Vua tôm Minh Phú: “Con tôm Việt Nam đang gặp áp lực cạnh tranh từ đối thủ”

637
Tiêu điểm:
Vua tôm Minh Phú: “Con tôm Việt Nam đang gặp áp lực cạnh tranh từ đối thủ”
Nếu không có cách tiếp cận mới và công nghệ không được cải tiến, thì chỉ trong 3-5 năm tới, ngành tôm Việt Nam sẽ bị các đối thủ đến từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia qua mặt – ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú nhận định.
Tại buổi khai mạc hội chợ triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2021 hôm 14/4 tại Cần Thơ, người được mệnh danh là “vua tôm” Việt Nam cho rằng giá thành nuôi tôm của Việt Nam hiện cao hơn đối thủ cạnh tranh đến từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia khoảng trên 30%. “Những năm vừa qua, công nghệ nuôi tôm của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, nhưng giá thành vẫn không cạnh tranh được so với những quốc gia này”, ông nói.
Ông cũng cho biết Minh Phú đã triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao rất thành công, tỷ lệ sống đạt trên 90%, thế nhưng, biên độ lợi nhuận rất hẹp do giá tôm nguyên liệu của Việt Nam cao hơn so với đối thủ.
Từ năm 2020 về trước, tuy giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn các nước trên 30%, nhưng vẫn cạnh tranh được trong xuất khẩu, tức vẫn có hiệu quả là nhờ vào công nghệ chế biến tôm của doanh nghiệp Việt Nam hiện đại hơn so với các nước. “Thế nhưng, lợi thế công nghệ đó sẽ dần mất đi vì Ecuador, Ấn Độ và Indonesia cũng đang đổi mới công nghệ và sản xuất được những mặt hàng giá trị gia tăng, hàng ăn liền như Việt Nam”, ông nói.
“Vua tôm” cũng nói rằng các nước trên sẽ có khả năng đuổi kịp Việt Nam trong 3-5 năm tới/
Lương nhân công của Ấn Độ hiện chỉ khoảng 1/3 của Việt Nam. “Vì vậy, với lợi thế của họ là giá thành nuôi tôm thấp, chi phí nhân công rẻ, trong khi công nghệ chế biến sắp đuổi kịp Việt Nam, cho nên, nếu chúng ta không có sự cải tiến, không có cách nhìn và tiếp cận mới, thì ngành tôm trong nước sẽ rất là khó khăn trong 3-5 năm tới”, ông Quang nhấn mạnh.
Ông Quang cũng nêu một điểm rất đáng để lưu ý, đó là vào những năm 1990, tôm thẻ chân trắng (là tôm giống ngoại được du nhập vào Việt Nam) chỉ đạt trọng lượng 70-100 con/kg, trong khi tôm sú – loài tôm bản địa của Việt Nam – là 15-20 con/kg. “Tuy nhiên, tôm thẻ chân trắng nhờ được gia hóa, chọn dòng rất tốt nên hiện nay có khả năng đạt trọng lượng 20-25 con/kg, trong khi tôm sú bây giờ là 20-30 con/kg”, ông cho biết và nêu lý do, trong một thời gian dài tôm sú không được gia hoá, chọn dòng dẫn đến thoái hoá giống.
Điều này, theo ông Quang, giá tôm sú xuất khẩu hiện cao hơn tôm thẻ chân trắng đến khoảng 4 đô la Mỹ/kg, do đó, người tiêu dùng đã chuyển sang ăn tôm thẻ chân trắng. “Trước kia, thị phần tôm sú chiếm 80-90%, nhưng hiện giờ thị phần chỉ còn 20%, trong khi tôm thẻ là 80%”, ông dẫn chứng và yêu cầu, cần phải thực hiện gia hoá, chọn dòng đối với tôm sú để tăng khả năng cạnh tranh của loại tôm bản địa này.
(Theo Tạp chí Kinh tế Sài Gòn Online)

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 54,97 – 55,37 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco hiện đang ở mức 1.745,3 USD/ounce, tăng 12,6 USD/ounce, tương đương 0,73% giá trị so với chốt phiên trước.
