Vĩnh Hoàn đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ thực phẩm châu Á

377
Các món ăn được chế biến từ thịt tôm hùm trong phòng thí nghiệm mà Shiok Meats giới thiệu với thực khách trong tiệc thử món ở Singapore cuối năm 2020. Ảnh: Shiok Meats
Tiêu điểm:

Vĩnh Hoàn đầu tư mạo hiểm vào các startup công nghệ thực phẩm châu Á

Vĩnh Hoàn đã cùng với gã khổng lồ Woowa Brothers (tập đoàn mẹ của ứng dụng giao đồ ăn Baemin) và tập đoàn CJ Cheil-Jedang của Hàn Quốc tham gia vòng gọi vốn mới trị giá gần 18 triệu USD cho startup Shiok Meats của Singapore. Đây không phải là lần đầu tiên Vĩnh Hoàn mở hướng đầu tư vào công nghệ thực phẩm ở nước ngoài. Hồi tháng 1/2021, Vĩnh Hoàn đã công bố khoản đầu tư chiến lược vào startup Avant Meats ở Hong Kong.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, đã chính thức xác nhận tin này với BSA Online / Thế Giới Hội Nhập. “Nữ hoàng cá tra” cũng không tiết lộ về các chi tiết liên quan đến thương vụ này. Trong khi đó, các tờ báo chuyên ngành thủy hải sản như Green Queen và The Fish Site đã gọi thương vụ này được “dẫn dắt” bởi công ty thủy hải sản hàng đầu tại Việt Nam.
Shiok Meats là công ty công nghệ thực phẩm non trẻ của Singapore tiên phong trong lãnh vực nghiên cứu và chế tạo thịt tôm, thịt cua nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Thông cáo của Shiok phát đi tuần rồi nhân vòng gọi vốn series B đã nói rằng nguồn vốn mới sẽ dùng vào các công trình nghiên cứu và phát triển (R&D) đang diễn ra của công ty và xây dựng cơ sở sản xuất thịt tôm, tôm hùm có thể đưa ra thị trường vào năm 2022.
Trước đó, tháng 11/2020 Shiok Meats đã thành công trong vòng gọi vốn series A trị giá 12,6 triệu USD. Với dòng vốn mới, Shiok Meats được đầu tư tổng cộng 30 triệu USD và được xem là startup có giá trị lớn nhất lĩnh vực nghiên cứu và phát triển các loại thịt nhân tạo từ tế bào trong phòng thí nghiệm. Shiok Meats dự định sẽ sớm hạ giá thành 1 ký tôm dạng thịt bằm được chế tạo trong phòng thí nghiệm: từ 1.500 USD hiện nay xuống còn 50 USD trong năm tới.
Giá trị vốn góp của Vĩnh Hoàn trong gói series B đã không được Shiok lẫn Vĩnh Hoàn tiết lộ. Tuy nhiên, các trang tin công nghệ đã đưa xếp vị trí của Vĩnh Hoàn lên trước hai tập đoàn lớn Woowa Brothers và CJ của Hàn Quốc. Các tập đoàn và công ty khác góp vốn còn có:  tập đoàn Irongrey của Hàn Quốc, quỹ Alexander Payne Living Trurst của Mỹ, hãng thực phẩm Toyo Seikan của Nhật Bản và các quỹ đầu tư mạo hiểm Big Idea Ventures (BIV), Boom Capital và Mindshift Capital. Nhà đầu tư cá nhân duy nhất là CEO Henry Soesanto của hãng Monde Nissin.
Trước đó, tháng 1/2021 Vĩnh Hoàn trở thành cổ đông của Avant Meats ở Hong Kong sau khi đồng ý thu mua công ty Vinh Technology ở Singapore. Nhưng Vinh Technology chiếm cổ phần nhỏ trong Avant Meats. Theo thỏa thuận, Vĩnh Hoàn sẽ thành lập quan hệ đối tác chiến lược với Avant để thúc đẩy quá trình thương mại hóa các sản phẩm đạm từ cá nuôi (không phải từ cá đánh bắt). Ngược lại, Avant sẽ có được bệ phóng khi sử dụng mạng lưới bán sản phẩm toàn cầu và công nghệ chế biến của Vĩnh Hoàn.
Trước đó, Avant đã gọi được 3,1 triệu USD trong vòng gọi vốn hạt giống để thúc đẩy R&D và đưa các sản phẩm đạm cá ra thị trường trong năm 2021 này.
“Vĩnh Hoàn là công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản và các loại đạm thay thế. Sự hiểu biết thấu đấu các yêu cầu khách hàng của Vĩnh Hoàn sẽ là kim chỉ nam đúng đắn và giá trị cho quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm của chúng tôi, nhà đồng sáng lập và CEO Carrie Chan của Avant Meats phát biểu.
Theo thỏa thuận, Vĩnh Hoàn sẽ tận dụng thế mạnh của Vinh Technology trong tiếp cận các cơ hội chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, thực phẩm và sinh học có liên quan đến hải sản và đạm thay thế. Vinh Technology sẽ tham gia vào các phân nhánh Vinh Aquaculture (nuôi trồng thủy hải sản), Vinh Foods (thực phẩm) và Vinh Wellness (chăm sóc sức khỏe).
