Những con cá nhỏ lấp lánh vẩy bạc, du cư theo đàn, làm nên luồng vui cho bao người quê, kẻ chợ. Linh thiệt chớ!
Và hễ năm nào, mùa nước nổi “tràn bản họng” thì đám cá linh giả kẹt cứng đường cựa quậy.
Về bộn hơn năm ngoái
Như năm nay, “nước về” sớm và bộn hơn năm rồi gần hai tháng. Cho nên, từng bầy cá linh non cũng tuốn về nhiều hơn. Nhờ vậy, giá cả chúng cũng mềm hơn. Đầu mùa, giá sỉ cá linh cỡ đầu đũa, từ 250.000 đồng đến 260.000 đồng/kg. Hàng còn tung tăng nhờ rộng oxy, tại các chợ đầu nguồn của các tỉnh giáp giới Campuchia như An Giang, Đồng Tháp. Nay giá tuột xuống, còn khoảng: 160.000 đồng/kg. Trong số đó, có con đã bằng đầu ngón tay trỏ người lớn. So năm rồi, giá cá linh sỉ đầu mùa vọt lên từ 350.000 – 400.000 đồng/kg. Bởi vì “nước về” nhỏ nên cá linh ít, theo một số thương lái ở Chợ Mới (An Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp). Song với một số dân miền Tây từng trải, dù mắc hay rẻ cũng phải thiệt lòng gắp mời nhóm bạn tâm giao vài ba món cá vừa bơi vừa lớn này.
Rau bông súng mùa nước nổi rất mập và giòn.
Gặp mặt mới… linh!
May thay, người viết cũng có mặt trong một tiệc cá linh đặc biệt thú vị như vậy, tại TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. “Hễ có cá linh thì lính ca. Mời! Mời!”, ông Nguyễn Quốc Việt, ở TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang “chào bàn” thật vui nhộn.
Hơn 30 năm trước, sản vật miền Tây đếm mỏi tay. Bởi vậy, mớ cá linh có ngọt béo đến đâu cũng là hàng thời vụ rẻ tiền, so với cá hô, cá cháy… Thời đó, đơn vị mua bán cá linh ở đây được tính bằng thùng hoặc giạ, chứ không phải ký như bây giờ. Mỗi thùng hay “táo” nặng từ 20 đến 21 ký. Và một giạ gồm hai thùng.
Cá kết thành về, hợp nên luồng xanh đen, chạy nghe “ồ ồ” dưới sông Vàm Nao (An Giang). Và khi ủ mắm không xuể, nhiều dân Cao Lãnh mang cá ủ thành phân. Lùi xa hơn nữa, vào năm 1939, hai, ba giạ cá linh ngang giá với một hộp cá mòi lớn: tám cắc, theo ghi chép của Nguyễn Hiến Lê, trong quyển Bảy Ngày Ở Đồng Tháp Mười. Rẻ bèo như vậy, nên “dân quèn” hoặc “lính lác” miệt này, cũng có thể xin hoặc trao đổi hay mua về đổi bữa. Hoặc lai rai cùng bè bạn.
Với lại, các món ngon về cá linh ở miền tây thường theo kiểu “bổn cũ soạn lại”, nhưng vẫn hấp dẫn. Bởi, chỉ vào mùa nước nổi mới có cá linh, thường từ tháng bảy đến tháng mười âm lịch.
Dân dã mà hấp dẫn, canh chua cá linh bông điên điển.
Một trời thương nhớ…
Cùng nhóm rau cỏ thời vụ “láng giềng” quen thuộc khác, như cọng bông súng “cơm” mập mạp, chùm bông so đũa (ta) trắng tươi, với mớ bông điên điển vàng hồng, toòng teng nụ búp. Không hẹn mà gặp, cả cá cùng rau đều căng mọng dưỡng chất, tràn đầy sức sống. Chịu khó gom chúng lại. Rồi lặt, rửa… tẩm ướp thêm chút mắm, muối…; kể cả những bà nội trợ tay nghề hạng trung cũng có thể nấu thành nồi canh chua, ơ cá linh kho mía thơm ngất!“Mời! Mời! Gắp mạnh vô nghe!”, anh chủ tiệc lại ân cần hối thúc.
Muỗng nước canh chua còn ấm nóng, tỏa mùi vị chua thơm như gọi mời. Càng húp càng hân khoái. Và bộ ba: cá linh non – chồi (*) bông súng – nhúm bông điển điển được phối kết thật hài hòa, trong tô canh chua lấp lánh trắng-vàng điểm đỏ (ớt), bữa đó. Thịt cá tươi ngọt và béo nhẹ. Còn rau súng dẻo mọng dư vị chua ngọt. Cùng với chút nhân nhẩn và hậu vị ngọt thanh nơi từng bông vàng nhỏ xíu, giúp người ăn thanh tân khẩu vị. Càng thèm ăn bạo!
“Mấy con cá nhỏ, mình thon dài, có cặp mắt xanh đen này, mới thiệt là cá linh! Chứ đám cá linh giả, lội trong hồ kiếng ở nhiều hàng quán Sài Gòn, trước nay toàn cá chài, cá trôi… Thịt lạt nhách. Còn hàng cá linh non cấp đông, được rao bán khá rầm rộ qua mạng ở TP.HCM, đa phần đều không đủ độ tươi – ăn vô thêm thất vọng!”, bà Lê Thị Hoàng, cựu giáo viên sử THPT, gốc Mỹ Tho góp chuyện. Nhờ nhấm nháp nhiều phiêu sinh trong dòng nước trôi khá giàu phù sa, nên đám cá linh mùa nước nổi thường mập mạp. Và khi chúng đương quẩy những cú sau cùng thì chế biến món nào cũng ngon. Chiên xù, chẳng hạn. Cũng nhờ được “tắm” mỡ heo hoặc dầu ăn, nên toàn thân cá thêm thơm phức và béo ngọt hơn, so với nấu canh chua.
Cá non nên cả đầu, xương đều giòn và mềm – rất “ngon ăn”. Chấm giản tiện vào chén tương ớt hoặc chịu khó gói cuốn với vài cọng cải bẹ xanh non cùng ít rau thơm, như: húng lủi, diếp cá, húng chanh…; chấm mắm nêm hay nước mắm pha chua ngọt đều có cái ngon riêng. Quân bình giữa món nước và khô là một món hơi sền sệt: “linh sám hối”. “Ai trong đời mà có không tội, không tội nhỏ thì tội lớn – phải hôn?! Xin mời!”, ông Hai Trung, anh ông Quốc Việt rao món thứ 3 thật hóm hỉnh.
Thật ra, món này cách chế biến tương tự như kho lạt. Đầu bếp dùng ít nước dừa xiêm, cùng nhóm gia vị ngất ngát thơm làm chủ lực, như sả củ bằm, bột trái me xanh, ớt hiểm bằm. Và có gia thêm tương hột giã ba sồn, loại mặn. Quan trọng, canh nước kho chỉ xăm xấp mặt cá. Ôi! Thơm ngon động trời!
Vừa tận hưởng miếng ngon chân nguyên do sông mẹ Cửu Long ban tặng và tắm lại một đoạn ký ức tươi đẹp, cũng như chan hòa khí chất hào sảng ở mỗi người con Nam bộ rặt, nên dư âm cuộc họp mặt đặc biệt ấy thật ấm áp và sâu lắng, trong tôi.
Hay nói cách khác, chính men say nơi tô canh chua cá linh-bông điên điển hay mì Quảng hoặc bún bò Huế… đã lưu giữ thật sâu đậm hồn cốt hương vị quê nhà. Dù đi hay ở!