Xuất khẩu lúa mì của Nga tăng mạnh, lạm phát lương thực toàn cầu bớt căng thẳng

222
Một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga cho phép lúa mì của Ukraine tiếp tục được xuất khẩu thông qua cửa ngõ Biển Đen. Ảnh: Reuters

Giá lúa mì toàn cầu đã đạt mức thấp nhất trong khoảng 14 tháng nhờ các lô hàng xuất khẩu lớn hơn dự kiến từ Nga. Điều này khiến nhiều nhà phân tích hy vọng rằng tình trạng tăng giá lương thực sẽ sớm chấm dứt.

Giá lúa mì tương lai chuẩn Chicago giảm phiên thứ tư liên tiếp hôm 6-12, có thời điểm đạt mức thấp 7,23 USD/giạ Anh (bushel, tương đương 36 lit). Con số này thấp hơn 9% so với cuối tháng 11 và khoảng một nửa so với mức cao trên 13 USD, ngay sau khi Nga bắt đầu đưa quân vào Ukraine.

Sự thay đổi diễn ra khi Nga đẩy mạnh xuất khẩu, những vụ thu hoạch mới khiến lúa mì trong nước dư thừa. Theo Refinitiv, Nga đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn lúa mì bằng đường biển trong tháng 10 và tháng 11, chiếm gần 40% lượng hàng hóa toàn cầu trong hai tháng qua. Các lô hàng tháng 8 và tháng 9 đạt khoảng 3 triệu tấn.

Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life, cho rằng: “Nga đã thu hút nhiều sự chú ý hơn đối với sản xuất ngũ cốc kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu”

Sản lượng của Nga sẽ tăng khoảng 20% lên mức cao kỷ lục trong năm tiếp thị 2022-2023, theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Nga có vụ thu hoạch bội thu vào mùa hè và mùa thu không giống như Mỹ và châu Âu, nơi hạn hán và nắng nóng làm giảm sản lượng.

Lúa mì Nga rẻ hơn lúa mì Bắc Mỹ nên trở thành lựa chọn hấp dẫn với Trung Đông và Bắc Phi. Nhiều nước trong khu vực cũng có thiện cảm hơn với Moscow.

“Đối với Nga, lúa mì là một công cụ để tăng cường sự hiện diện quốc tế hơn là một nguồn thúc đẩy kinh tế,” Nishihama nói.

Lúa mì chiếm khoảng 3% kim ngạch xuất khẩu của Nga vào năm 2020, so với khoảng 20% đối với dầu thô, theo nền tảng dữ liệu trực tuyến Observatory of Economic Complexity.

Những lo ngại về sự thiếu hụt lúa mì đã bao trùm thị trường toàn cầu cho đến tháng 11 khi các vụ thu hoạch của Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng. Hàng tồn kho tại các nước xuất khẩu có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm. “Lúa mì của Nga hiện có thể bù đắp sự thiếu hụt”, theo nhận định của nhà phân tích trưởng Hideki Hattori thuộc hãng xay xát Nippn của Nhật Bản.

Hiệu ứng của các đợt xuất khẩu từ Nga đã bắt đầu xuất hiện. Chỉ số giá lương thực do Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố đã giảm tám tháng liên tiếp tính đến tháng 11. Chỉ số giá ngũ cốc cũng đã giảm. Theo FAO, giá lúa mì thế giới đã giảm một phần do “cạnh tranh lớn hơn trên thị trường toàn cầu với các chuyến hàng từ Liên bang Nga tăng lên”.

Ruan Wei, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Norinchukin ở Tokyo, cho biết: “Ngưỡng giá 7 đô la vẫn còn cao đối với lúa mì, nhưng lạm phát lương thực khó có thể trở nên tồi tệ hơn nữa”.

Lúa mì Ukraine, chiếm 9% thị trường toàn cầu, cũng đang được xuất khẩu liên tục. Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trung gian cho một thỏa thuận vào tháng 7 để cho phép các tàu chở ngũ cốc của Ukraine ra khỏi Biển Đen một cách an toàn. Sáng kiến ngũ cốc đã được gia hạn thêm 120 ngày vào giữa tháng 11.

Kể từ tháng 8, khi hoạt động xuất khẩu được nối lại, hơn 12 triệu tấn nông sản của Ukraine đã được vận chuyển qua Biển Đen. Lúa mì chiếm 30% khối lượng.

Vào cuối tháng 10, Nga đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, viện dẫn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine nhằm vào các tàu của Nga. Moscow trở lại thế chủ động trong tháng 11 vừa rồi.

“Nga đang sản xuất lúa mì với ý định xuất khẩu”, Kenji Nagatomo, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách thuộc Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Nhật Bản cho biết. “Họ bắt đầu tin rằng việc ngăn chặn xuất khẩu của Ukraine sẽ dẫn đến các biện pháp kiểm soát từ các quốc gia khác. Nhưng điều này sẽ khiến xuất khẩu của Nga gặp bất lợi.”

Giờ đây, những lo lắng về nguồn cung đã giảm bớt, các nhà giao dịch đầu cơ đã chuyển sang giảm giá lúa mì. Vị thế đầu cơ lúa mì đứng ở mức 33.305 hợp đồng ròng âm vào cuối tháng 11, theo dữ liệu từ Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ. Đây là mức ký quỹ ròng lớn nhất kể từ giữa tháng 5-2019.

Đặc biệt, các nhà đầu cơ đã tăng vị thế bán ròng của họ thêm khoảng 5.000 hợp đồng cho mỗi ba tuần liên tiếp kể từ giữa tháng 11. Các thương nhân tin rằng dòng lúa mì Nga tràn vào sẽ tiếp tục đè nặng lên thị trường.