Về thăm vùng rốn bệnh lạ Ba Tơ

575
Người dân Hơ-rê đang chuẩn bị cho một nghi thức cúng mùa màng bội thu. Ảnh: Nguyễn Dân

Đó là làng Rêu, xã Ba Điền, Ba Tơ, Quảng Ngãi, nơi phát tích bệnh lạ cướp đi sinh mạng của 24 người. Đến nay, căn bệnh đó vẫn là điều bí ẩn của khoa học. Phóng viên báo Thời Đại trở lại với làng “bệnh lạ” kể trên…

Quá khứ thương tâm

Với 97% người Hơ-Rê, làng Rêu nằm lọt giữa một thung lũng bốn bề là núi. Phía nam chỉ có một đường độc đạo 15 km nối với quốc lộ 24. Mùa mưa đường lầy, mùa khô xe đi gập ghềnh cứ nhảy chồm chồm như đi ngựa. Phía tây bắc cũng chỉ có độc đạo qua đèo cao khúc khuỷu nối với huyện miền núi Minh Long (Quãng Ngãi)

Ca bệnh lạ đầu tiên được phát hiện tại làng Rêu vào ngày 19/4/2011, kéo dài hơn 3 năm, tước đi 24 sinh mạng. Dạo đó từ “bệnh lạ” ngày nào cũng xuất hiện ở những vị trí “hot” nhất trang 1 của các báo. Y học gọi “bệnh lạ” bằng triệu chứng của nó là bệnh “viêm da dày sừng bàn tay bàn chân” chứ y văn thế giới chưa có tên chính thức. Trong ba năm đó có trên 1000 chuyên gia y tế và các tổ chức trong và ngoài nước như Nhật, Pháp, Bỉ với 40 đoàn tấp nập về đây để nghiên cứu. Họ đã xét nghiệm các bệnh phẩm như máu, nước tiểu, tóc, da. Rồi lấy cả nước, cát, cây, trái, không khí, tìm kiếm cả chất Dioxin nghi tồn tại trong chiến tranh… nhưng không tìm ra bất cứ yếu tố nào được cho là tác nhân gây bệnh.

Đến nay, chỉ còn giả thiết nguyên nhân của bệnh là từ chất oxlotoxin có trong nấm mốc của gạo ẩm, vì người dân Hơ-Rê cũng như nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên có tập quán gặt lúa rồi không phơi mà để trong những nhà kho ngoài đồng.  Khi cần họ mới lấy về xay giã lấy gạo mà dùng. Nhưng nguyên nhân này cũng bị nhiều người bác bỏ vì rất nhiều nơi khác cũng ăn gạo giống như Ba Điền, thậm chí nhiều người trong một gia đình cùng ăn chung một nồi cơm nhưng có người bị, người không. Vì vậy oxlotoxin cũng chỉ là một giả thiết như nhiều giả thiết khác là từ nước uống, phân súc vật, môi trường sống.

Thậm chí có cả nguyên nhân về những truyền thuyết mê tín dị đoan như tục “cầm đồ thuốc độc” hoặc do một lời nguyền của một tộc người lùn ở trên đỉnh núi nay đã tuyệt chủng… Tất cả đều là giả thiết chứ chưa có một kết luận khoa học chính thức nào về “bệnh lạ”.

Một góc làng “bệnh lạ”. Ảnh: Nguyễn Dân

Thoát “bệnh lạ” làm giàu

Trong hơn 3 năm chiến đấu với “bệnh lạ”, các tổ chức đã áp dụng các phương pháp bao vây và phòng ngừa như vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể, phun hóa chất khử độc. Cung cấp gạo tốt cho người dân… Ca bệnh cuối cùng được ghi nhận năm 2014

Trước đây khi đọc những thông tin về “bệnh lạ” trên báo, chúng tôi hình dung Ba Điền là một nơi đèo heo hút gió. Giữa tháng 2 âm lịch đầu mùa khô năm nay, chúng tôi về thăm làng Rêu, cái rốn của Ba Điền, nơi phát xuất “bệnh lạ” và là nơi có nhiều bệnh nhân nhất.

Vừa qua khỏi độc đạo từ quốc lộ 24 vào, trước mắt chúng tôi là một con đường bê tông phẳng lì đưa về tận các thôn bản. Các cụm dân cư nằm rải rác giữa cánh đồng xanh ngan ngát. Dọc theo ven đường là những kênh mương kiên cố dẫn nước dòng suối chảy về từ sườn núi. Bà con Hơ-Rê ở làng Rêu vẫn ở nhà sàn nhưng bây giờ là nhà sàn có nhiều cột bê tông kiên cố, chung quanh nhà, dưới sàn sạch boong, không có một cọng rác. Heo bò được nhốt riêng hoặc thả rong ngoài núi.

Chủ căn nhà, anh Phạm Kơ Đắc, từng mắc “bệnh lạ” 5 năm trước, nhìn bàn tay anh không còn dấu vết da sần sùi nữa. Hỏi thì anh cho biết cả trăm người khác cũng đã lành lặn các vết thương chứ không chỉ mình anh. Ngôi nhà này anh xây cất được ba năm từ tiền bán keo trên diện tích 5ha của gia đình.  Tất cả các công trình như đường xá, kinh mương cũng được làm từ tiền đóng góp của bà con trồng keo.

Anh Khoa, Phó chủ tịch xã cho biết thêm, tất cả các trẻ em ở đây đều được đi học. Xã hiện có hai trường tiểu học và một trường cấp 2. Ngoài ra, toàn xã có tám em đang theo học đại học ở các tỉnh.

Điều khá đặc biệt là 100% người dân đều có điện và nước sạch. Dọc các ngả đường đều có đèn thắp sáng. Buổi tối từ lưng dốc nhìn ra cả buôn làng nhà nào cũng sáng ánh điện, đèn sáng dọc các lối đi, tôi ngỡ ngàng trước một khung cảnh bừng sáng giữa đại ngàn Trường Sơn

“Anh có tin không, 90% người lớn trong xã đều dùng điện thoại di động, xã vùng sâu vùng xa nhưng cán bộ đều dùng laptop, nhà nào cũng có xe gắn máy, và cả xã đã có tám nhà sắm được xe tải” – anh Khoa mỉm cười nói tiếp

Giữa tháng 2 đi trên những con đường bê tông êm mát, nhìn hàng cột điện, đồng lúa xanh và từng đoàn học sinh tung tăng đến trường, tôi chợt nhớ đến những ngày báo chí đề cập đến “bệnh lạ” ở Ba Điền (Ba Tơ) như chuyện của một thời xa lắc xa lơ nào đó

Nguyễn Dân