Vàng hết hấp dẫn khi giá đô la và lãi suất tiếp tục tăng

106
Giá vàng trên đà đi xuống trong nửa cuối năm 2022, phản ánh sự hấp dẫn của đồng đô mạnh.

Vàng đang mất dần ánh lấp lánh đầy hấp lực của loại kim loại quý này. Giá vàng đã tăng vọt gần mức kỷ lục khi cuộc chiến Ukraine – Nga nổ ra, nhưng giá trên đà tụt đáy vào nửa cuối năm sau các đợt tăng lãi suất ở Mỹ và đà tăng giá của đồng đô xanh. Dự kiến giá vàng sẽ hồi phục trong năm tới, dự kiến khi Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) có thể sẽ giảm lãi suất từ tháng 9-2023.

Kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 3, giá vàng đã giảm 18% do các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed khiến các nhà đầu tư tài chính đồng loạt thanh lý vàng. Theo dữ liệu từ CME Group và London Bullion Market, kể từ cuối tháng 4, hơn 527 tấn vàng đã được rút ra khỏi các hầm chứa ở New York và London, hai thị trường vàng lớn nhất của phương Tây.

Đồng thời, những lô vàng bán sang các nước tiêu thụ vàng lớn ở châu Á như Trung Quốc, đang tăng. Hồi tháng 8, nhập khẩu vàng của Trung Quốc đạt mức cao nhất trong bốn năm.

Giá vàng kỳ hạn chuẩn tại New York ở mức 1.729 đô la/ounce vào đầu tháng 10, giảm 15% so với đầu tháng 3. Tại một thời điểm vào cuối tháng 9, điểm chuẩn đã giảm xuống còn 1.626 đô la, mức thấp nhất kể từ tháng 4-2020.

Sức mạnh của vàng hồi đầu năm phản ánh danh tiếng là nơi trú ẩn an toàn của tài sản trong thời buổi bất an. Nhưng đà sụt giảm của giá vàng sau đó cho thấy mối quan hệ nghịch đảo chặt chẽ giữa nhu cầu vàng và sức mạnh của đông đô Mỹ.

Giá vàng giảm do Fed tăng lãi suất. Tháng 9 vừa rồi, Fed đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (0,75%) lần thứ ba liên tiếp. Như vậy, kể từ tháng 3, Fed đã tăng lãi suất năm lần để kiềm chế lạm phát.

Dùng để đo lường sức mạnh của đô la Mỹ so với rổ gồm sáu loại tiền tệ có ảnh hưởng như đồng euro, chỉ số đô la đã tăng lên 114 vào cuối tháng 9, đạt mức cao nhất trong hai thập niên. Đồng đô mạnh đã tạo áp lực lên vàng, bởi kim loại quý này được xem là “tiền tệ không quốc tịch” và được các nhà đầu tư mua vào khi ít có niềm tin vào các loại tiền tệ truyền thống.

Hơn nữa, vì vàng không “đẻ ra” lợi nhuận cho chủ sở hữu, lãi suất cao hơn làm tăng động cơ chuyển từ giữ vàng sang giữ đô la.

Fed dự kiến ​​sẽ duy trì cách tiếp cận “diều hâu” – tức có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất – trong năm nay khi lạm phát vẫn giữ ở mức cao. Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 8 ở Mỹ đã tăng 8,3% so với cùng tháng năm ngoái, tăng từ mức dự báo 8% trước đó. Trong cuộc họp tháng 9, Fed đã tăng dự báo lãi suất cuối năm lên 4,4%, từ mức 3,4% được đưa ra trong cuộc họp tháng 6.

Đà tăng của đồng đô xanh đã tạo áp lực lên giá vàng. Nguồn: Refinitiv

Bất chấp những khó khăn đối với vàng trong ngắn hạn, các nhà phân tích cho rằng mức giá hiện tại đang ở mức thấp hơn và dự báo sẽ phục hồi trong năm tới.

Itsuo Toshima, một nhà phân tích thị trường tài chính có trụ sở tại Nhật Bản của Toshima & Associates, dự kiến ​​giá vàng sẽ dao động trong khoảng 1.800 – 2.200 đô la/ounce vào năm tới. Trong bối cảnh lạm phát dai dẳng, các nhà đầu tư sẽ sớm bắt đầu lo lắng về tình trạng đình lạm (stagflation – đình trệ và lạm phát cao diễn ra cùng lúc). Toshima lập luận rằng mặc dù lạm phát phần nào có thể được kiểm soát, nhưng vẫn có một hạn chế vì một số chi phí, chẳng hạn như tiền thuê nhà, khó có thể giảm ngay lập tức.

Toshima hy vọng đồng đô la mạnh hiện tại sẽ đạt đỉnh trong năm nay, bởi thiếu các yếu tố tăng giá bổ sung cho năm tới. “Khi không có thêm các yếu tố tăng giá để củng cố đồng đô la hơn nữa, chỉ số đô la sẽ đảo chiều và giảm mạnh”, ông nói.

Trên bình diện quốc tế, Citi đang tăng giá trên diện rộng đối với vàng, kỳ vọng giá sẽ phục hồi trên 1.900 đô la vào giữa năm 2023. Goldman Sachs hồi tháng 8 dự báo giá vàng 12 tháng sau ở mức 1.950 đô la.

Trong bối cảnh những rủi ro địa chính trị và chiến tranh Ukraine khó biết hồi kết, nhà phân tích thị trường vàng Koichiro Kamei tại Viện Chiến lược Thị trường Tokyo cho rằng nhu cầu vàng sẽ ổn định. Kamei nói rằng các đồng tiền mã hóa giảm giá mạnh khi Mỹ siết chặt tiền tệ là điều đáng báo động đối với các nhà đầu tư, trong khi giá vàng vẫn tương đối ổn định.

Xu hướng của giá vàng đang được theo dõi chặt chẽ ở Ấn Độ và Trung Quốc, nơi nhu cầu mua vàng nữ trang hay làm của để dành theo truyền thống rất mạnh. Hai nước này chiếm khoảng 60% nhu cầu toàn cầu về vàng trang sức, vàng miếng và tiền vàng.

Trước mùa lễ hội Diwali (Ánh sáng) tại Ấn Độ trong tháng 10 này, nhu cầu đối với đồ trang sức bằng vàng, vàng thỏi và các đồng tiền vàng dự kiến ​​sẽ tăng lên. Mùa cưới ở Ấn Độ cũng đến từ tháng 11 đến tháng 2, là dịp vàng bán rất chạy. Các nhà phân tích cho rằng bất chấp những khó khăn của đồng rupee yếu đi, nhu cầu truyền thống đối với vàng vẫn sẽ rất mạnh. Giá vàng vào khoảng 139.000 rupee/ounce tính đến đầu tháng 10, tăng 1,2% so với ba tháng trước, trong khi giá vàng tính theo đô la giảm 3% so với cùng kỳ.

Tại Trung Quốc, đồng nhân dân tệ giảm giá đang đóng vai trò như một cơn gió ngược đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Cuối tháng 9, đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la kể từ năm 2008. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá vàng tính bằng đồng nhân dân tệ cao hơn 4% so với ba tháng trước.

Các nhà phân tích cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng đối với vàng có rất ít tác động đến giá vàng thế giới. Yếu tố quyết định lớn hơn là cách các nhà đầu tư quản lý tiền trên thị trường vàng tương lai trong khi tính đến lãi suất và triển vọng kinh tế toàn cầu.

Tatsufumi Okoshi, nhà kinh tế cấp cao tại Nomura Securities, dự kiến ​​Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9 năm sau, một điều kiện thuận lợi cho kim loại quý vốn không có lãi suất. “Khi lo ngại về suy thoái biến mất và nhu cầu về tài sản trú ẩn an toàn tiếp tục, chúng ta sẽ thấy vàng phục hồi trở lại”, Okoshi giải thích với Nikkei Asia.

Ricky Hồ

Sản lượng tôm Thái Lan sụt giảm hơn 50% so với đỉnh điểm