóng mở rộng mạng lưới cửa hàng tại các khu vực Đông Nam Á và Nam Á. Tính đến tháng 2-2024, công ty đã có 367 cửa hàng tại đây, bao gồm cả Châu Đại Dương, tăng 14% so với 323 cửa hàng vào năm 2023. Năm 2022, công ty đã có 281 cửa hàng.

Fast Retailing đã có mặt tại Việt Nam khá sớm, từ hơn 20 năm qua với 80 nhà máy gia công và 240.000 công nhân. Từ mạng lưới gia công này, các sản phẩm “made-in- Vietnam” được phân phối đến 2.400 cửa hàng Uniqlo trên toàn thế giới.

Mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2019, hiện Uniqlo có 24 cửa hàng tại các trung tâm mua sắm lớn khắp Việt Nam. Hơn 50% sản phẩm được bán tại các cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam được sản xuất tại địa phương. Các sản phẩm thời trang sản xuất tại Việt Nam cũng đang dần tăng thị phần toàn cầu. Dữ liệu từ hãng đầu tư Mirae Asset cho thấy, trong năm 2022 các sản phẩm dệt may Việt Nam lần lượt chiếm giữ 18,3%, 15,6% và 31,1% tại Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Uniqlo đã mở cửa hàng mới nhất tại một trung tâm mua sắm lớn ở Mumbai, Ấn Độ vào tháng 10 năm ngoái.

Để thúc đẩy các hoạt động tuyển dụng, Fast Retailing hợp tác với hơn 40 trường đại học ở châu Á và Châu Đại Dương để nhận sinh viên thực tập tại các văn phòng và cửa hàng địa phương cũng như tại trụ sở chính ở Tokyo. Ông cố vấn của Fast Retailing nói “hợp tác với các trường đại học nước ngoài là ưu tiên hàng đầu” để tuyển dụng nhân viên không phải người Nhật.

Gần đây, Fast Retailing đã chuyển trọng tâm sang “những tài năng có tính linh hoạt”, chẳng hạn như những người có bằng MBA, thay vì các chuyên gia công nghệ thông tin như trước đây. Ông Koyama nói một trong những mục tiêu chính của công ty là phát triển những nhân viên cấp quản lý có thể làm việc trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, Fast Retailing đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội và Đại học Việt – Nhật vào năm 2022. Năm ngoái, Fast Retailing đã cấp sáu học bổng cho học sinh Việt Nam theo học các khoa đào tạo bằng tiếng Anh tại 12 trường đại học Nhật Bản.

Fast Retailing đã tuyển dụng khoảng 1.100 sinh viên mới tốt nghiệp trên toàn cầu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 8-2023, trong đó có hơn 700 người được tuyển dụng ở nước ngoài. Để giữ chân nhân viên, công ty đang điều chỉnh thang lương ở mức cao nhất dành cho người giỏi nhất ở mỗi nước, không chỉ trong ngành bán lẻ mà còn so với ngành khác. Ông nói triết lý “việc làm trọn đời” là lý tưởng của nhà sáng lập và CEO Tadashi Yanai.

Fast Retailing gần đây đã tổ chức chương trình quản lý toàn cầu thường niên, trong đó sinh viên từ khắp nơi trên thế giới tham gia các buổi họp với các giám đốc điều hành và nhân viên, đồng thời đưa ra các đề xuất kinh doanh cho ban quản lý.

Năm nay, 43 sinh viên được chọn từ 5.036 ứng viên đã tham gia chương trình kéo dài sáu ngày tại Tokyo. Fast Retailing có thể sẽ tuyển dụng một số người tham gia làm nhân viên toàn thời gian sau này. Fast Retailing đặt mục tiêu tăng số lượng người không phải người Nhật lên 80% các vị trí quản lý vào cuối tháng 8-2030, tăng từ 56% vào cuối tháng 8-2023. Tỷ lệ giám đốc điều hành không phải người Nhật là 19% vào năm 2023 và công ty đặt mục tiêu tăng lên 40%.

Koyama nói: “Điều này sẽ tự nhiên xảy ra khi chúng tôi tiếp tục tích cực tham gia vào hoạt động kinh doanh ở nước ngoài và tuyển dụng nhân tài ở nước ngoài”.

Theo Nikkei Asia, VIR, VNU, VJU

Ricky Hồ / BSA Media

Amazon thu hút nhà bán hàng Trung Quốc để cạnh tranh với các sàn Trung Quốc