Việt Nam khó đạt mục tiêu xuất khẩu 500.000 lao động ra nước ngoài

568
Nhật Bản vẫn là thị trường đầy sức hút với lao động Việt Nam khi lương cao hơn 50% so với Đài Loan. Ảnh: Nikkei Asia
Tiêu điểm

Việt Nam khó đạt mục tiêu xuất khẩu 500.000 lao động ra nước ngoài

Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 500.000 lao động ra nước ngoài trong năm năm tới. Nhưng các nhà phân tích nói rằng khó có thể đạt được con số đó do các nước nhận lao động vẫn còn đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài.
Trong ba tháng đầu năm nay, khoảng 10.000 lao động Việt Nam đã đến Đài Loan và khoảng 18.000 người đến Nhật Bản – theo dữ liệu của Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS).
Nhật Bản hiện vẫn cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài chưa có tư cách thường trú kể từ tháng 1 vừa rồi do phải đối phó với làn sóng bùng dịch mới. Điều này gây ảnh hưởng đối với chương trình thực tập sinh vốn cung cấp cơ hội việc làm cho người nước ngoài tại đất nước đang thiếu hụt lao động trầm trọng, một phần là do tốc độ lão hóa dân số cao.
Việt Nam là nguồn cung ứng thực tập sinh lớn nhất ở Nhật Bản. Hiện có khoảng 200.000 thực tập sinh người Việt có mặt trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp, xây dựng và sản xuất.
Chính phủ Nhật Bản xây dựng chương trình thực tập sinh nhằm chuyển giao kỹ năng cho các nước đang phát triển. Nhưng trên thực tế, theo Nikkei Asia, nhiều công ty Nhật Bản lại đang xem các thực tập sinh nước ngoài đơn giản chỉ là những lao động giá rẻ.
Các hạn chế nhập cảnh của Nhật Bản đã tác động lớn đến thu nhập của các công ty đưa thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản. Số công ty xuất khẩu lao động phải đóng cửa đang gia tăng tại Việt Nam.
Thị trường chính của công ty môi giới lao động Hà Nội Link Service là Nhật Bản. Nhưng Chủ tịch Tô Tiến Nghĩa nói rằng công ty đang tìm cách tập trung tìm kiếm và khai thác thị trường khác. Nhật Bản là một điểm đến hấp dẫn thu hút lao động Việt do lương cao. Chẳng hạn, một lao động Việt Nam có thể kiếm thu nhập trung bình 1.200-1.400 USD mỗi tháng, trong khi đó nếu làm ở Đài Loan, lao động này chỉ kiếm được 700-800 USD.
Nhưng ngay cả trước dịch, Việt Nam cũng đã gặp khó khăn trong chuyện đưa lao động đến Nhật Bản theo chương trình visa mới dành cho lao động có tay nghề cao đưa ra vào năm 2019 với 14 ngành được ưu tiên. Nguyên nhân là Việt Nam chậm trễ trong tố chức các kỳ thi ngôn ngữ và kỹ năng, khiến Việt Nam bị mất lợi thế cạnh tranh so với Philippines và các nước châu Á khác.
Nhưng ngay cả trong thời gian dịch bùng phát năm 2020, Nhật Bản vẫn là thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam dù rằng con số lao động bi giảm 50% còn khoảng 38.000 người. Đài Loan là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ hai với 34.000 lao động người Việt, Hàn Quốc đứng thứ ba với 1.300 người.
Theo chân Nhật Bản, Đài Loan cũng cấm người nước ngoài chưa có thường trú nhập cảnh từ hôm 19/5 khi các ca lây nhiễm mới tăng vọt. Bộ Lao động, Thương binh và xã hội có kế hoạch đưa 90.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2021, tăng 12,5% so với con số của năm 2020. Nhưng xu hướng giảm nhập khẩu lao động ở các nước có thể sẽ quay lại trong thời gian tới.
