Việt Nam – Hôm nay và Ngày mai

    140
    Sách do Trần Văn Thọ và Nguyễn Xuân Xanh chủ biên, NXB Đà Nẵng và Đại học Hoa Sen ấn hành tháng 4.2021. Sách gồm 4 phần, với  các bài viết của 22 trí thức Việt Nam phân tích từ góc nhìn những vấn đề hôm nay và gợi ý, phát ra thông điệp cải cách hoặc kiến tạo để Việt Nam có ngày mai thịnh vượng, tươi đẹp.
    Phần I (Lịch sử, Văn hóa) gồm 6 chương nhìn lại quá khứ để hướng đến tương lai, từ cấp độ lịch sử dân tộc đến giá trị xưa và nay của Sài Gòn, lịch sử đoạn đường nối Huế – Đà Nẵng, và vấn đề bảo tồn di sản văn hóa. Bao gồm: tác giả Huỳnh Bửu Sơn với Đoàn kết để cường thịnh – Từ quá khứ nhìn về tương lai, Nguyễn Thị Hậu với Bản sắc đô thị Sài Gòn trong bối cảnh Nam bộ, Trần Hữu Phúc Tiến với Sài Gòn mỹ lệ xuyên thời gian và không gian, Trần Đức Anh Sơn với Bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam hiện nay -Thực trạng và giải pháp…
    Phần II (Tư tưởng, Thể chế) gồm 6 chương bàn về những giá trị truyền thống và hiện đại, vấn đề khai sáng thực học, và các vấn đề về cải cách thể chế để đất nước phát triển.Tác giả Trần Ngọc Vương viết về Vấn đề chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa quốc gia ở Việt Nam hiện nay, tác giả Vũ Ngọc Hoàng bàn về những giá trị Độc lập, tự do và phát triển, riêng tác giả Nguyễn Xuân Xanh Luận về khai sáng trong Fukuzawa Yukichi, Francis Bacon và Việt Nam, tác giả Nguyễn Trung viết về Suy nghĩ về thế giới và nước ta sau đại dịch Covid-19, còn tác giả Trương Trọng Nghĩa luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa – đặc thù chính trị của Việt Nam, tác giả Huỳnh Thế Du nêu lên Suy nghĩ về con đường phát triển của Việt Nam…
    Phần III (Giáo dục, Y tế) gồm 5 chương đề cập đến những vấn đề giáo dục trung học và đại học, chuyển đổi số như mệnh lệnh thời đại, và bàn về phát triển hệ thống y tế Việt Nam thời hậu Covid-19. Nguyên Ngọc viết về Đại chúng hay tinh hoa?, Giáp Văn Dương chia sẻ về tầm nhìn và cách quản trị trong Xây dựng và quản trị trường học phổ thông, còn Hồ Tú Bảo bàn luận Chuyển đổi số và giáo dục…
    Phần IV (Kinh tế, Kinh doanh) gồm 5 chương bàn về các vấn đề kinh tế hiện nay của Việt Nam và đề khởi chiến lược, chính sách để phát triển trong tương lai.
    Trong Chính trị và kinh tế thế giới sau đại dịch: Cơ hội và thử thách cho Việt Nam, Trần Quốc Hùng cho rằng với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và cạnh tranh chiến lược Mỹ -Trung, tình trạng “một thế giới, hai hệ thống” và những xáo trộn về chuỗi giá trị cung ứng sẽ xảy ra. Việt Nam phải củng cố nội lực để đối phó với thách thức và tận dụng cơ hội do những thay đổi của chính trị, kinh tế thế giới mang lại mới phát triển bền vững trong thời gian tới.
    Tương lai kinh tế Việt Nam nhìn từ đại dịch của Trần Văn Thọ đã được trích đăng trong Thế Giới Hội Nhập số này. Tài nguyên bản địa và vấn đề phát triển bền vững của Vũ Kim Hạnh đề cập đến tầm quan trọng của việc khai thác “tài nguyên bản địa” sẵn có để phát triển.
    Trong Doanh nghiệp Việt và giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, Phạm Chi Lan phân tích thực trạng doanh nghiệp Việt Nam và suy nghĩ về hướng đi tương lai, khi mọi người đang mong thực hiện giấc mơ Việt Nam thịnh vượng vào khoảng giữa thế kỷ này. Tác giả cho rằng phải thúc đẩy tăng cường nền tảng vi mô của kinh tế thị trường, học hỏi và sáng tạo về công nghệ và quản trị, liên kết và hội nhập là những hướng đi chính để doanh nghiệp Việt phát triển và góp sức hiện thực hóa giấc mơ Việt Nam thịnh vượng.
    Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn của Đặng Kim Sơn phân tích vai trò của nông nghiệp trong kinh tế Việt Nam và đưa ra các ý tưởng để nông nghiệp phát triển trong giai đoạn mới có các đặc tính như toàn cầu hóa, biến đổi khí hậu, đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tác giả chủ trương cần thay đổi từ phát triển theo chiều rộng, thâm dụng tài nguyên sang một nền nông nghiệp toàn diện, vừa phát huy lợi thế vùng, ngành; vừa đảm bảo sự vững bền về xã hội và môi trường.
    Hà Trần
    Để trẻ có thói quen và say mê đọc sách