Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) đã trở thành tổ chức mua vàng hàng đầu thế giới. Hiện tỷ lệ vàng dự trữ chỉ chiếm 4,9% trong tổng dự trữ quốc gia, điều này có nghĩa là ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục mua thêm vàng với khối lượng lớn.
Có được bức tranh rõ ràng về các động thái của ngân hàng trung ương Trung Quốc trên thị trường vàng là điều rất khó khăn – Nikkei Asia nhận định. Các công ty mua bán vàng đều giữ thái độ kín tiếng khi đề cập đến chủ đề này. Dữ liệu hàng tháng của PBoC về dự trữ ngoại hối của ngân hàng là một trong những chỉ số ít ỏi mà Trung Quốc công bố.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) đã sử dụng dữ liệu này và các số liệu tổng hợp khác để theo dõi dự trữ vàng của Trung Quốc. Ngân hàng này đã mua ròng thêm 224,9 tấn vàng so với lượng vàng bán ra vào năm 2023 – một trong những khối lượng lớn nhất của bất kỳ ngân hàng trung ương lớn nào. Số này tương đương với khoảng 5% nhu cầu toàn cầu với loại trữ kim này.
Hoạt động mua vàng tiếp tục diễn ra vào năm 2024. PBoC đã mua ròng 28,9 tấn vàng từ tháng 1 đến tháng 4, chỉ đứng sau ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy vậy, PBoC đã ngừng mua vàng trong hai tháng 5 và 6-2024 do giá vàng thế giới tăng lên mức cao kỷ lục. Tính đến cuối tháng 6 rồi, Trung Quốc nắm giữ 2.264,3 tấn kim loại quý, tăng 22% so với cuối năm 2018.
Đối với người tiêu dùng Trung Quốc, động thái mua thêm vàng của ngân hàng trung ương đã giúp người dân tin tưởng hơn vào loại quý kim này – theo lời Nikos Kavilis, giám đốc điều hành của hãng tư vấn Metals Focus tại Anh.
Lượng vàng nắm giữ của các ngân hàng trung ương là một phần trong tổng dự trữ, bao gồm cả ngoại tệ, đặc biệt là đô la Mỹ – loại tiền tệ dự trữ hàng đầu thế giới.
PBoC đột ngột tăng lượng vàng nắm giữ vào năm 2015 và 2016, tăng gần 800 tấn trong hai năm đó. Thời điểm đó, mọi người tin rằng Trung Quốc đã giảm tỷ lệ đô la trong dự trữ quốc gia trong bối cảnh đối đầu Mỹ – Trung có xu hướng gia tăng.
Việc mua kim loại này đã tăng trở lại vào tháng 11-2022, với 18 tháng mua liên tiếp cho đến tháng 4-2024, giúp tăng lượng dự trữ vàng thêm 316 tấn. Điều này trùng hợp với động thái đóng băng tài sản bằng đô la của Nga của các nước phương Tây nhằm trừng phạt hành động đưa quân vào Ukraine của Moscow.
Giáo sư tài chính Campbell Harvey thuộc Đại học Duke, Mỹ nói rằng các biện pháp cấm vận Nga của phương Tây đã khiến Bắc Kinh ý thức hơn về việc sử dụng vàng như một biện pháp phòng ngừa rủi ro. Kim loại này trong lịch sử được coi là nơi trú ẩn an toàn, giữ giá trị của nó trong thời kỳ bất ổn về địa chính trị và kinh tế.
Trên thực tế, quy mô dự trữ vàng của PBoC không nổi bật so với các ngân hàng trung ương khác. Theo dữ liệu của WGC, Trung Quốc xếp thứ bảy trong số các quốc gia và định chế tài chính lớn về dự trữ vàng. Mỹ đứng đầu thế giới với 8,133,5 tấn, tức gần bốn lần con số của Trung Quốc, tiếp sau đó là Đức, IMF, Ý, Pháp và Nga.
Aron Chan, chiến lược gia về vàng tại State Street Global Advisors, cho rằng các thị trường mới nổi thường có khoảng 20% dự trữ bằng vàng. Ở mức khoảng 5%, Trung Quốc có khả năng tăng thêm lượng nắm giữ của mình trong dài hạn, Chan nói thêm. Còn Harvey giải thích vàng là một phương cách hiệu quả để PBoC đa dạng hóa rủi ro đối với đồng nội tệ.
Bất kỳ sự gia tăng nào trong rủi ro tài chính hoặc địa chính trị Mỹ – Trung đều có thể thúc đẩy Trung Quốc tiếp tục đa dạng hóa khỏi đồng đô la. Hoạt động mua vàng của PBoC có thể tăng lên vào nửa cuối năm khi Mỹ chuẩn bị cho kỳ bầu cử tổng thống vào tháng 11 và phải đối mặt với các cuộc đàm phán của quốc hội về việc nâng trần nợ liên bang.
Theo Nikkei Asia, World Gold Council
Ricky Hồ / BSA Media
Nhật Bản đứng đầu 5 năm liên tiếp về đầu tư nước ngoài tại Mỹ