Xe đạp tăng giá, nhưng bán chạy khi người Nhật ngại nơi đông người

177
Xe đạp là phương tiện đi lại được ưa chuộng trong mùa dịch tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Cuối tháng 10, hãng xe đạp Bridgestone Cycle thông báo rằng sẽ tăng giá lần đầu tiên sau ba năm – lên tới 11% đối với các mẫu xe thông thường và lên đến 5% đối với các mẫu xe điện. Tin này làm ai cũng ngạc nhiên và “tạo ra làn sóng lớn trong ngành” – như lời của Haruka Konishi, giám đốc điều hành của hãng xe đạp Tokyobike.

Doanh nghiệp Nhật Bản từ lâu luôn chống lại việc tăng giá bởi lo lắng khách hàng sẽ sợ hãi trong bối cảnh nền kinh tế luôn giảm phát trong nhiều thập niên. Nhưng dịch bệnh đã thay đổi lối sống, khiến nhu cầu xe đạp tăng vọt, tạo sức bật mới cho các các doanh nghiệp sản xuất và buôn bán xe đạp.

Bridgestone có thể là một trong những tên tuổi lớn nhất của Nhật Bản bắt kịp xu hướng này, nhưng không phải là hãng đầu tiên tăng giá. Nhà bán lẻ Asahi đã tăng giá khoảng 70% hàng hóa của mình từ 5% đến 7% vào cuối tháng 2. Tokyobike đã tăng giá vào tháng 8, trong khi nhà cung cấp phụ tùng Shimano tính thêm phí đối với một số lô hàng nhất định bắt đầu từ tháng 7.

Thoạt nhìn, những động thái này chủ yếu xuất phát từ các vấn đề từ phía cung. Thép không gỉ và nhôm, được sử dụng rộng rãi trong khung, bàn đạp và các bộ phận khác của xe đạp, đang ở mức cao lịch sử. Giá quặng sắt, một thành phần trong thép không gỉ, lần đầu tiên đứng đầu trong một thập niên hồi tháng 4 năm nay.

Các biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa và tình trạng thiếu hụt năng lượng đã khiến sản xuất phụ tùng rời và xe đạp nguyên chiếc ở châu Á bị hạn chế. Theo hãng nghiên cứu Teikoku Databank tại Nhật Bản, giá một chiếc xe đạp tại thời điểm xuất xưởng đã tăng 39% từ năm 2015 đến năm 2020.

Nhưng nhu cầu cũng đang tăng cao, khi đại dịch thay đổi cách thức người tiêu dùng Nhật Bản đi du lịch và ăn uống.

Nhiều người tránh xa những không gian kín, đông đúc như những chuyến tàu vào giờ cao điểm, nơi virus có thể dễ dàng lây lan. Vì thế, họ chọn đi xe đạp. Giờ mở cửa nhà hàng ngắn hơn, các hạn chế đi lại thúc đẩy dịch vụ giao đồ ăn phát triển, đặc biệt là các thành phố lớn. Nhiều nhân viên giao hàng sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại.

Các cửa hàng đã bán trung bình 231,5 xe đạp mới mỗi cửa hàng trong năm ngoái, tăng 5,8% so với năm 2019, theo Viện Xúc tiến Xe đạp Nhật Bản. Tháng 6-2020, doanh số bán xe đạp đạt mức tăng kỷ lục 43,3% so với cùng kỳ năm trước.

Toshiaki Sawayama, Chủ tịch hãng sản xuất xe đạp điện BESV Japan, nói rằng đợt hỗ trợ cá nhân 100.000 yen vào đầu năm đã “thúc đẩy nhiều người đang cân nhắc mua xe đạp mua ngay”. Các gói kích cầu và thay đổi thói quen tiêu dùng đã tạo ra cú hích cho thị trường xe đạp.

Sức mua của người tiêu dùng vẫn trì trệ ở Nhật Bản do nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng giảm phát nhiều năm. Nhiều nhà sản xuất các sản phẩm hoàn chỉnh như xe đạp vẫn ngần ngại tăng giá. Giá xe đạp tăng trong bối cảnh như vậy cho thấy doanh nghiệp có thể phần chi phí cao hơn cho khách hàng nếu nhu cầu là có thật.

Konishi của Tokyobike cho biết: “Hầu như không có khách hàng nào phàn nàn rằng giá mắc hơn đã ngăn cản họ mua xe đạp”.

Mối quan tâm đến sức khỏe đã chiến thắng nỗi lo về giá cả.

Bản Tin Thị Trường

1/ Giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 57,75 triệu đồng/lượng, bán ra 58,45 triệu đồng/lượng, tăng thêm 50.000 đồng mỗi lượng so với giá cuối tuần. So với đầu tuần trước, giá vàng SJC tăng 200.000 đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, giá vàng hôm nay ở mức 1.785 USD/ounce, tăng nhẹ 2 USD/ounce so với giá đóng cửa cuối tuần. Tuần này, trong khi giới phân tích cho rằng giá vàng sẽ khó tăng mạnh sau khi liên tiếp đóng cửa tuần giao dịch dưới ngưỡng cản 1.800 USD/ounce, nhiều nhà đầu tư lại kỳ vọng giá vàng sẽ tiếp tục đi lên. Tuần này, thị trường đang chờ đợi cuộc họp chính sách của Quỷ Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong hai ngày 2 và 3-11 và báo cáo việc làm của Mỹ, những yếu tố tác động đến giá vàng.

2/ Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thông tin từ Cơ quan Nghề cá biển quốc gia Mỹ (NMFS), cho hay, 8 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu trên 83.000 tấn cá tra, cá da trơn từ 25 nước, trị giá 235,5 triệu USD. Trong đó, nhập khẩu cá tra từ Việt Nam chiếm 93% về khối lượng và 90,5% về giá trị với 77.500 tấn, trị giá gần 213 triệu USD. Nguồn cung cấp lớn thứ hai cho thị trường Mỹ là Trung Quốc với gần 5.000 tấn, trị giá trên 17 triệu USD, chiếm 6% về khối lượng và 7,3% về giá trị. Các nguồn cung cấp khác chiếm tỷ trọng không đáng kể. Giá trung bình nhập khẩu cá tra từ Việt Nam vào Mỹ trong 8 tháng qua là 2,74 USD/kg, trong khi giá nhập khẩu từ Trung Quốc là 3,44 USD/kg.

3/ Chỉ trong một tuần, từ ngày 22 đến 29-10, số nhà máy điện gió được công nhận vận hành thương mại đã tăng từ 28 lên 42, với tổng công suất 2131,3 MW. Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết còn 64 nhà máy điện gió đã gửi văn bản và hồ sơ đăng ký chương trình đóng điện và hòa lưới, thử nghiệm, đề nghị công nhận vận hành thương mại (COD). Tổng công suất đăng ký thử nghiệm COD của 106 nhà máy điện gió này là 5655,5 MW.

4/ Giá gas tháng 11 đồng loạt tăng, nối tiếp những tháng trước, đồng nghĩa người tiêu dùng sẽ phải chi đến hơn nửa triệu đồng để mua một bình gas loại 12kg. Theo thông báo từ hãng kinh doanh, giá gas bán lẻ đồng loạt tăng thêm 1.417 đồng/kg, tương đương 17.000 đồng/bình 12kg và gần 64.000 đồng/bình 45 kg từ hôm nay. Theo đó, giá gas các hiệu Vimexco, City Petro.. bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 278.000 đồng/bình 6kg; 501.000 đồng/bình 12kg; 1.877.500 đồng/bình 45kg và 2.078.500 đồng/bình 50kg.

Riêng loại bình gas vỏ nhựa VIP có giá 536.000 đồng/bình 12kg. Saigon Petro chốt giá bán lẻ gas tối đa đến người tiêu dùng là 478.500 đồng/bình 12kg.

Lý giải nguyên nhân vì sao giá gas tháng 11 tăng mạnh, các đơn vị kinh doanh gas cho biết, giá giao dịch gas trên thị trường thế giới giao theo hợp đồng tháng 11 tăng tới 52,5 USD/tấn so với tháng 10, ở mức bình quân 850 USD/tấn. Do đó, các đơn vị kinh doanh gas trong nước phải điều chỉnh tăng giá gas bán lẻ.

5/ Việt Nam nhập khẩu khoảng 16.000 xe ô tô nguyên chiếc với tổng giá trị là 341 triệu USD trong tháng 10, cao gấp 2,5 lần so với con số 6.300 chiếc của tháng 9. Dòng xe nhập khẩu nhiều nhất là ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống với 6.485 xe, kim ngạch gần 122 triệu USD. Lượng xe tải nhỏ có lượng nhập khẩu nhiều thứ 2 với 1.233 xe, kim ngạch gần 28 triệu USD.Việt Nam đang nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ 12 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhờ quy định tại Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với mức thuế suất 0% áp dụng từ 1-1-2018, các loại xe nhập khẩu từ Indonesia và Thái Lan đang có nhiều lợi thế trên thị trường.

