Việt Nam mất vị trí thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo năm 2022

109
Thu hoạch lúa ở Sóc Trăng. Việt Nam dự kiến xuất khẩu khoảng 6 triệu gạo trong năm 2022. Ảnh: Nguyệt Nhi

Xuất khẩu gạo của Thái Lan dự kiến sẽ vượt ngưỡng 7 triệu tấn trong năm 2022 này, giành lại vị trí nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới từ Việt Nam. Cả hai nước tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong khu vực và thế giới về xuất khẩu gạo trong hai thập niên tới. Tuy nhiên, Đông Nam Á khó có thể giữ vững danh hiệu vựa xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khi hai nước đông dân nhất là Indonesia và Philippines đang phải chật vật để đáp ứng nhu cầu gạo trong nước.

Gạo Việt có thể duy trì giá tốt trong năm

Gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 400-415 đô la/tấn hôm 31-3, giảm từ mức giá 415-420 đô la/tấn so với tuần trước đó.

“Nguồn cung trong nước đang tăng nhờ sản lượng vụ đông xuân tốt”, một thương lái có trụ sở tại TP.HCM cho biết. Tuy  nhiên, ông nói rằng chất lượng gạo bị ảnh hưởng do mưa kéo dài trong thời gian thu hoạch.

Dữ liệu vận chuyển sơ bộ cho thấy 72.000 tấn gạo dự kiến ​​sẽ được bốc dỡ tại cảng TP.HCM trong tuần đầu tiên của tháng 4, với hầu hết các lô hàng được xuất đến đến Philippines và châu Phi.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quí đầu tiên 2022 ước tính đã tăng 24% so với một năm trước đó lên 1,475 triệu tấn, nâng doanh số 10,5% lên 715 triệu đô la. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay dự báo đạt 6,4 triệu tấn. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam nói gạo Việt vẫn có thể duy trì giá cao trong năm nay do chất lượng duy trì ở mức cao và nhu cầu tốt.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm nhẹ còn 408-410 đô la/tấn trong tuần này, từ mức 408-412 đô la/ tấn được báo giá tuần trước.

Các thương nhân cho biết nhu cầu ở nước ngoài đối với gạo Thái Lan đã bị giảm do không đủ tàu và giá cước vận chuyển cao.

Tuy nhiên, giá vẫn ở mức cao do nhu cầu nội địa đối với gạo tấm dùng làm thức ăn gia súc do các vấn đề hậu cần với nhập khẩu, một nhà kinh doanh gạo có trụ sở tại Bangkok cho biết.

Đồng baht yếu khiến giá gạo Thái Lan cạnh tranh hơn và giúp tăng lượng xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo mức xuất khẩu của Thái Lan khoảng 6,5 triệu tấn trong năm nay. Tuy nhiên, trong tuần rồi, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan dự kiến năm nay nước này có thể xuất hơn 7 triệu tấn, vượt quá mức mong đợi. Với số lượng này, Thái Lan sẽ qua mặt Việt Nam, giành lại vị trí “á quân” trên thị trường xuất khẩu gạo thế giới. Năm ngoái, Việt Nam xuất 6,4 triệu tấn gạo, giành vị trí thứ hai khi Thái Lan chỉ xuất được 6,2 triệu tấn. Ấn Độ vẫn giữ vững vị trí quán quân với việc xuất 15,5 triệu tấn trong năm 2021.

Nỗi lo thiếu gạo quay trở lại

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food vào tháng 3-2022 vừa rồi, hai nước này sẽ không thể tự đáp ứng nhu cầu với xu hướng sản lượng hiện nay. Điều này có nghĩa là họ sẽ phải dựa vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước đối với mặt hàng thiết yếu đối với an ninh lương thực, ổn định chính trị và tiềm năng xuất khẩu.Các nhà nghiên cứu nhận định: “Thiên niên kỷ mới đã mang lại một số thách thức cho các nền canh tác lúa ở Đông Nam Á, với nhu cầu gạo ngày càng tăng, năng suất đình trệ và khả năng mở rộng đất trồng hạn chế. Mối lo về tình trạng thiếu gạo đã quay trở lại”.

Nghiên cứu được công bố vào thời điểm mà những lo lắng về an ninh lương thực đang gia tăng trên khắp thế giới khi cuộc chiến Nga – Ukraine khiến hai vựa lúa mì chính của thế giới đình đốn sản xuất, tiếp tục đẩy giá lương thực vốn đã tăng cao ngày càng cao. Tuy nhiên, giá gạo vẫn tương đối thấp do sản lượng dồi dào và lượng dự trữ ở các vùng trồng trọt hàng đầu, giúp cuộc khủng hoảng lương thực không trở nên tồi tệ hơn.

Theo Bloomberg, triển vọng về khả năng tự cung tự cấp gạo khác nhau ở từng quốc gia. Các nhà nghiên cứu cho biết Thái Lan và Việt Nam sản xuất nhiều hơn mức tiêu thụ trong nước và dư gạo để xuất khẩu, trong khi Indonesia và Philippines “liên tục chật vật” để tự đáp ứng nhu cầu nội địa và buộc phải dựa vào nhập khẩu.

Các nhà nghiên cứu nói thêm rằng điều đặc biệt quan trọng đối với các khu vực như châu Phi cận Sahara và Trung Đông là Đông Nam Á tiếp tục sản xuất lượng gạo thặng dư lớn vì ASEAN có thể giúp giảm biến động giá toàn cầu và cung cấp nguồn cung gạo ổn định và giá cả phải chăng.

Ricky Hồ / BSA 

Xoài và sầu riêng xuất khẩu Thái Lan “dội chợ” do thiếu các chuyến bay chở hàng