
Việt Nam đề nghị Mỹ xem xét miễn trừ thuế cho một số nhóm hàng nông thủy sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng Mỹ và không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Mỹ, như thủy sản, điều, tiêu, rau quả và cà phê. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho quýt, mận và chanh không hạt của Mỹ trong năm 2025.
Trong khuôn khổ chuyến công tác Mỹ của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Hoàng Trung đã đề nghị như trên trong cuộc gặp Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Mỹ Jason Hafemeister hôm 9-4.
Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết với Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong năm 2024. Việt Nam đã hoàn tất đánh giá và cấp phép cho toàn bộ các loại hồ sơ nông sản biến đổi di truyền từ Mỹ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Phía Việt Nam đang khẩn trương hoàn tất báo cáo đánh giá nguy cơ (PRA) và các thủ tục khác theo luật định để quýt, mận, chanh không hạt từ Mỹ có thể vào thị trường Việt Nam trong năm 2025.
Trên tinh thần hợp tác song phương, Việt Nam đề nghị phía Mỹ nhanh chóng xem xét “mở cửa” thị trường cho chanh leo của Việt Nam.
Việt Nam cũng đã điều chỉnh thuế suất đối cuối tháng 3 vừa qua, tạo điều kiện thuận lợi cho nông sản Mỹ vào thị trường Việt Nam. Về cơ bản các sản phẩm gỗ và đồ gỗ đã được giảm thuế trung bình từ 15-25% xuống còn 0%, ngô (bắp) và đậu tương (đậu nành) giảm từ 2% xuống 0%…
Ngoài ra, đoàn Việt Nam cũng đã có trao đổi kỹ thuật với Cục Đối ngoại (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ) về kế hoạch triển khai cụ thể dự án sử dụng phân bón đúng cách nhằm nâng cao hiệu suất phân bón, sản lượng cây trồng, tăng thu nhập cho nông dân và giảm khí phát thải.
Đoàn cũng làm việc với cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) để tăng cường hợp tác thúc đẩy mở cửa thị trường cho nông sản giữa hai nước.

Tác động của giảm thuế cho nông sản từ Mỹ
Lượng nông sản chiếm 1/3 tổng kim ngạch các loại hàng hóa Mỹ xuất sang Việt Nam. Theo USDA, nông sản Mỹ xuất sang Việt Nam đạt 3,4 tỉ đô la trong năm 2024, tăng gần 10% so với con số 3,1 tỉ đô la trong năm 2023, chủ yếu gồm bông, đậu nành, bắp và các loại hạt. Lượng trái cây tăng vọt lên 550 triệu đô la trong năm 2024, tăng 64%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Mỹ là nước xuất khẩu thịt gia cầm lớn nhất vào Việt Nam (chiếm khoảng 34% tổng lượng thịt gia cầm nhập khẩu); xuất khẩu thịt bò lớn thứ hai và xuất khẩu thịt heo đứng thứ 6 (chiếm khoảng 5%) vào thị trường Việt Nam.
Việc giảm thuế nhập khẩu mặt hàng ngô xuống 0% góp phần giảm bớt chi phí đầu vào cho ngành chăn nuôi Việt Nam. Hiện Việt Nam hầu như phụ thuộc 100% vào nguồn ngô nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong năm 2024, lượng ngô nhập khẩu của Việt Nam đạt 3,04 tỉ đô la, tăng 6,1% so với năm 2023, và một phần đáng kể trong số này có nguồn gốc từ Mỹ. USDA cũng dự báo nhu cầu nhập khẩu ngô và phụ phẩm ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao, ước tính gấp 3 lần trong 10 năm tới. Trước đó, các nhà sản xuất trái cây Mỹ đã chỉ ra rằng, thuế nhập khẩu cao đang là trở ngại chính khiến lượng trái cây Mỹ xuất khẩu vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu tiêu dùng của thị trường.