Yamaha đưa công nghệ xe tự lái và mũ bảo hiểm thông minh vào xe hai bánh

363
Công nghệ của hãng phụ tùng xe hơi Robert Bosch, Đức có thể đo khoảng cách giữa xe máy và xe hơi ngay trước mặt. Ảnh: Bosch
Tiêu điểm:
Yamaha đưa công nghệ xe tự lái và mũ bảo hiểm thông minh vào xe hai bánh
Khi xe hơi tự lái đã lưu thông trên đường phố, các hãng xe máy Nhật Bản đang gặp thách thức mới với loại xe hai bánh. Đó là vấn đề an toàn hơn khi lái xe máy. Công nghệ “xe máy không ngã” của hãng Yamaha có thể khiến hình ảnh chiếc xe máy quen thuộc lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó là chiếc xe ba bánh được tăng cường công nghệ của xe hơi tự lái và cả mũ bảo hiểm thông minh.
Xem thêm chi tiết tại link:
Yamaha khuấy động thị trường xe hai bánh với “xe máy không ngã”
1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56,35- 56,85 triệu đồng/lượng, quay đầu giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1840,6 USD/ounce, giảm tới 20,6 USD, tương đương 1,11% so với chốt phiên trước.
2/ Nga, nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới và là nguồn cung cấp lúa mì lớn cho Việt Nam, đang xem xét việc áp thuế cơ bản đối với lúa mì mà họ xuất khẩu ra nước ngoài từ ngày 1/6/2021, sớm hơn một tháng so với tuyên bố trước đó. Chính phủ nước này đang cố gắng giảm xuất khẩu lúa mì để giúp kiềm chế giá lương thực trong nước tăng sau khi Tổng thống Vladimir Putin chỉ trích lạm phát thực phẩm trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nga cho biết, họ sẽ áp thuế cố định, đặt ở mức 25 euro (30 USD)/tấn cho đơn hàng xuất khẩu lúa mì từ ngày 15 đến 28/2 và tăng lên 50 euro/tấn bắt đầu từ ngày 1/3 đến ngày 30/6. Nhưng đây chỉ là một biện pháp ngắn hạn và họ nói rằng họ đã có kế hoạch áp đặt thuế chặt chẽ hơn kể từ ngày 1/7/2021.
Hoạt động thu hoạch lúa mì tại Nga – Ảnh: The Western Producer
3/ Năm nay, do ảnh hưởng của hạn mặn nên sản lượng của nhiều loại trái cây bị giảm mạnh như sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh… Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng là yếu tố kéo giá cả các mặt hàng trái cây giảm mạnh. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản – Bộ NN-PTNT, giá trị xuất khẩu rau quả tháng 12/2020 ước đạt 265 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả cả năm 2020 đạt 3,6 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng nhận định ngành trái cây và rau quả vẫn có tiềm năng lớn trong thời gian tới. Các nhà vườn ở Miền Tây đang kỳ vọng thị trường trái cây Tết Tân Sửu sẽ sôi động trở lại để cứu cánh cho chuỗi ngày gồng mình chịu trận bởi đại dịch Covid-19 và hạn mặn bủa vây.
4/ Ngân sách chi cho thực phẩm chiếm đến hơn 30% thu nhập của người Việt. Đặc biệt, sau nhiều đợt dịch bệnh bùng phát trong năm qua như dịch tả lợn châu Phi, Covid-19, nhu cầu thực phẩm sạch lại càng tăng mạnh và người dân sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để mua những thực phẩm an toàn. Báo cáo của Nielsen cho thấy có đến 86% người tiêu dùng Việt Nam ưu tiên lựa chọn sản phẩm organic cho những bữa ăn hàng ngày bởi tính an toàn, giàu dinh dưỡng và hương vị thơm ngon. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng đang bắt kịp xu hướng này khi hiện nay có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010.
5/ Vietravel vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 với kết quả kinh doanh chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù đã tiết giảm mạnh chi phí, doanh nghiệp vẫn khó tránh khỏi việc kinh doanh lỗ trong 3 tháng cuối năm 2020. Đại dịch Covid-19 đã khiến doanh thu của hãng lữ hành này sụt giảm 73,3% trong năm 2020. Từ chỗ có lợi nhuận tốt năm 2019, doanh nghiệp bây giờ đã ghi nhận khoản lỗ 90 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối quý 4/2020, hơn 700 tỷ đồng của doanh nghiệp nằm ở khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đã chuyển sang tiền và tương đương tiền. Đây là khoản tiền phong tỏa ở ngân hàng để đảm bảo cho việc phát hành thẻ tín dụng và tuân thủ quy định vốn tối thiểu để vận hành hãng hàng không Vietravel Airlines.
6/ Amazon hôm nay đã thông báo rằng Jeff Bezos sẽ nhường chức CEO cho Andy Jassy, sau khi đã giữ chức vụ này liên tục từ khi sáng lập công ty năm 1995. Ông Bezos sẽ rời chức CEO Amazon và chỉ giữ chức Chủ tịch điều hành Amazon từ quý III năm nay, tương tự như cách Bill Gates làm việc ở Microsoft. Jassy (53 tuổi) hiện đứng đầu mảng điện toán đám mây và đã làm việc tại Amazon từ năm 1997. Ông được coi là người kế nhiệm tiềm năng của Bezos nhiều năm nay. Bezos đã đưa Amazon từ một cửa hàng bán sách trực tuyến thành đế chế bán lẻ và logistics toàn cầu trị giá 1.700 tỷ USD. Ông hiện cũng là người giàu nhất thế giới. Đại gia bán lẻ trực tuyến này ghi nhận doanh thu quý IV/2020 tăng 44% lên 125,6 tỷ USD, cao hơn ước tính trung bình 119,7 tỷ USD của các nhà phân tích. Amazon cũng dự kiến sẽ đạt doanh thu 100 – 106 tỷ USD quý I năm nay.
7/ Alibaba vừa công bố doanh thu quý cuối năm ngoái tăng 37% lên 221,1 tỷ nhân dân tệ (34,2 tỷ USD). Con số này cao hơn dự báo trước đó của giới phân tích là 215,3 tỷ USD. Lợi nhuận ròng tăng 52% lên 79,4 tỷ nhân dân tệ. Bất chấp bị giới chức kiểm soát, doanh thu và lợi nhuận của Alibaba quý trước vẫn tăng hàng chục phần trăm. Số người dùng hoạt động của hãng đã tăng lên 779 triệu trong quý cuối năm ngoái. Alibaba thu về 79 tỷ USD trong đợt Lễ Độc thân năm ngoái, vượt kỷ lục năm 2019. Việc này diễn ra trong bối cảnh doanh số bán lẻ của Trung Quốc giảm 3,9% năm ngoái. Tuy nhiên, các thông tin này vẫn không thể khiến các nhà đầu tư bớt lo lắng về cuộc điều tra chống độc quyền của chính phủ Trung Quốc nhằm vào Alibaba. Vốn hóa hãng này đã bốc hơi hơn 130 tỷ USD kể từ khi chạm đỉnh tháng 10 năm ngoái.
8/ Hơn 100 triệu người trên toàn cầu đã được tiêm phòng vaccine phòng Covid-19, song cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào trong số 29 nước nghèo nhất thế giới chính thức khởi động chương trình tiêm chủng mở rộng đối với vaccine ngừa dịch bệnh này. Theo số liệu thống kê mới nhất, bất chấp kế hoạch giao hàng của một số nhà sản xuất vaccine bị chậm so với kế hoạch, nhưng tính đến nay, các nước giàu nhất thế giới đã triển khai tiêm hơn 2/3 tổng số liều vaccine mua được trong vài tuần qua. Nhóm các nước phát triển còn lại theo sau sẽ đạt mục tiêu tiêm phòng vào giữa năm 2022 và tiếp đó là nhóm các nước đang phát triển vào cuối năm đó. Tuy nhiên, nhóm các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ không có đủ vaccine ngừa Covid-19 cho đến năm 2023. Vấn đề thiếu hụt vaccine thậm chí sẽ kéo dài trong nửa đầu của thập kỷ này.
Trong khi đó, Israel sẽ là quốc gia miễn dịch đầu tiên trên thế giới khi hoàn tất tiêm chủng cho toàn bộ dân số gần 9 triệu trong tháng 3 tới. Theo dữ liệu của Our World in Data, Israel đã tiêm chủng hơn 57,6% dân số – đứng đầu thế giới. Tiếp theo là Các tiểu vương quốc Arab (UAE) với 34,8%, Anh 14,4%, Bahrain 10,2% và Mỹ 9,6%.
OurWorldinData: Tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 trên thế giới theo dữ liệu của Our World in Data. Ảnh chụp màn hình
9/ Xuất khẩu lúa mì của Australia sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp căng thẳng thương mại giữa hai nước đang leo thang và cường quốc lớn nhất châu Á đã lên tiếng đe dọa có thể sớm ban hành lệnh cấm nhập khẩu lúa mì từ Australia. Số liệu vừa công bố của Công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Platts cho thấy các nhà sản xuất ngũ cốc Australia đã vận chuyển 600.000 tấn lúa mì, trị giá 248 triệu AUD (186 triệu USD), sang Trung Quốc trong tháng 12/2020, đánh dấu số lượng xuất khẩu lúa mì hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia này đến một quốc gia khác. Tháng 1/2021, khoảng 110.000 tấn lúa mì khác của Australia dự kiến sẽ được chuyên chở sang Trung Quốc. Nhu cầu của Trung Quốc đối với lúa mì Australia đã tăng cao nhờ chất lượng và mức giá cạnh tranh, đặc biệt sau khi đối thủ Nga, nhà sản xuất ngũ cốc lớn trên toàn cầu, áp dụng mức thuế xuất khẩu mới vào năm ngoái.
10/ Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc hôm nay cho biết nước này và Campuchia đã đạt được thỏa thuận về Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương. Hai nước đã tuyên bố khởi động đàm phán FTA từ tháng 7 năm ngoái. FTA Hàn Quốc-Campuchia là hiệp định đạt được thỏa thuận trong thời gian ngắn nhất trong số các FTA mà Hàn Quốc đã ký, chỉ mất bảy tháng. Đây cũng là FTA đầu tiên trong lịch sử hoàn toàn được đàm phán trực tuyến, là hiệp định thứ tư mà Hàn Quốc ký với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), sau Singapore, Việt Nam và Indonesia. Trên cơ sở FTA này và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà cả hai nước cùng tham gia, Campuchia sẽ dỡ bỏ 95,6% loại thuế đối với hàng hóa Hàn Quốc, trong khi Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ thuế đối với 93,8% hàng hóa của Campuchia.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Yamaha khuấy động thị trường xe hai bánh với “xe máy không ngã”