Vaccine Covid-19 và “miếng phó mát Thụy Sĩ”

    63
    Chích ngừa Covid-19 cho nhân viên y tế tại Bệnh viện quận 11, TP.HCM. ảnh: Hoàng Lan
    Những ngày này, có lẽ vaccine ngừa Covid-19 là từ khóa được quan tâm nhiều nhất vì không ít người cho rằng mỗi cá nhân chỉ cần chích 1 – 2 mũi là cuộc sống sẽ quay lại bình thường. Nhưng theo giới chuyên môn, suy nghĩ đó hoàn toàn sai.
    Hơn một năm nay, chị H., 47 tuổi, tiểu thương chợ An Đông, mong ngóng đại dịch kết thúc để có thể sang Anh thăm con đang học đại học năm cuối. Chị nói: “Khi có vaccine Covid-19 dịch vụ tôi sẽ đi chích ngay vì nghe nói nếu có hộ chiếu vaccine việc đi nước ngoài rất dễ dàng, chưa kể làm ăn sẽ suôn sẻ như trước”.
    Tuy nhiên “đời không là mơ” vì mới đây ở một số nước có tỷ lệ chích ngừa cao, dịch vẫn chưa được khống chế tốt. Đơn cử ở Anh, dù đầu tháng này có hơn 40 triệu dân được chích ít nhất 1 liều vaccine (75% dân số trưởng thành) và gần 28 triệu dân chích đủ 2 mũi, nhưng số ca mắc ở nước này tăng trở lại vì biến thể Delta của virus.
    Biến thể Delta lây truyền nhanh hơn 40% so với biến thể Alpha trước đó, vậy chích ngừa có theo kịp tốc độ lây lan của virus? Và liệu vaccine có hiệu quả nhiều trên biến thể này hay không? Ý tưởng dở bỏ hoàn toàn giãn cách xã hội của chính phủ Anh vào cuối tháng 6 bị xem xét vì người ta sợ bùng phát đợt dịch lần 3.
    Thật ra ai chẳng mong muốn vất bỏ chiếc khẩu trang vướng víu, được tụ tập vui đùa và đi lại thỏa thích bất kỳ đâu. Nếu phải bị một số tác dụng ngoại ý (sốt, nhức mình, khó chịu…) do chích ngừa cũng chẳng sao. Nhưng vaccine không phải là “viên đạn bạc” (“silver bullet”)!
    Chưa bao giờ thành ngữ tiếng Anh trên (nghĩa bóng là “giải pháp dễ dàng cho một vấn đề nào đó”) được sử dụng nhiều như thời nay. Tháng 9.2020, trong chiến dịch tái tranh cử, tổng thống Donald Trump thúc đẩy tìm kiếm và sản xuất nhanh vaccine Covid-19 như lá bài ghi điểm trong mắt cử tri. Nhưng khi đó giới khoa học khẳng định việc chích ngừa đơn thuần không phải là “viên đạn bạc” để đánh bại đại dịch vì không có vaccine nào hiệu quả 100%.  Tháng 3.2021, tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng xác nhận như thế và cho biết ngoài vaccine còn cần nhiều cách khác như giãn cách xã hội, mang khẩu trang. Nói về điều này có lẽ không ai hay hơn nhà virus học Ian Mackay của đại học Queensland (Úc) khi ông liên hệ mô hình phó mát Thụy Sĩ (The Swiss cheese model) với phòng chống dịch hô hấp.
    Phó mát gồm nhiều lớp chồng lên nhau và mỗi lớp có các lỗ nhỏ đặc trưng. Mỗi lớp, theo Mackay, tượng trưng cho một cách chống lại virus. Dễ thấy là không có lớp nào hoàn hảo vì chúng có những lỗ nhỏ (khuyết điểm) khiến virus có thể đi xuyên qua. Nhưng khi có nhiều lớp chồng lên nhau, cơ hội ngăn virus sẽ tăng lên.
    Thí dụ như việc xét nghiệm rộng rãi để tìm người lành mang virus, cách này tuy chủ động nhưng lại có thể để lọt đối tượng cần phát hiện. Tương tự, không phải ai cũng tuân thủ khuyến cáo ở yên trong nhà. Đeo khẩu trang giúp ngăn giọt bắn virus, nhưng ngay cả khẩu trang cao cấp vẫn có thể để lọt virus. Giữ khoảng cách 2 mét làm giảm nguy cơ virus lan truyền, nhưng cần biết chúng ta vẫn có thể “dính” virus ở khoảng cách xa hơn.
    Như thế đó, không có lớp phó mát Thụy Sĩ đơn độc nào đủ bảo vệ 100%. Chỉ khi áp dụng nhiều lớp phòng thủ, con người mới có nhiều cơ hội bảo vệ mình và người thân. Theo Mackay, các lỗ nhỏ của phó mát sẽ thường xuyên mở ra, đóng lại và đổi chỗ tùy theo hành vi cá nhân. Vì thế, tại sao ông và các nhà khoa học cho rằng ngay cả khi chích ngừa đại trà, con người vẫn cần nhiều cách khác để ngăn chặn virus.
    Ở nước ta, chiến lược vaccine + 5 K (khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế) do Chính phủ đưa ra thật sự là “miếng phó mát Thụy Sĩ” tốt giúp chiến thắng đại dịch. Chuyện còn lại là mỗi cá nhân cần nỗ lực thực hiện ở mức cao nhất.
    Bình Yên (Theo TGHN)
    Khai trương “Siêu thị 0 đồng” phục vụ đồng bào khó khăn do đại dịch