Việt Nam xếp áp chót trong bảng chỉ số hồi phục của Nikkei

1692
Một nhân viên của FPT Software tại TP.HCM được tiêm vaccine AstraZeneca vào cuối tháng 6/2021. Ảnh: Getty Images
Tiêu điểm

Việt Nam xếp áp chót trong bảng chỉ số hồi phục của Nikkei

Với số điểm 29/100, Việt Nam xếp hạng 114 trong tổng số 121 nước và lãnh thổ được hãng Nikkei khảo sát và chấm điểm theo chỉ số hồi phục Nikkei Recovery Index, tụt 14 hạng so với khảo sát trước đó.
Chỉ số hồi phục Nikkei Recovery Index được tính điểm theo các lĩnh vực: quản lý lây nhiễm, tỉ lệ tiêm chủng và sự tự do đi lại của người dân. Điểm số càng cao đồng nghĩa với khả năng hồi phục càng nhanh khi số ca được xác định dương tính được duy trì ở mức thấp, tỷ lệ tiêm chủng vaccine cao hơn và các biện pháp giãn cách xã hội ít nghiêm ngặt hơn.
Các số liệu được Nikkei sử dụng được cung cấp bởi các trang Our World in Data, các dữ liệu về di chuyển của người dân của Google, các thông số theo dõi về ứng phó của chính quyền với Covid-19 của Đại học Oxford, hãng dữ liệu hàng không Cirium và hãng dữ liệu không gian Orbitual Insight.
Việt Nam đứng gần chót bảng trong đợt khảo sát công bố tuần đầu tháng 7/2021 bởi những diễn biến của đợt dịch bùng phát từ đầu tháng 5 vừa rồi.
Cùng đồng hạng 114 với Việt Nam là bốn nước khác ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ, gồm: Bangladesh, Malaysia, Venezuela và Zambia. Các nước xếp sau Việt Nam là Zambia (26,5 điểm, hạng 118), Thái Lan (26 điểm, hạng 119), Namibia và Nam Phi (bằng 25, đồng hạng 120).
Trung Quốc xếp đầu bảng trong đợt khảo sát lần này với 77,5 điểm. Malta xếp hạng hai với 73 điểm, tiếp theo là Ba Lan với 69 điểm và Áo với 68,5 điểm. Với 67 điểm, Singapore xếp hạng 5 – đồng hạng với Hungary, Ý và Qatar.
New Zealand đứng thứ 9 với 66,5 điểm và tiếp theo là Israel đạt hạng 10 với 66 điểm.
Đài Loan đạt sự cải thiện tốt nhất khi từ hạng thứ 83, vươn lên hạng 66.
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore đạt thứ hạng cao nhất, nhảy từ hạng 12 lên hạng 5. Lào có bước trượt dài nhất từ 28 hạng xuống thứ 94 khi đạt 38 điểm. Philippines xếp hạng 101 (34 điểm), tiếp theo là Campuchia ở hạng 105 (32 điểm) và Indonesia xếp thứ 110 (31 điểm). Brunei và Myanmar không được khảo sát.
Nhật Bản – được xem là “nước chủ nhà” – đã xếp hạng 48 với 54 điểm.
Việt Nam xếp gần áp chót trong 121 quốc gia và lãnh thổ được khảo sát. Ảnh: Nikkei
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 56,7 – 57,45 triệu đồng/lượng, giảm tiếp 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá cuối tuần trước. Chênh lệch giá hai đầu được mở rộng lên 750.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.804,4 USD/ounce, giảm 3,5 USD tương đương 0,19% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giai đoạn tích lũy của kim loại quý sau đợt bán tháo mạnh vào tháng 6 có thể sắp kết thúc.
2/ Vietnam Airlines sẽ mở lại các đường bay quốc tế giữa Việt Nam và một số điểm đến tại châu Á, châu Âu và Australia từ tháng 7/2021 đến tháng 10.2021 nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu của hành khách, đặc biệt là người lao động, du học sinh mong muốn tiếp tục làm việc, học tập tại nước ngoài và các chuyên gia đến làm việc tại Việt Nam. Trước đó, thực hiện kế hoạch từng bước mở lại mạng bay quốc tế trên cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh, từ tháng 4 đến tháng 6/2021, Vietnam Airlines đã khai thác một số đường bay một chiều từ Việt Nam đi Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) và Sydney (Australia). Đến nay, trong bối cảnh nhiều quốc gia đã thực hiện tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên diện rộng và đang từng bước thử nghiệm các chính sách mở cửa, Vietnam Airlines tiếp tục mở rộng mạng bay quốc tế và sẵn sàng khai thác hai chiều các đường bay.
3/ Theo Sở Công Thương tỉnh Long An, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 4 cụm công nghiệp dự kiến được đưa vào hoạt động, gồm: Cụm công nghiệp Vinh Khang, Tân Mỹ, Tú Phương và Hiệp Hòa. Các cụm công nghiệp trên sau khi hoàn thành sẽ bổ sung thêm gần 200 ha vào quỹ đất sạch thu hút đầu tư của tỉnh Long An. Hiện tại, có 22 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt 77,67%, thu hút 622 dự án đầu tư thứ cấp với diện tích đã cho thuê gần 760 ha. Được biết, theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp đến năm 2020 đã được phê duyệt, trên địa bàn tỉnh Long An có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.100 ha và cụm công nghiệp Hải Sơn Đức Hòa Đông (diện tích hơn 261 ha) đang thực hiện thủ tục chuyển thành khu công nghiệp.
4/ Với khối tài sản ước tính 2,4 tỷ USD, CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách tỷ phú USD của Forbes. Theo thống kê của Forbes, tính đến ngày 9.7, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet sở hữu khối tài sản ước tính 2,4 tỷ USD, và là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam có tên trong danh sách tỷ phú USD của tạp chí danh tiếng này. Forbes cho hay, bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện xếp thứ 1111 trong bảng danh sách tỷ phú USD trên thế giới. Năm 2017 đánh dấu tên tuổi của bà Thảo khi nữ doanh nhân này chính thức trở thành tỷ phú USD, chỉ 6 năm sau khi bà cho ra mắt hãng hàng không VietJet Air.
5/ Hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức đưa các chi nhánh tại Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan vào hoạt động, nhằm chuẩn bị cho việc ra mắt thị trường. Theo thông tin của Vinfast, hãng này đặt mục tiêu lớn tiến vào thị trường Mỹ, châu Âu với dòng xe điện mô hình cho thuê pin sẽ đủ sức thu hút người tiêu dùng trước các nhà sản xuất nội địa lớn như Tesla và General Motors (GM). Doanh nghiệp này đã đặt mục tiêu đạt doanh số bán xe điện hằng năm từ 160.000 đến 180.000 xe tại Mỹ, tương đương 1% tổng sản lượng xe bán ra tại Mỹ. Theo kế hoạch, VinFast sẽ chính thức mở bán hai mẫu xe điện thông minh VF e35 và VF e36 trên toàn cầu vào tháng 3/2022.
6/ Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 307,42 ngàn tấn, trị giá 602,45 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và tăng 45% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Nga, Mỹ, Ấn Độ, Hà Lan và Ba Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt cho Việt Nam. Trong đó, Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 27,41 ngàn tấn, trị giá 74,96 triệu USD, tăng tới 608,6% về lượng và tăng 544,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.751 USD/tấn, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2020.
7/ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) vừa cho biết, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đã có thông báo chính thức về việc Chính phủ Indonesia quyết định dừng không áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm (tên gọi thông thường là tôn lạnh) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Theo đó, với quyết định này, mặt hàng tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào Indonesia sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá mà theo cáo buộc có thể lên đến 49,2%. Theo số liệu do cơ quan điều tra Indonesia thu thập, trong giai đoạn điều tra, tổng lượng nhập khẩu mặt hàng tôn lạnh của Indonesia từ Việt Nam vào khoảng 365 ngàn tấn, tương đương với kim ngạch khoảng 290 triệu USD/năm.
Cục Phòng vệ thương mại lưu ý, các mặt hàng thép vẫn là nhóm mặt hàng có tính chất nhạy cảm, dễ bị các nước tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Ảnh: Baophapluat
8/ Bitcoin hiện đang được giao dịch ở mức khoảng 33.500USD, tức giảm khoảng 50% so với mức kỷ lục trên 60.000USD cách đây 3 tháng. Việc giá bitcoin giảm quá sâu có nguyên nhân từ nhiều yếu tố trong đó phải kể đến việc giới chức Trung Quốc, Anh đưa ra các động thái cứng rắn hơn; nhiều nước quản lý sát sao hơn các tiêu chuẩn môi trường của hoạt động đào bitcoin cũng như nhiều nỗi lo về khả năng loại tài sản này thực ra chẳng có giá trị nội tại nào. Được biết, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang trong quá trình suy giảm, với việc giá bitcoin có thể giảm tối đa xuống ngưỡng khoảng 10.000USD/bitcoin.
9/ Theo Ngân hàng đầu tư Thụy Sỹ UBS Group AG cho biết, Thụy Sỹ phụ thuộc vào Liên minh châu Âu (EU) cả về nguồn lao động ổn định và nguồn cung cấp điện, nên việc ngừng đàm phán về một thỏa thuận mới giữa hai bên sẽ tạo ra rủi ro cho Thụy Sỹ. Việc Thụy Sỹ quyết định từ bỏ năng lượng hạt nhân và giảm dần sử dụng nhiên liệu hóa thạch cũng có thể khiến việc nước này gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ điện để đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, sự phụ thuộc của quốc gia này đối với nguồn cung lao động và năng lượng chính từ EU có thể sẽ tăng lên trong tương lai. Thông tin từ UBS cho thấy lượng người lao động từ EU và Anh chiếm gần 60% lao động ở Thụy Sỹ kể từ năm 2010. Bế tắc chủ yếu nằm ở việc EU không đồng ý loại bỏ một số yêu cầu về trợ cấp nhà nước, bảo hiểm, và tự do đi lại trong nội dung hiệp định.
10/ Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết các đơn đặt hàng mới của các hãng đóng tàu Hàn Quốc trong nửa đầu năm nay đạt mức kỷ lục trong 13 năm qua, giữa bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy trao đổi thương mại toàn cầu phục hồi vừa phải từ sau đại dịch Covid-19. Theo đó, lượng đơn đặt hàng đóng tàu mới trong sáu tháng đầu năm nay đã tăng tới 724% so với cùng kỳ năm ngoái, và là lượng đơn đặt hàng lớn nhất kể từ năm 2008 khi ngành công nghiệp đóng tàu bùng nổ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng đơn mới của các hãng đóng tàu Hàn Quốc chiếm tới 44% tổng lượng đơn đặt hàng đóng tàu toàn cầu. Trong giai đoạn tháng 1-6/2021, các hãng đóng tàu Hàn Quốc đã giành được 16 đơn đóng tàu chở LNG và nhận được 81 đơn hàng tàu chở container cỡ lớn.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Nhật ký “Vòng tay Việt” ngày 12/7/2021