Về Bát Tràng “xe đất”

Những sản phẩm của những “nghệ nhân bất đắc dĩ” khi hoàn thành.

Tới thăm làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) không chỉ người Việt mà các du khách nước ngoài cũng rất thích thú với trò “nghịch đất”, “xe đất” “nặn gốm” để thử làm nghệ nhân. Đây là một loại vui chơi giải trí rất thú vị để mọi người xả stress sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng.

Dịch vụ “nghịch”

Làng gốm cổ Bát Tràng nằm bên chân đê sông Hồng, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng hơn 10km. Vào những ngày cuối tuần làng Bát Tràng luôn tấp nập du khách trong và ngoài nước, những người đi tìm mua các sản phẩm từ gốm.

Ngay khi vừa đặt chân tới cổng làng, chúng tôi đã được vài phụ nữ tuổi trung niên mời chào nhiệt tình:

– Mấy em ơi! vào xưởng nhà chị chơi đi, rồi nghỉ trưa luôn cho mát. Các em thích nghịch gì thì nghịch, thỏa thích, từ sáng đến tối cũng được.

Tôi chưa hiểu trò nghịch ngợm gì, thì một chị tự xưng tên Ngữ giải đáp:

– Vào xưởng chị có dịch vụ tự “vuốt”, “nặn”, “vẽ” và tập làm các sản phẩm gốm theo ý thích của bản thân mình. Xưởng nhà chị có người hướng dẫn nên cũng dễ thôi các em ạ! Các em thích sáng tạo ra sản phầm gì cũng được… Nếu thích các em được mua lại chính sản phẩm mình vừa làm ra với giá cực rẻ.

Mọi người say sưa, thả sức sáng tạo cho tác phẩm gốm của mình.

Chị Ngữ còn quảng cáo, xưởng nhà mình có đầy đủ quạt mát, nước uống, chỗ nghỉ trưa, mở ca nhạc phục vụ mọi người suốt cả buổi “nghịch”.

Vòng vèo qua 2-3 cái ngã rẽ cuối cùng cũng đến được xưởng nhà chị. Gần xưởng nhà chị Ngữ còn có vài chỗ khác cũng đề biển “Sân chơi khách du lịch Vuốt-nặn-vẽ”

Vừa đặt chân vào sân xưởng nhà chị Ngữ, một cảnh tượng vui nhộn, huyên náo đập vào mắt chúng tôi. Ở đây, không biết từ bao giờ đã có nhiều tốp nam thanh, nữ tú độ tuổi từ 16 – 30 đang say sưa bên các bàn gốm tròn tròn.

Hai đôi bàn tay của các bạn trẻ nhầy nhụa đất sét, rồi thỉnh thoảng họ lại sục tay xuống chậu nước đã đục trắng như nước vo gạo, rồi xoa lên cục đất để làm mềm chúng. Quần áo ai cũng nhem nhuốc, dính đầy đất, mực. Trên khuôn mặt người này, người kia hồ hởi, vui vẻ, không ngớt tiếng cười. Đám bạn trẻ hồn nhiên chơi nghịch, tỏ ra vô cùng thích thú như vừa khám phá ra được một phương thức hữu hiệu để xả stress.

Một cô gái có tên Hoa, sinh viên năm thứ 3, Đại học Văn hóa Hà Nội tâm sự với tôi: “Nhóm bọn em gồm 5 đứa phi xe máy sang đây từ sáng. Nghe mấy cô ra mời mọc cảm thấy hay hay nên rủ nhau vào nghịch thử. Bọn em ngồi đây cũng được gần 3 tiếng rồi, quả thực nghịch thứ này rất thích, bẩn quần áo một chút cũng không sao, nếu không nghịch chút cũng phí…”

Một phụ nữ Pháp cũng rất hào hứng ngồi “nghịch” đất.

Anh Phùng Huy (chồng chị Ngữ) nhanh nhẹn, niềm nở ra tiếp chúng tôi. Anh Huy cho biết: “Hiện nay trong làng gốm cổ Bát Tràng đã có 6-7 nhà mạnh dạn mở sân chơi tự “vuốt”- “nặn” –“vẽ” cho du khách. Nhưng với lợi thế đất rộng nên sân chơi nhà tôi gồm cả 2 tầng với diện tích hơn 200m2 được xem là rộng nhất. Lúc cao điểm nhà chúng tôi có thể tiếp được một đoàn lên đến 100 người cùng chơi.”