6/ Chuyến bay đầu tiên của hãng All Nippon Airways đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi rạng sáng nay, đánh dấu sự kiện lịch sử Thái Lan mở cửa biên giới trở lại. Tuy nhiên, chuyến bay của ANA từ Tokyo chỉ chở 27 hành khách và 11 thành viên phi hành đoàn. Kế đến là hai chuyến bay của Thai Airways International từ Munich, Đức và Seoul, Hàn Quốc. Nhà chức trách Thái Lan dự báo sẽ có tổng cộng 7.000 khách nhập cảnh Thái Lan trong ngày đầu tiên đất nước mở cửa trở lại. Con số này thấp hơn mức kỳ vọng 30.000 khách. Cuối tuần trước, vào phút chót, Thái Lan đã mở rộng danh sách du khách các nước được nhập cảnh mà không cần cách ly từ 46 lên thành 63 nước và lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.

7/ Các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã cam kết khống chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất ở 1,5 độ C. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin khiến hội nghị thượng đỉnh G20 trong hai ngày 30 và 31-10 tại Rome, Italay dường như không trọn vẹn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tỏ ra nghi ngại vế tiến trình thực thi các cam kết chống biến đổi khí hậu. Bởi Trung Quốc hiện là một trong những nước còn sử dụng nhiệt điện than gây ô nhiễm, cũng như đứng đầu thế giới về lượng khí thải, chiếm 27%. Phần lớn các nhà lãnh đạo G20 sẽ từ Rome đến thẳng Glasgow, Scotland để ham dự hội nghị chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP26 khai mạc ngày 31-10 do Liên Hiệp Quốc chủ trì.

Các vấn đề biến đổi khí hậu và lương khí phát thải đã không đạt được đồng thuận tại G20 và sẽ được chuyển sang COP26 tại Glasgow, Scotland.

8/ Theo Financial Express, “quà bom nợ” Evergrande của Trung Quốc đã “nuốt chửng” các khoản đầu tư khổng lồ của nhiều tỷ phú trên thế giới. Chẳng hạn nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos mất 5,2 tỷ USD, Mark Zuckerburg mất 3,27 tỷ USD, Bill Gates mất 1,9 tỷ USD. Ngay cả 2 nhà đồng sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin, cựu CEO của Microsoft là Larry Ballmer, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett cũng chịu nhiều thiệt hại từ quả bom nợ này. Đáng chú ý nhất, Tesla CEO Elon Musk đã liên đới mất 7,15 tỷ USD Mỹ. Trong khi đó, dường như tập đoàn Evergrande đang nắm sợi dây “chủ nợ”, chỉ trả nhỏ giọt và thanh toán lãi trái phiếu quá hạn vào giờ chót. Hôm 29-10, Evergrande cũng kịp chi 83,5 triệu USD vào phút cuối, kịp thời tránh khỏi bị phá sản.

Khối nợ 300 tỷ USD của tập đoàn Evergrande tương đương 2% GDP của Trung Quốc. “Chúa chổm” này còn nợ tiền hàng trăm ngân hàng lớn nhỏ, là nhà phát triển hơn 1.300 dự án bất động sản và liên quan đến 3,8 triệu người lao động trực tiếp cũng như gián tiếp.

9/ Nền tảng thương mại điện tử B2B Ula của Indonesia đã nhận được 87 triệu USD đầu tư của tỷ phú Jeff Bezos. Vòng gọi vốn series B này với sự dẫn đầu của Prosus Ventures, Tencent và B-Capital, cùng sự tham gia của Northstar group, AC Ventures, Citius và Bezos Expeditions – văn phòng gia đình của Jeff Bezos. Mối quan tâm của Bezos đối với Ula xuất hiện vào thời điểm Amazon gần như chưa có bất kỳ hoạt động nào ở các quốc gia Đông Nam Á. Vì vậy, ở một khu vực mà Amazon có sự hiện diện hạn chế, việc Jeff Bezos đầu tư một khoản tiền thông qua văn phòng gia đình của mình có thể được coi như một tấm phiếu tín nhiệm.

Trước đó, Ula đã huy động được khoản tiền 10,5 triệu USD ở vòng hạt giống vào tháng 6-2020 và thêm 20 triệu USD vòng series A vào tháng 1-2021.

Ricky Hồ / BSA

Các đồng tiền châu Á đối diện bị nguy cơ bị nhà đầu tư “ruồng bỏ”