Xuất khẩu chip và xe hơi tiếp tục là bệ đỡ cho tăng trưởng kinh tế ở châu Á

    162
    Hãng TSMC tiếp tục dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan. Ảnh: AFP
    Các nền kinh tế ở Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc có những đợt sóng tăng trưởng xuất khẩu liên tục “sóng sau đè sóng trước”, đặc biệt là chip và xe hơi. Vì thế, các nền kinh tế sẽ đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng hoặc vượt mức kỳ vọng trong năm nay. Trong khi đó, các đợt dịch mới ở Đông Nam Á được xem là cú phủ đầu mới đối với chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.
    Lo ngại bất định do chủng Delta
    Xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 55,4 tỉ đô la trong tháng 7 vừa rồi nhờ vào doanh số xuất khẩu chip và xe hơi. Theo Korea Times, đây là mức cao nhất trong 55 năm qua kể từ khi Hàn Quốc bắt đầu thống kê số liệu xuất khẩu. Tổng kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á đạt 358,7 tỉ đô la.
    Doanh số xuất khẩu chất bán dẫn, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Hàn Quốc, trong tháng 7 tăng 39,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 11 tỉ đô la. Xuất khẩu xe hơi cũng tăng 26,4% so với cùng kỳ và đạt 4,1 tỉ đô la. Sản phẩm hóa dầu và các ngành công nghiệp mới cũng đạt các chỉ số tăng ấn tượng.
    Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc dự đoán đà tăng trưởng của xuất khẩu sẽ tiếp tục được duy trì trong năm do kinh tế toàn cầu hồi phục. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nói kinh tế nước này sẽ có đà tăng trưởng trên 4% trong năm nay nhờ sự hồi phục nhu cầu trong nước và xuất khẩu tăng.
    Trong khi đó, Đài Loan cũng ghi nhận sự tăng trưởng hơn mong đợi trong kim ngạch xuất khẩu tháng 6 vừa rồi. Chính quyền hòn đảo triển vọng của nền kinh tế khá tươi sáng nhờ vào nhu cầu trên toàn cầu tăng cao đối với chip công nghệ cao của Đài Loan và các dịp mua sắm cuối năm. Xuất khẩu tăng 31,1% trong tháng 6, đạt kim ngạch 53,73 tỉ đô la – theo dữ liệu của Bộ Kinh tế công bố tuần rồi. Đây là tháng 16 liên tục ngành xuất khẩu của Đài Loan tăng trưởng vượt bậc, vượt chỉ số dự báo trung bình 29,45% do Reuters thực hiện.
    Bộ Kinh tế Đài Loan nói các con số kỷ lục đạt được nhờ vào thiết bị 5G và chất bán dẫn, đặc biệt là ở ngành công nghệ xe hơi khi toàn cầu phải đương đầu với nạn thiếu hụt chip. Nhu cầu đối với điện tử gia dụng như laptop để hỗ trợ “kinh tế gia đình” trong bối cảnh dịch hoành hành, mọi người phải ở nhà. Trong tháng 5, xuất khẩu của Đài Loan tăng 34,5% so với cùng kỳ năm trước và đạt 52,29 tỉ đô la.
    Bộ Kinh tế dự báo xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 8 sẽ tăng 15,7-18,9% so với cùng kỳ năm trước. Bộ này cũng khuyến cáo sự bất định của kinh tế toàn cầu khi chủng Delta và các chủng virus khác tiếp tục hoành hành, nhưng vẫn nhìn nhận khía cạnh tích cực của tỉ lệ tiêm chủng đang tăng và sự hồi phục kinh tế thế giới.
    Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc cũng tăng nhanh hơn dự đoán trong tháng 6 rồi, với nhu cầu toàn cầu với hàng hóa từ Trung Quốc bật tăng trở lại sau khi các nước nới lỏng lệnh phong tỏa, chiến dịch tiêm chủng tiến triển hơn – hai yếu tố này giúp tiến độ giải phóng cảng hàng hóa nhanh hơn. Xuất khẩu trong tháng 6 tăng 32,2%, trong khi nhập khẩu lại tăng 36,7%. Tuy vậy, Trung Quốc đạt thặng dư xuất khẩu đến 51,53 tỉ đô la trong tháng 6, tăng hơn 11% so với tháng 5 trước đó và cao hơn con số dự  báo 44,2 tỉ đô la của Reuters.
    Tuy nhiên, một quan chức Hải quan Trung Quốc nói nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phát triển chậm lại trong nửa cuối năm 2021, một phần bởi vì tình trạng bất định do chủng Delta gây ra trên thế giới. Theo CNBC, sản xuất trong tháng 7 rồi tăng chậm nhất trong 17 tháng qua do giá tăng của nguyên liệu thô, bảo trì thiết bị và ảnh hưởng của các cơn bão trong tháng rồi. Chỉ số quản lý thu mua PMI đã giảm xuống còn 50,4 trong tháng 7, so với 50,9 trong tháng 6 – theo dữ liệu vừa công bố của Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Nếu PMI dưới 50, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng âm.