Chúng tôi dạo sang một xưởng khác, nhà anh Đức Lương và được chủ nhân cho biết: “ Phí dịch vụ đối với những đoàn khách đến chơi có số lượng đông (30 người trở lên) sẽ là 30.000/người/ngày chơi. Nếu chơi một vài giờ sẽ tính giá khác. Với những vị khách đi lẻ, thì tiền dịch vụ chủ yếu xưởng sẽ gộp nó vào tiền bán cho họ các sản phẩm do tự tay khách làm ra. Với mỗi sản phẩm do người chơi làm ra, được bán với giá ưu đãi từ 10.000-50.000đ/1 sản phẩm”

 

Cô sinh viên này đang cố gắng cho ra một “tác phẩm để đời”.

Thỏa sức sáng tạo

Với một cục đất sét đã qua xử lý, chậu nước lã, chiếc bàn xoay gắn mô tơ điện và một chiếc ghế để ngồi là bạn có thể thử sức mình làm nghệ nhân gốm Bát Tràng. Trước tiên, bạn dùng tay nặn sẵn một dải đất sét và khéo léo đặt nó vào vòng quay của chiếc bàn xoay. Chân bạn dùng để quay bàn xoay đồng thời tay vuốt đất, vuốt chủ yếu bằng ngón cái và ngón trỏ của tay thuận . Tay sẽ vuốt đất theo hình dáng của vật mình định nặn.

Chốc chốc cậu thanh niên tên Long là cháu của anh Huy lại đến hướng dẫn người chơi kỹ năng cơ bản và quy trình làm gốm. Ở xưởng nhà anh Huy – chị Ngữ hôm nay còn có vài vị khách Phương Tây và Trung Quốc. Một quý bà người Pháp và hai cô sinh viên Trung Quốc đang học ngành Tiếng Việt ở Hà Nội đều rất say sưa, tỏ ra sung sướng khi ngồi nghịch đất, thử làm gốm. Sau một vài động tác hướng dẫn cơ bản của Long, mọi người hoàn toàn được chủ động tạo ra những tác phẩm theo trí tưởng tượng của riêng mình.

Những đôi bàn tay mụ mẫm, trắng trẻo của các cô nữ sinh chỉ quen cầm bút nay được tiếp xúc với đất, với nước, với bàn xoay…nên ai cũng cảm thấy ngượng nghịu. Có bạn xoay cả giờ đồng hồ cũng chẳng thành thứ gì: cốc không phải, bát cũng không mà cho là đĩa thì càng sai… cục đất vẫn hoàn cục đất.

Mọi người nhìn nhau và cười phá lên sảng khoái.

Ngoài vài chàng công tử, cô tiểu thư đến chơi với phương châm vui là chính, thành quả chỉ là phụ thì cũng có nhiều bạn tỏ ra khéo léo, sáng tạo ngay lần đầu tập làm gốm.

Cô gái tên Phương, nữ sinh Đại học Ngoại ngữ, đang say sưa nặn ra hình hài một chiếc bình gốm xinh xắn, rồi cô tiếp tục tạo lên đó đôi hình hoa văn ngộ nghĩnh. Có chàng trai trẻ còn mạnh dạn nặn hẳn một bức tranh gốm về phố cổ Hà Nội, rồi trang trí lên đó những tà áo dài thướt tha của nữ sinh Hà Thành đang dạo trên phố…như một bức tranh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái.

Sau công đoạn “vuốt”, “nặn” trên bàn xoay xong, các tác phẩm “để đời” của người chơi sẽ được đem vào bếp nung cho cứng lại. Chỉ cần 15 phút nung, các tác phẩm lại trở về tay chủ nhân để mang lên bàn trang trí hoa văn, chữ nghĩa. Sau khi vẽ xong hình thù, hoa văn theo ý thích, các bạn trẻ mang ra bàn để phun một lớp sơn lên cho nó nhanh khô dấu mực.
Để chiều lòng khách, chủ các xưởng ở đây đều cung cấp đủ các dịch vụ ăn, uống, nghỉ ngơi qua trưa.

Còn trong quá trình khách “nghịch”, thì gia chủ rất tâm lý khi mở các bản nhạc êm dịu, những bài tình ca lãng mạn như để kích thích thêm cho người chơi sự hứng thú, sáng tạo. Vì thế có người đã bỏ cả ngày để say sưa nghịch đất, thử làm nghệ nhân gốm ở Bát Tràng.

Hải Dương (theo Thời Đại)