Việt Nam thiệt hại 480 triệu USD mỗi năm nếu nghề cá lãnh thẻ đỏ của EU

422
Ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Ảnh: VOV
Tiêu điểm

Việt Nam thiệt hại 480 triệu USD mỗi năm nếu nghề cá lãnh thẻ đỏ của EU

Ngành thủy hải sản của Việt Nam sẽ chịu tổn thất to lớn nếu mất thị trường châu Âu – báo cáo của các nhà nghiên cứu Việt Nam và Đan Mạch công bố ngày 10/8 nêu rõ.
Hằng năm, xuất khẩu hải sản của Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD, đứng thứ năm trong nhóm ngành xuất khẩu với tỷ lệ 4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nghề cá nhỏ lẻ và manh mún đã khiến Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) phạt thẻ vàng vào tháng 10/2017 do thiếu các nỗ lực chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Trong hai năm 2017-2019, kim ngạch xuất thủy hải sản sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Việc giảm quy mô thị trường vẫn tiếp tục từ năm 2020 do những tác động khác từ ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Để đánh giá nguy cơ sắp tới, VASEP phối hợp với các chuyên gia Đại học Nha Trang và Trường Kinh doanh Copenhagen của Đan Mạch thực hiện báo cáo “Đánh giá tác động kinh tế từ phân tích thương mại của việc không tuân thủ quy định chống khai thác IUU: Trường hợp Việt Nam”. Báo cáo có sự giám sát của Ngân hàng Thế giới (WB) và được tài trợ bởi hai quỹ tín thác do WB quản lý, gồm Chương trình Toàn cầu về thủy sản (PROFISH) và Chương trình Vì nền kinh tế Xanh (PROBLUE).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các sản phẩm thủy sản khai thác chịu tác động trực tiếp từ các quy định IUU và cảnh báo thẻ vàng IUU. Trong khi đó, thủy sản nuôi trồng bị ảnh hưởng gián tiếp. Trong trường hợp bị EC phạt thẻ đỏ, tác động trước mắt và trực tiếp nhất đối với thủy sản Việt Nam sẽ là lệnh cấm thương mại của EC nếu Việt Nam không đáp ứng các quy định về chống khai thác thủy sản IUU.
Lệnh cấm hay thẻ đỏ của châu Âu sẽ khiến ngành thủy sản Việt Nam tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.
Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA). Thiệt hại gián tiếp khoảng 93 triệu USD.
Về trung hạn, nếu lệnh cấm kéo dài trong 2-3 năm có thể gây gián đoạn xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó khai thác thủy sản sẽ bị thu hẹp ít nhất 30% về quy mô sản lượng.
Báo cáo cũng đánh giá về những thách thức mới đối với ngành thủy sản do đại dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, nếu Việt Nam sớm gỡ được thẻ vàng IUU, tận dụng được các ưu đãi thuế quan và thay đổi thể chế từ EVFTA thì cơ hội phục hồi và hướng tới mục tiêu tăng xuất thủy sản sang thị trường EU tới 1,2-1,4 tỷ USD trong những năm tới là hoàn toàn khả thi.
Các giải pháp hợp lý để xóa thẻ vàng và phát triển nghề cá bền vững sẽ giúp ngành thủy hải sản có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu 7-9% mỗi năm và đạt kim ngạch 16-18 tỷ USD vào năm 2030.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,25 – 56,95 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 50.000 ngàn đồng/lượng so với hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng.  Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.733 USD/ounce, giảm tới 30,1 USD, tương đương 1,71% so với chốt phiên trước. Việc giá vàng giảm rất sâu là sự kết hợp của việc nhà đầu tư châu Á bán ra sau khi Fed tính siết chặt chính sách tiền tệ, giá hàng hóa giảm sâu khi những lo lắng dâng cao khắp châu Á liên quan đến việc Trung Quốc siết chặt chính sách nhằm ngăn biến chủng delta lây lan mạnh.
2/ Infographic: Tổng vốn FDI vào Việt Nam 7 tháng đầu năm 2021 đạt 16,7 tỷ USD
3/ Taiwan Mobile Co., Ltd. cho biết họ đã đầu tư 20 triệu USD vào Tiki Corp, khi công ty thương mại điện tử này đang nỗ lực tìm chỗ đứng tại các thị trường Đông Nam Á. Được biết, đây là khoản đầu tư đầu tiên của Taiwan Mobile vào Việt Nam và sẽ giúp công ty viễn thông lớn thứ hai ở Đài Loan cùng công ty con gián tiếp của mình là Momo.com Inc (gọi tắt là Momo- PV) gia tăng sự hiện diện trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam. Taiwan Mobile coi thị trường Đông Nam Á là một trong những mục tiêu phát triển 5G của mình và sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác chiến lược mới trong khu vực, bao gồm thương mại điện tử, hậu cần, băng thông rộng và các ứng dụng liên quan đến 5G. Công ty này đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ và viễn thông lớn trong khu vực.
4/ Tập đoàn Vingroup đã thành lập hai công ty con là Công ty cổ phần (CTCP) Giải pháp năng lượng VinES và CTCP Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo VinAI. Theo đó, đây có thể là bước đi để hiện thực hóa thông điệp đẩy mạnh hợp tác, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trên mọi lĩnh vực là định hướng xuyên suốt của Vingroup. Được biết, Công ty VinES được thành lập tập trung vào sản xuất pin và ăcquy. Bước đi này góp phần thúc đẩy sự phát triển của hãng xe VinFast (doanh số bán hàng của VinFast đạt gần 16.000 xe trong nửa đầu năm nay). Còn VinAI, mảng cốt lõi sẽ là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ. Kết thúc quý 2/2021, tổng tài sản Vingroup hiện đạt hơn 417.880 tỷ đồng.
5/ Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong các tháng đầu năm 2021, nhập khẩu cao su từ Việt Nam của hầu hết các thị trường lớn trên thế giới đều tăng so với cùng kỳ năm 2020; trong đó tăng mạnh nhất là khối thị trường Liên minh châu Âu (EU), Malaysia, Ấn Độ. Tuy nhiên, ngoài Trung Quốc thì thị phần cao su của Việt Nam tại các thị trường này vẫn ở mức thấp. Triển vọng xuất khẩu cao su Việt Nam trong thời gian tới sang các quốc gia EU được dự báo vẫn khả quan khi nhu cầu dự báo tiếp tục tăng, trong khi nguồn cung chưa thể sớm hồi phục. Thị phần cao su Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,8% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của EU. Theo đánh giá, nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển. Việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường.
6/ Theo dữ liệu từ Coinmarketcap ngày 10/8, giá đồng Bitcoin đã đạt mức 46.365 USD, tăng hơn 6% so với 24h trước và là mức cao nhất trong gần 3 tháng qua trong bối các nhà lập pháp Mỹ tìm được tiếng nói chung việc đánh thuế tiền ảo. Theo đó, Bitcoin tiếp tục đà tăng trong bối cảnh lưỡng đảng tại Thượng viện Mỹ đã tìm được tiếng nói chung trong điều khoản liên quan tới tiền ảo trong dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Được biết, sau khi điều chỉnh hơn 50% và hình thành cơ sở hỗ trợ vững chắc, đồng Bitcoin đang trên đà tăng, khiến nhiều nhà đầu tư kỳ vọng tiền ảo này sẽ bứt phát ngoạn mục trở lại, với mốc 50.000 USD là ngưỡng quan trọng tiếp theo.
7/ Thế vận hội 2020 bế mạc, đồng thời khép lại lời hứa “vinh quang và giàu có” không thành cho Tokyo. Tuy nhiên, thực tại đã khác xa so với hình dung của chính quyền khi họ giành quyền đăng cai vào năm 2013. Covid-19 đã buộc ban tổ chức đặt sự kiện trong một phạm vi khép kín, tách biệt với hoạt động kinh tế và tương tác trực tiếp với khán giả bên ngoài. Tokyo trở thành một địa điểm tổ chức đơn thuần, đòi hỏi phải tốn kém nhiều nhưng nhận lại được ít. Chỉ riêng việc vắng mặt khán giả có thể đã làm giảm lợi ích kinh tế 1,3 tỷ USD. Theo một báo cáo của chính phủ, thời gian trì hoãn một năm đã khiến chi phí tăng cao hơn 20%. Nhưng những con số đó có lẽ vẫn không thể hiện đúng chi phí thực sự. Một cuộc kiểm toán của chính phủ được tiến hành trước đại dịch đã đưa ra tổng chi phí thực là 27 tỷ USD. Được biết, nhiều khoản đầu tư cho Thế vận hội đã chuyển từ lời sang lỗ. Tokyo 2020 thu về kỷ lục hơn 3,6 tỷ USD tiền tài trợ của doanh nghiệp trong nước. Nhưng nhiều đối tác sau đó đã quyết định tránh xa sự kiện.
8/ Hỗ trợ và ‘săn trộm’ nhân công đang trở nên phổ biến trong lĩnh vực nông nghiệp khi các trang trại tuyệt vọng tìm kiếm lao động nhập cư cho mùa cao điểm. Theo đó, chính phủ Úc hiện đang cung cấp hỗ trợ tái định cư lên tới  2.000 USD cho người New Zealand và những người có thị thực lao động hợp lệ làm việc tại các trang trại. Ở Victoria, khoản hỗ trợ lên tới 2.430 USD cho tám tuần làm việc. Chủ tịch Hiệp hội nông dân liên bang Southland (New Zealand) cho biết những ưu đãi này cùng với con đường đoàn tụ gia đình nhanh hơn đã khiến những người nông dân nhập cư rời New Zealand tới Úc hoặc Canada. Cuộc khảo sát niềm tin mới nhất của nông trại New Zealand cho thấy gần một nửa trong số 1.422 nông dân được khảo sát vào tháng 7 gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân công có kỹ năng, tăng 13 % so với 35 % trong tháng 1.
Chủ tịch Hiệp hội nông dân liên bang Southland (New Zealand), Jason Herrick, cho biết nạn “săn trộm” lao động diễn ra trong toàn ngành nông nghiệp. Ảnh: Stuff.
9/ Samsung đã chứng kiến sự sụt giảm thị phần tại thị trường điện thoại thông minh Trung Đông và châu Phi (MEA) trong quý 2/2021. Theo đó, “gã khổng lồ” công nghệ Hàn Quốc này vẫn là nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu của khu vực MEA trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, với 16% thị phần, song con số này đã giảm từ mức tương ứng 20% thị phần của cùng kỳ năm 2020. Xếp sau Samsung về thị phần smartphone tại khu vực MEA là các thương hiệu điện thoại của Trung Quốc, vốn đã tăng thị phần đáng kể tại thị trường này. Tecno Mobile, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc thuộc tập đoàn Transsion Holdings, đứng thứ hai về thị phần với 13% trong quý 2/2021, tăng từ 7% của cùng kỳ năm trước, tiếp theo là Xiaomi với thị phần tăng từ 3% lên 11%.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
“TMĐT không phải là xu hướng mà là bắt buộc với doanh nghiệp”