2/ Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản đã đã tăng mạnh từ 19,29% trong 2 tháng đầu năm 2020, lên 28,12% trong 2 tháng đầu năm 2021. Hai tháng đầu năm 2021, Nhật Bản giảm nhập khẩu hạt tiêu từ thị trường Malaysia và Indonesia, nhưng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka. Đây được coi là tín hiệu tốt đối với xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Hoa Kỳ gặp khó khăn khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Được biết, giá nhập khẩu bình quân hạt tiêu của Nhật Bản tăng từ hầu hết các thị trường cung cấp chính, nhưng giảm mạnh từ Ấn Độ.
Hai tháng đầu năm 2021, Nhật Bản đã tăng mạnh nhập khẩu tiêu từ Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka.
3/ Trung Quốc đang đẩy mạnh việc gom mua các mặt hàng cao su của Việt Nam. Điều này giúp xuất khẩu “vàng trắng” tăng trưởng thần tốc, thu về 721 triệu USD trong vòng 3 tháng đầu năm. Cùng với chăn nuôi, thủy sản, rau quả, gỗ và sản phẩm gỗ thì xuất khẩu cao su là nhóm ngành hàng có giá trị xuất khẩu tăng trưởng thần tốc nhất. Cụ thể, hết quý 1/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 435 nghìn tấn, thu về 721 triệu USD, tăng gần 90% về khối lượng và gấp 2,17 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm nay đạt 1.624 USD/tấn, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là ba thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2021, chiếm thị phần lần lượt là 71,4%, 4,5% và 2,6%.
4/ Thời điểm hiện tại là chính vụ thu hoạch tại nhiều vùng chuyên canh trồng ớt ở tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Thế nhưng, khắp các cánh đồng chỉ có lác đác vài người dân xuống ruộng để thu hái. Bởi, giá ớt xuống quá thấp, hái cả ngày cũng chỉ đủ tiền công. Hơn nữa, nhiều nơi còn không có thương lái đến thu mua. Theo đó, giá ớt liên tục xuống chỉ còn gần 25% so với đầu vụ nên nhiều nông dân chán nản không thèm thu hoạch. Vào các năm trước, thời điểm này thương lái đã tấp nập về đây nhập ớt của bà con tại ruộng với giá 6.000 đồng/kg, có khi lên đến 10.000 đồng/kg. Nhưng bây giờ, giá ớt xanh hạ xuống chỉ còn 4.000 đồng/kg mà người nông dân vẫn “mỏi mắt” chờ thương lái.
5/ VinFast đã công bố chọn công nghệ chip của Nvidia, công ty điện toán Trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới trên các mẫu xe điện thông minh tự hành cấp độ cao. Theo đó, VinFast sẽ sử dụng nền tảng công nghệ của các dòng chip Nvidia Drive Xavier trên các mẫu xe điện ra thị trường từ năm 2022 và dự kiến sẽ nâng cấp lên dòng chip Nvidia Drive Orin thế hệ mới và mạnh nhất cho các phiên bản xe cao cấp sau đó. Công nghệ chip của Nvidia sẽ mang lại cho xe điện VinFast hệ thống xử lý thông tin nhanh hơn, an toàn hơn và trải nghiệm vượt trội hơn cho người dùng. VinFast hiện là thương hiệu sản xuất xe hơi Việt Nam dẫn đầu các phân khúc có xe bán ra tại thị trường nội địa. VinFast đang phát triển và chuẩn bị đưa vào sản xuất các mẫu xe điện thông minh ở tất cả các phân khúc.
6/ Theo Bloomberg Economics, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhờ vào gói kích cầu quy mô lớn và nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng cao sẽ giúp nhiều nước xuất khẩu hàng hóa dịch vụ tại châu Á hưởng lợi, trong đó Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất. Việc tăng trưởng kinh tế Mỹ được nâng lên 7,7% trong năm 2021, cao hơn gấp đôi so với tỷ lệ 3,5% vào cuối năm 2020, có thể coi như thông tin rất tốt với các nước xuất khẩu hàng hóa tại châu Á. Tác động gián tiếp lên chuỗi cung ứng cũng sẽ không  hề nhỏ, nhiều doanh nghiệp châu Á sẽ tham gia gắn kết chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng tại Mỹ. Theo kịch bản này, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ được thêm 1%.