    Triển lãm chất bán dẫn Semicon China 2021 tại Thượng Hải. Trung Quốc hiện cố gắng phát triển công nghiệp chip, nhưng giá trị con chip vẫn thấp so với Đài Loan, Hàn Quốc và các nước khác. Ảnh: Reuters
    Đứt gãy chuỗi cung ứng Đông Nam Á
    Mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu bị đứt ở Đông Nam Á trong gần ba tháng khi chủng Delta hoành hành. Đây là cú đánh mới vào chuỗi cung ứng toàn cầu – Financial Times bình luận.
    Việt Nam và Malaysia đóng vai trò quan trọng không chỉ trong sản xuất thiết bị điện tử mà cả ở mảng đóng gói và thử nghiệm các linh kiện từ smartphone đến xe hơi. Đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay khiến tình trạng thiếu hụt chất  bán dẫn toàn cầu thêm trầm trọng.
    Gokul Hariharan, nhà nghiên cứu truyền thông và công nghệ châu Á tại ngân hàng JP Morgan, nói rằng Đông Nam Á có vai trò chủ yếu trong sản xuất các linh kiện thụ động như điện trở, tụ điện sử dụng trong smartphone và các thiết bị điện tử khác. Theo ngân hàng, tỉ lệ này khoảng 15-20%.
    “Tình trạng khan hiếm hay thiếu hụt chưa xảy ra, nhưng vấn đề đang trở nên trầm trọng hơn. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, chuyên gia của JP Morgan phát biểu.
    Hơn 50 nhà thầu cung cấp chip quốc tế đang hoạt động tại Malaysia, với đủ phương tiện đóng gói và thử nghiệm. Đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ tư gây thiệt hại nặng cho các nhà cung ứng. Một trong những công ty bị ảnh hưởng là hãng Taiyo của Nhật Bản chuyên sản xuất tụ điện bằng sứ đa lớp sử dụng trong điện thoại di động và xe hơi. Ralec, công ty mẹ của hãng điện tử Kaimei Electronics của Đài Loan, nói sản xuất trong tháng 7 giảm 30%. Hãng này chuyên cung ứng điện trở và các linh kiện khác.
    Mặc dù bán đảo Malaysia trong đợt phong tỏa nghiêm ngặt, nhiều hãng bán dẫn đã được phép duy trì sản xuất ở mức 60%. “Sự chuẩn thuận này đã diễn ra từ trước, kể từ tháng 3 năm ngoái. Taiyo có thể tăng lên 80-85% năng lực từ mức 60%”, theo lời nhà phân tích Forrest Chen thuộc hãng nghiên cứu về điện tử Trendforce tại Đài Loan. Chen cũng nói rằng hãng Taiyo cũng có thể chuyển bớt đơn hàng linh kiện xe hơi cho các nhà thầu đồng hương như Murata, Kyocera và TDK có nhà xưởng tại Malaysia.
    Nhưng quá trình sản xuất tự động hóa ở ngành bán dẫn vẫn không thể cứu vãn “tình trạng giao hàng trễ nhiều tuần do ảnh hưởng của lệnh phong tỏa” – Chen bình luận.
    Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng điện tử gia dụng lớn nhất thế giới và cũng là nơi Samsung – hãng sản xuất thẻ nhớ, màn hình và smartphone lớn nhất thế giới – đặt các cơ sở sản xuất lớn. Hôm 14-7, Samsung Electronics phải đóng cửa tạm 3 trong 16 nhà máy tại TP.HCM, giảm số nhân công xuống còn 3.000 người từ con số 7.000 người.
    Hiện tập đoàn này chưa phải chịu thiệt hại tài chính nào lớn – các nguồn tin nói với Financial Times.
    Trong khi đó, hãng công nghệ Intel phải cho công nhân ở khách sạn và đưa đón mỗi ngày nhằm đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy vậy, hãng sản xuất chip hàng đầu vẫn bị ảnh hưởng nhất định.
    “Việt Nam đưa ra các quy định bắt buộc để bảo vệ an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu, nhưng chúng tôi cũng phải vận hành doanh nghiệp để bảo vệ tính cạnh tranh của Việt Nam”, Giám đốc truyền thông Uyên Hồ phụ trách thị trường Việt Nam và Malaysia của Intel nhấn mạnh. 
    Xuất khẩu của 6 nền kinh tế chủ yếu của ASEAN – gồm Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia và Singapore – trong sáu tháng đầu năm vẫn vượt các con số trước đại dịch nhờ vào sự hồi phục của các thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu. Xuất khẩu chất bán dẫn và xe hơi vẫn đóng vai trò trụ cột chính. Tuy nhiên do ảnh hưởng của đợt dịch mới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã giảm tỷ lệ tăng trưởng GDP của ASEAN6 trong năm còn 4,3%, giảm 0,6% so với dự đoán trước đó.
    Ricky Hồ (Theo TBKTSG)
    Tìm kiếm vai trò mới của Việt Nam trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu