Việt Nam xuất siêu kỷ lục gần 20 tỉ đô la trong 10 tháng

Dù bị ảnh hưởng Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận xuất siêu gần 20 tỉ USD
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 10 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư thêm 2,94 tỉ đô la Mỹ, nâng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước trong 10 tháng qua đạt mức thặng dư gần 19,5 tỉ đô la.
Kết quả này cũng ghi nhận đây là mức xuất siêu cao nhất tính trong thời gian 10 tháng và tính cả thời gian 1 năm của đất nước cho đến hiện nay. Mặc dù vậy, kết quả thặng dư trên cũng chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu trong 10 tháng qua.
Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 440,09 tỉ đô la, tăng 2,7% với cùng kỳ năm trước.
Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt gần 230 tỉ đô la, tăng 5%, tương ứng tăng 10,85 tỉ đô la; và nhập khẩu đạt gần 210,3 tỉ đô la, tăng nhẹ 0,3%, tương ứng tăng 661 triệu đô la so với cùng kỳ năm trước.
Mức tăng tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 10 tháng giai đoạn 2012-2020
Cơ quan hải quan ghi nhận, trong 10 tháng vừa qua, trao đổi thương mại hàng hóa của Việt Nam với thị trường châu Mỹ đạt 91,24 tỉ đô la, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái, liên tục là châu lục đạt mức tăng trưởng cao nhất.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam với châu Á tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất (64,2%) trong tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước, nhưng chỉ tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 282,49 tỉ đô la. Trong đó trị giá xuất khẩu là 113,31 tỉ đô la, tăng nhẹ 1% và trị giá nhập khẩu là 169,18 tỉ đô la, tăng 0,6%.
Trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với các châu lục khác lần lượt là: châu Âu với 52,69 tỉ đô la, giảm 3,9%; châu Đại Dương: 8 tỉ đô la, tăng nhẹ 0,1% và châu Phi: 5,67 tỉ đô la, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhóm mặt hàng đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng cao gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,33 tỉ đô la (tương ứng tăng 25,2%); máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 6,39 tỉ đô la (tương ứng tăng 43,3%); gỗ và sản phẩm gỗ tăng 1,21 tỉ đô la (tương ứng tăng 14,1%); sắt thép các loại tăng 709 triệu đô la (tương ứng tăng 20,4%); đá quý, kim loại quý tăng 30,2%…
Ở chiều ngược lại, Việt Nam tăng nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 8,61 tỉ đô la (tương ứng tăng 20,2%); sản phẩm từ chất dẻo tăng 513 triệu đô la (tương ứng tăng 9,6%); điện thoại các loại và linh kiện tăng 436 triệu đô la (tương ứng tăng 3,6%) …
Khu vực doanh nghiệp FDI xuất siêu gần 29 tỉ đô la
Tổng cục Hải quan ghi nhận tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng năm 2020 đạt 295,86 tỉ đô la, tăng 7,4%, tương ứng tăng 20,49 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa đạt 162,39 tỉ đô la, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10-2020 đạt 15,81 tỉ đô la, giảm 0,8% so với tháng trước, đưa trị giá nhập khẩu của khối này trong 10 tháng-2020 đạt 133,47 tỉ đô la, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2019.Tính toán của Tổng cục Hải quan cho thấy cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp này có mức thặng dư trị giá 28,92 tỉ đô la. Như vậy, khu vực doanh nghiệp trong nước trong cùng thời gian này là nhập siêu khoảng 9 tỉ đô la.
Theo TBKTSG Online
Mời doanh nghiệp cùng Go-Online khóa 3