7/ Vụ sụp đổ của quỹ Archegos Capital Management LP, quỹ đầu tư mà rất ít người trên phố Wall từng nghe đến cho đến khi vỡ vào tháng trước, hiện đang thay đổi ngành ngân hàng toàn cầu vốn có lịch sử nhiều thập kỷ. Theo Bloomberg, hai tổ chức tài chính chịu thiệt hại nặng nề nhất bao gồm Nomura Holdings và Credit Suisse Group AG đã bắt đầu hạn chế tài chính dành cho các quỹ đầu cơ và quỹ gia đình. Được biết, Credit Suisse đã phải chịu tác động nặng nề nhất, họ thiệt hại đến 4,7 tỷ USD riêng trong quý 1/2021. Ủy ban Chứng khoán và Ngoại hối Mỹ (SEC) đã mở một cuộc điều tra ban đầu với Archegos và các thành viên thị trường đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của những quỹ đầu tư gia đình.
8/ Grab, startup có giá trị nhất Đông Nam Á, sẽ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua thương vụ sáp nhập lớn nhất từ ​​trước đến nay với một công ty mua lại có hình thức đặc biệt Altimeter Capital Management (SPAC). Thương vụ này sẽ biến công ty gọi xe và giao đồ ăn khổng lồ trở thành kỳ lân công nghệ Đông Nam Á đầu tiên ra mắt công chúng thông qua SPAC và cấp vốn cho Grab mở rộng. Grab đang cố gắng tận dụng sự bùng nổ niêm yết SPAC do Mỹ dẫn đầu mặc dù công ty cũng đang có dấu hiệu chậm lại trong bối cảnh các cơ quan quản lý tăng cường giám sát. Hơn thế nữa, Grab hiện cũng đang huy động được hơn 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm BlackRock, Fidelity International và T. Rowe Price Group như một phần của đợt chào bán cổ phần lớn nhất tại Mỹ của một công ty Đông Nam Á.
9/ Bộ trưởng Nông nghiệp của New Zealand cho biết nước này sẽ ngừng xuất khẩu gia súc sống bằng đường biển, sau một giai đoạn chuyển đổi kéo dài hai năm. Mục đích chính của quyết định này là nhằm nâng cao danh tiếng quốc gia về các tiêu chuẩn phúc lợi cao dành cho động vật, trong bối cảnh ngày càng có nhiều ý kiến phản đối liên quan tới quá trình vận chuyển gia súc xuất khẩu bằng đường biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe vật nuôi. Kể từ đầu năm 2020, các nhà xuất khẩu nước này chuyển tổng cộng 118.000 con gia súc ra nước ngoài. Toàn bộ số gia súc này đều được phía Trung Quốc đặt hàng. Không giống như Australia, New Zealand không xuất khẩu gia súc sống với mục đích để giết mổ mà chỉ để chăn nuôi.
10/ Một tòa án Ai Cập vừa ra phán quyết yêu cầu chủ tàu Nhật Bản Shoei Kisen Kaisha phải bồi thường 900 triệu USD cho sự cố tàu Ever Given mắc cạn ở kênh đào Suez tháng trước. Khoản bồi thường này đã bao gồm tiền bảo trì và chi phí của chiến dịch cứu hộ. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm và luật sư của con tàu không đồng ý với số tiền bồi thường vì cho rằng nó quá cao và thiếu giải thích chi tiết. UK Club, công ty bảo hiểm của Ever Given, tục giữ quan điểm số tiền yêu cầu bồi thường hiện tại là không hợp lý. Được biết, hàng hóa trên tàu Ever Given vẫn sẽ bị tạm giữ cho đến khi tranh chấp bồi thường được giải quyết xong.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Đài Loan sửa đổi luật để thu hút nhân tài nước ngoài