Như vậy, với hai thương vụ đầu tư vào startup ở Singapore và Hong Kong, Vĩnh Hoàn đang đánh đi tín hiệu mới về đầu tư mạo hiểm ra nước ngoài và bước vào lãnh địa công nghệ mới không là thế mạnh của các công ty Việt Nam.
Bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, trong buổi giới thiệu BASAmaster với các món ngon chế biến từ cá basa. Ảnh: Lục Tùng
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng hiện đang ở mức 56,8 – 57,45 triệu đồng/lượng, không đổi so với giá khảo sát cuối tuần rồi. Chênh lệch giá hai đầu vẫn là 650.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.806,4 USD/ounce, tăng 4,2 USD, tương đương 0,23% so với chốt phiên trước. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng giá kim loại quý có thể tiếp tục giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế Mỹ hồi phục, đồng USD mạnh lên và sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao kỷ lục.
2/ Cục Xuất Nhập khẩu cho biết, trong nửa đầu năm 2021, xuất khẩu chè (trà) đạt 58,1 ngàn tấn, trị giá 94,9 triệu USD, tăng 0,3% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Pakistan, Đài Loan và Nga là những thị trường xuất khẩu chủ yếu trong nửa đầu năm 2021, chiếm 55,4% tổng lượng chè xuất khẩu. Trong đó, lượng và trị giá xuất khẩu tới Pakistan và Đài Loan tăng trưởng khá, xuất khẩu sang Nga lại giảm. Đáng chú ý, chè xuất khẩu tới thị trường Trung Quốc, Iraq và đặc biệt là Ấn Độ tăng rất mạnh trong nửa đầu năm 2021. Mặc dù nằm trong top đầu về xuất khẩu chè, nhưng thị trường Nga đang có dấu hiệu giảm so với các năm trước là do chủng loại chè xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Nga là chè sơ chế ở dạng thô, có chất lượng không cao, giá thấp nên mặc dù khối lượng xuất khẩu khá lớn nhưng trị giá vẫn ở mức thấp.
Giá chè xuất khẩu bình quân trong nửa đầu năm 2021 đạt 1.632,9 USD/tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ảnh: Baodansinh
3/ Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hầu hết các nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn uống ở tỉnh Quảng Ngãi đều tạm đóng cửa kinh doanh. Nhu cầu và giá các mặt hàng hải sản giảm theo. Tại cảng cá Tịnh Hòa (TP. Quảng Ngãi), rất nhiều tàu cá đánh bắt xa bờ của ngư dân vừa cập cảng để bán hải sản cho thương lái. Tuy nhiên, giá thu mua hải sản giảm khiến ngư dân không khỏi lo lắng. Theo đó, việc không thể tiêu thụ tỉnh ngoài, trong khi nhu cầu tại chỗ cũng tụt giảm khiến nhiều tàu cá bị thua lỗ, phải nằm bờ. Các cảng cá đìu hiu, vắng vẻ chưa từng thấy. Được biết, giá hải sản giảm không chỉ ảnh hưởng đến các tàu cá hoạt động đánh bắt gần và xa bờ mà còn ảnh hưởng đến các cơ sở thu mua, chế biến thủy hải sản.
4/ Giá cà phê tuần vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm, sau khi sương giá gây thiệt hại nặng nề ở Brazil, nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến hết ngày 15.7, xuất khẩu cà phê cả nước đạt 900.235 tấn, trị giá 1,654 tỷ USD, giảm 8,63% về lượng và giảm 0,84% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Trung Quốc. Tháng 6.2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.942 USD/tấn. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 5.2018, tăng 3,9% so với tháng 5/2021 và tăng 13,9% so với tháng 6.2020. Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt 1.835 USD/tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Cục Xuất nhập khẩu, thị trường cà phê trong nước về cơ bản sẽ được hưởng lợi nhờ vào sự sụt giảm nguồn cung trên toàn cầu.
5/ Là nước phải nhập 3/4 linh kiện lắp ráp xe hơi nhưng Việt Nam cũng xuất đi hàng tỷ USD linh kiện xe hơi mỗi năm, đích đến là các cường quốc xe hơi hàng đầu thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/7, xuất khẩu linh kiện phương tiện của Việt Nam ra nước ngoài đạt hơn 5,9 tỷ USD, trong đó linh kiện xe hơi chiếm 3,7 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu linh kiện xe hơi đạt của Việt Nam đạt hơn 2,8 tỷ USD. Điều đáng nói, Việt Nam là đối tác xuất khẩu linh kiện với nhiều cường quốc sản xuất xe hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan và Đức. Theo Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, phần lớn linh kiện xe hơi xuất khẩu của Việt Nam là hợp đồng gia công giữa các doanh nghiệp toàn cầu với các công ty liên doanh, công ty 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam.
6/ Đồng tiền mã hóa của tựa game Axie Infinity do một studio ở Việt Nam phát triển đạt mức vốn hóa 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, token này cũng chứa đựng rủi ro cho nhà đầu tư lúc này. Theo số liệu của Coinmarketcap sáng 26/7, giá trị của mỗi đồng Axie Infinity đang ở mức 41,51 USD và khối lượng giao dịch trong 24 giờ gần nhất là 2,9 tỷ USD. Vốn hóa thị trường của Axie Infinity hiện tại là 2,5 tỷ USD với khoảng 61 triệu đồng AXS lưu hành. Axie Infinity là tựa game được xây dựng trên nền tảng blockchain và được vận hành một phần bởi người chơi. Hiện nay, giá Bitcoin bị ảnh hưởng do tin tức xấu, kéo theo nhiều đồng coin có vốn hóa lớn trên thị trường giảm mạnh. Xu hướng NFT trên thế giới cũng đang dần thoái trào. Do đó, số phận của trò chơi Axie Infinity và đồng AXS vẫn còn là dấu hỏi lớn.
7/ Vụ Quản lý  Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Philippines (DA-BPI) đã ban hành quyết định phê duyệt cho sự kiện cà tím biến đổi gen ‘EE-1’ để sử dụng làm thực phẩm trực tiếp, thức ăn chăn nuôi và trong chế biến. Quyết định này được cấp cho Đại học Los Baños, Philippines. Theo quyết định phê duyệt, cà tím biến đổi gen Bt (tên thường dùng tại địa phương là Bt talong) được chứng nhận là an toàn tương đương với các giống cà tím truyền thống. Được biết, cà tím biến đổi gen chứa gen Bt có vai trò giúp tăng tính chống chịu khỏi các loại sâu hại chính, như sâu đục thân và sâu đục quả, một trong các dịch hại phổ biến và nguy hại nhất trên cà tím. Với sự phê duyệt này, Philippines là quốc gia thứ 2 sau Bangladesh chứng nhận tính an toàn của cà tím biến đổi gen.
8/ Theo Coinmarketcap, giá Bitcoin đã tăng 11,2% trong 24 giờ qua lên hơn 38.100 USD. Đà tăng mạnh của Bitcoin do động thái của Amazon mới đây đăng tuyển một vị trí quản lý sản phẩm tiền kỹ thuật số. Điều này làm dấy lên suy đoán đại gia thương mại điện tử Mỹ có thể chấp nhận tiền số. Hiện tại, Bitcoin được giao dịch quanh mốc 38.100 USD, tăng hơn 11% trong 24 giờ qua và 20% so với 1 tuần trước. Bên cạnh đó, Bitcoin đi lên cũng nhờ những nhận xét tích cực của Elon Musk. Tuy nhiên, so với kỷ lục gần 65.000 USD hồi giữa tháng 4, giá Bitcoin vẫn kém khoảng 27.000 USD. Thị trường tiền số bị ảnh hưởng nặng nề bởi những chỉ trích về lượng điện năng tiêu thụ để khai thác, Trung Quốc siết chặt quản lý và sự giám sát ngày càng gay gắt hơn ở Mỹ, châu Âu.
9/ Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xuất khẩu mỳ ăn liền cuả Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt kỷ lục mới. Theo số liệu thống kê cuả Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, kim ngạch xuất khẩu mỳ ăn liền của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này trong 6 tháng đầu năm nay đạt 319,68 triệu USD, tăng 5,8% so với mức kỷ lục 302,08 triệu USD ghi nhận trong 6 tháng đầu năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng này thấp hơn mức tăng 37,4% của cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc – giảm 15,8%. Xuất khẩu mỳ ăn liền của Hàn Quốc đã đạt kỷ lục mới trong giai đoạn này được cho là do mỳ ăn liền Hàn Quốc đã trở nên phổ biến trên toàn cầu như một mặt hàng thực phẩm dự phòng trường hợp khấp cấp.
Mỳ ăn liền được bày bán ở một siêu thị ở Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Korean Heralds
10/ Theo Bloomberg, tốc độ tăng giá bất động sản tại Singapore đã chững lại trong quý 2 khi nước này áp dụng các biện pháp phong toả nhằm hạn chế Covid-19 lây lan. Theo đó, các lệnh hạn chế này đã ngăn cản doanh nghiệp tổ chức những đợt mở bán mới, khách hàng cũng bị hạn chế đi xem căn hộ. Giá nhà trong quý 2 chỉ tăng 0,8% so với quý trước, thấp hơn mức 3,3% của Quý I. Như vậy, sau 5 quý, đây là lần đầu tiên giá nhà tăng chậm lại. Trước đó, thị trường bất động sản của nước này đã rất sôi động khi giá nhà ở xã hội và căn hộ cao cấp liên tục leo thang. Nhưng kể từ tháng 5, doanh số bán nhà đã giảm xuống khi Chính phủ kéo dài biện pháp phong toả thêm một tháng nhằm ngăn chặn dịch bệnh.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Thịt heo thảo mộc Sagri có gì ngon?