Xuất khẩu lao động giảm cũng khiến kinh tế nội địa yếu hơn. Hơn 600.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài đã gửi về nước lượng kiều hối ít nhất là 4 tỷ USD trong năm ngoái.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC sáng 31/5 ở mức 56,65 – 57,15 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 310.000  đồng/lượng ở chiều mua vào và 330.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch hai đầu mở rộng thành 500.000 đồng. Đây là mức giá cao nhất tính từ hôm 9/2. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.908,7 USD/ounce, tăng 5,2 USD/ounce, tương đương 0,27% giá trị so với chốt phiên trước. Được biết, tâm lý tích cực đang bao trùm thị trường khi kim loại quý đã có mức tăng tới hơn 220 USD/ounce trong 2 tháng qua.
2/ Theo Cục Công nghiệp Thực vật (BPI) của Philippines, trong 4 tháng đầu năm nay, nước này đã nhập khẩu khoảng 780.069 tấn gạo, cao hơn một chút so với mức 778.969 tấn của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhập khẩu gạo Việt Nam chiếm 656.133 tấn, chiếm khoảng 84% tổng lượng nhập khẩu. Hơn thế nữa, thông tin từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Philippines trong 4 tháng qua, đạt 715.717 tấn, tương đương 381,44 triệu USD, giảm 20,7% về lượng và giảm 4,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 36% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này tăng 19,8% so với cùng kỳ, đạt 533 USD/tấn.
Gạo Việt Nam chiếm hơn 80% lượng gạo nhập khẩu của Philippines.
3/ Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) gồm 5 nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan sẽ chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) từ tháng 10/2021. Sự thay đổi này dự kiến sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Cùng với Việt Nam, EAEU cũng sẽ đưa một số nước khác khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore, Brunei… Theo thỏa thuận, hệ thống ưu đãi GSP dành cho hàng hóa các nước chậm phát triển xuất khẩu vào các nước phát triển, thậm chí bằng 0% tùy từng chính sách các quốc gia phát triển. Việt Nam nằm trong danh sách được hưởng GSP với EAEU từ nhiều năm nay.
4/ Nhằm hỗ trợ nông dân kết nối với người mua hàng cả nước thông qua kênh thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp đặc biệt là tại các ổ dịch của tỉnh Bắc Giang khiến vải thiều Bắc Giang rơi vào tình trạng ứ đọng, khó tìm đầu ra. Mới đây, sàn TMĐT Voso.vn của Viettel Post, dưới sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Công Thương, đã đưa sản phẩm vải đặc sản Bắc Giang lên sàn với mục tiêu tiêu thụ 100 tấn vải/ngày. Theo đó, sàn thương mại điện tử này đã phối hợp cùng Sở Công Thương Bắc Giang làm việc với các nhà vườn, các hợp tác xã tại các địa phương trên toàn tỉnh để bao tiêu toàn bộ sản lượng. Tính đến nay, đơn vị này cho biết đã có hơn 1 tấn được khách đặt mua trước. Giá của vải u hồng hiện được đăng bán chỉ từ 36.000 đồng/kg.
5/ Việt Nam đã ban hành Nghị định về biểu thuế ưu đãi xuất nhập khẩu theo khuôn khổ Hiệp định Thương mại Việt Nam và Vương quốc Anh, Bắc Ireland, theo đó nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế, bỏ thuế ngay lập tức. Đối với xe hơi, mặt hàng có độ nhạy cảm cao, được giảm thuế theo lộ trình 9-10 năm. Với mức giảm thuế suất thuế nhập khẩu xe Anh từ 6,7% đến 7,1%/năm, thì nhiều mẫu xe của Anh như Rolls-Royce, Aston Martin, Bentley, Jaguar, MG, Land Rover, Lotus, Mini… cũng sẽ được giảm giá hàng trăm triệu đến ngưỡng cao nhất hàng tỷ đồng/chiếc. Hiện nay, mức chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của Anh và các nước Đức, Pháp, Ý tại Việt Nam khoảng 50%, 90% và cá biệt có dòng xe 150%. Vì vậy giá xe nhập vào thị trường chỉ giảm nhỏ giọt theo thuế suất nhập khẩu.
6/ Các ông lớn công nghệ Trung Quốc đang dần đánh mất thời kỳ hoàng kim khi giới đầu tư lo ngại chính phủ nước này tiếp tục siết chặt quản lý đối với lĩnh vực. Theo Nikkei, giá trị vốn hóa thị trường của 10 công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc, bao gồm Alibaba và Tencent, đã giảm hơn 800 tỷ USD, tương đương gần 30% so với mức đỉnh cao hồi tháng 2. Cổ phiếu của Tencent, công ty sở hữu ứng dụng WeChat, hiện đã giảm hơn 20% so với mức kỷ lục hồi tháng 2 bất chấp công ty vừa công bố lợi nhuận ròng 7,44 tỷ USD trong quý đầu năm, tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, thì cổ phiếu của Apple và các ông lớn công nghệ Mỹ vẫn giao dịch ổn định.
7/ Trong vài tháng qua, một loạt các công ty thực phẩm như Nestlé (Thuỵ Sỹ), Anglo-Dutch Unilever đã thông báo tăng giá sản phẩm khi giá nguyên liệu đầu vào tăng. Giá lương thực leo thang đã trở thành vấn đề chính trị ở một số nước đang phát triển như Ethiopia và Nigeria cũng như tác động đến giá tiêu dùng ở các nước phát triển. Theo đó, giá hợp đồng tương lai của cà phê, sữa, đường, lúa mỳ, yến mạch, nước cam đã tăng trung bình 28% so với năm 2019 trên thị trường giao dịch Mỹ. Với những người ăn thịt, việc thêm thịt lợn vào danh sách này sẽ đẩy giá trung bình bữa sáng lên 32%. Các nhà phân tích cho biết, chi phí nguyên liệu thô chỉ chiếm một phần trong tổng giá của sản phẩm tại siêu thị hoặc nhà hàng. Nhưng phần chi phí tăng thêm có thể đã được chuyển sang người tiêu dùng.
8/ Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ trong tuần trước cho thấy doanh số bán nhà mới trong tháng Tư giảm 5,9% so với tháng Ba, khi giá cao và nguồn cung bị thắt chặt. Theo đó, doanh số nhà mới và nhà bán lại bắt đầu giảm trong tháng Tư, khi giá tiếp tục tăng dù các công ty xây dựng nỗ lực đáp ứng nhu cầu. Trong khi thị trường có thể ổn định dần trong những tháng tới, các nhà phân tích tin rằng lĩnh vực bất động sản có thể sẽ chững lại. Được biết, trong số liệu về lòng tin tiêu dùng cũng được công bố trong tuần trước, Conference Board cho biết chỉ 4,3% số người tham gia một cuộc khảo sát trong tháng này dự kiến mua nhà trong sáu tháng tới, giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với tháng trước.
9/ Chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép mỗi hộ gia đình có 3 con. Được biết, động thái này được đưa ra nhằm đối phó với tình trạng dân số già hóa và tỷ lệ sinh giảm, hai yếu tố đe dọa tới triển vọng phát triển kinh tế về lâu dài của Trung Quốc. Trước đó, cuộc tổng điều tra dân số tiến hành năm 2020 công bố vào ngày 11/5 cho thấy dân số Trung Quốc chỉ tăng 72 triệu người so với con số thống kê vào năm 2010 – mức tăng 5,4%, vượt mức 1,41 tỷ người. Đây là mức tăng thấp nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc đại lục, kể từ khi nước này bắt đầu thực hiện tổng điều tra dân số vào năm 1953. Nói cách khác, lực lượng lao động của Trung Quốc đang già đi, trong khi nước này chưa phát triển hoàn toàn.
Trẻ em chơi tại một trung tâm mua sắm tại Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg News.
10/ Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu ở Brussels, các lãnh đạo châu Âu đã thống nhất thông qua chứng nhận y tế liên quan đến Covid-19, hay còn được gọi là “giấy thông hành Covid-19”. Quyết định này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với châu Âu bởi mùa du lịch Hè đã bắt đầu và để cứu vãn được mùa du lịch Hè năm nay thì yếu tố quan trọng nhất là du khách đến từ các nước, cả trong nội bộ Liên minh châu Âu lẫn từ các nước đối tác lớn, như Mỹ, Anh, Trung Quốc hay Trung Đông… phải được tự do di chuyển mà không bị cản trở bởi các quy định khắt khe về y tế như cách ly, xét nghiệm, hoặc được đến nước này trong EU nhưng lại bị cấm sang nước khác.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Chuyển đổi số đòi hỏi tài năng trong bốn lĩnh vực chính