Yamaha khuấy động thị trường xe hai bánh với “xe máy không ngã”

Mẫu xe mới Tricity 300 được Yamaha giới thiệu vào tháng 9 vừa rồi. Xe có thể đứng thẳng khi đậu tại chỗ. Ảnh: Yamaha
Khi xe hơi tự lái đã lưu thông trên đường phố, các hãng xe máy Nhật Bản đang gặp thách thức mới với loại xe hai bánh. Đó là vấn đề an toàn hơn khi lái xe máy. Công nghệ “xe máy không ngã” của hãng Yamaha có thể khiến hình ảnh chiếc xe máy quen thuộc lùi vào dĩ vãng. Thay vào đó là chiếc xe ba bánh được tăng cường công nghệ của xe hơi tự lái và cả mũ bảo hiểm thông minh.
Công nghệ “đa bánh nghiêng” tạo an toàn
Makoto Shimamoto, giám đốc phụ trách công nghệ di động của Yamaha Motor, phát biểu: “Mọi người đều biết các mối nguy hiểm từ xe máy, nhưng các công ty trong ngành vẫn tiếp tục làm ngơ trước vấn đề này. Nhưng, chúng tôi thì lại muốn đối mặt với vấn đề này một cách trực tiếp”.
Yamaha hiện đang nỗ lực phát triển những chiếc xe máy an toàn hơn với tính năng không bị ngã. Công nghệ “đa bánh nghiêng” (LMW) sử dụng ba bánh cho xe máy, nhưng tạo cảm giác giống như đang lái xe hai bánh. Xe sẽ chạy theo hướng gười lái nghiêng về phía trước.
Yamaha đã giới thiệu một số mẫu xe máy với tính năng công nghệ mới. Mẫu xe đầu tiên trong series là Tricity 125, một chiếc xe tay ga với hai bánh trước và một bánh sau, được giới thiệu vào năm 2014. Hai năm sau, công ty cũng đã giới thiệu Tricity 155 với sự thay đổi về động cơ và cấu trúc, với hai bánh trước tạo ra sự ổn định giúp xe tay ga luôn thẳng đứng ngay cả trên các bề mặt trơn trượt. Và vào cuối tháng 9, Yamaha đã giới thiệu Tricity 300, với hệ thống giúp xe đứng thẳng khi đỗ.
Chủ tịch Yoshihiro Hidaka hy vọng rằng Yamaha sẽ giới thiệu một chiếc xe máy không thể ngã “trong một vài năm tới”. Công ty đã đặt mục tiêu đẩy mạnh các nỗ lực phát triển đối với các công nghệ an toàn, bao gồm việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tăng độ chính xác của các hệ thống giám sát tình huống xung quanh phương tiện.
An toàn là một vấn đề quan trọng đối với xe máy trong một thời gian dài vì người điều khiển xe máy thường phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn so với người lái xe hơi. Thị trường nội địa Nhật Bản dần bị thu hẹp, số lượng người dùng xe máy ngày càng già đi. Yamaha đã đặt mục tiêu lấy lại chỗ đứng vững chắc trước đây của mình trên thị trường bằng cách tăng độ an toàn cho xe hai bánh.
Xe máy vẫn đang là phương tiện giao thông chính ở các nước đang phát triển. Nhưng ở Nhật Bản – nơi từng có ba triệu xe máy được bán ra hàng năm, người dân chuyển sang sử dụng xe hơi hoặc xe đạp điện để đi lại nhiều hơn. Xe máy hiện chủ yếu dành cho những người yêu thích nó.
Các hãng chế tạo xe thế giới nhập cuộc
Yamaha hiện không phải là nhà sản xuất duy nhất nhìn thấy được cơ hội phát triển từ những chiếc xe máy có độ an toàn cao. Đối thủ Honda Motor cũng đang nghiên cứu để phát triển một chiếc xe máy an toàn, thông qua việc tận dụng công nghệ điều khiển thăng bằng mà hãng đã phát triển cho người máy hai chân Asimo.
Các hãng sản xuất phụ tùng xe hơi cũng đã nỗ lực tập trung vào việc phát triển các thành phần cho các tính năng an toàn của xe hai bánh. Họ tận dụng các công nghệ và kỹ thuật có được thông qua việc chế tạo các loại xe bốn bánh với công nghệ kết nối, tự hành, chia sẻ và chạy điện, được gọi bằng từ viết tắt CASE, và bao gồm các chức năng tự lái.
Chẳng hạn, Koito Manufacturing đang trong quá trình phát triển một công nghệ nâng cao độ an toàn cho xe máy bằng cách pha đèn vào hướng xe đang đi xuống mặt đường. Vì các mẫu xe tự lái không cần người điều khiển nên vấn đề quan trọng là làm thế nào để chúng có thể “giao tiếp” với các phương tiện khác và người đi bộ xung quanh. Koito hiện đang trong quá trình phát triển hệ thống “đèn liên lạc” để chiếu thông tin xuống mặt đường vì lợi ích của những người xung quanh xe, thông qua việc vận hành liên kết với camera và các cảm biến.
Công ty đã có kế hoạch áp dụng công nghệ đèn pha này trên xe máy. Đèn sáng có thể được chiếu để hiển thị hướng đi của xe để giúp các phương tiện khác và người đi bộ nhận thấy sự hiện diện của xe, chẳng hạn như tại các giao lộ có tầm nhìn thấp.
Hãng sản xuất phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới Robert Bosch đã thử nghiệm hệ thống hỗ trợ lái xe máy trên đường công tại Nhật Bản từ tháng 3-2019. Hãng này nói xác suất người điều khiển xe máy tử nạn vì tai nạn giao thông ở Nhật Bản là gấp 13 lần so với người điều khiển xe hơi.
Công nghệ của hãng phụ tùng xe hơi Robert Bosch, Đức có thể đo khoảng cách giữa xe máy và xe hơi ngay trước mặt. Ảnh: Bosch
Hãng đang phát triển hệ thống an toàn cho xe máy thông qua công nghệ an toàn tiên tiến của xe bốn bánh. Hệ thống này có thể giám sát các tình huống xung quanh xe bằng các cảm biến ở phía trước và phía sau của xe. Hệ thống có thể hướng dẫn chiếc xe duy trì một khoảng cách an toàn với chiếc xe đi trước. Hệ thống cũng sẽ làm rung tay lái hoặc phát ra âm thanh báo động để cảnh báo người lái xe nếu va chạm sắp xảy ra. Các nhà nghiên cứu của Bosch tin rằng hệ thống này có thể giảm tải tai nạn xe máy hơn 10%.
Hãng xe máy KTM của Áo và Ducati của Ý cũng đã sử dụng hệ thống của Bosch trong một số mẫu xe của họ. Tại Nhật Bản, Kawasaki Heavy Industries cũng đã có kế hoạch để trang bị hệ thống này cho một số mẫu xe máy, dự kiến sẽ ​​phát hành vào năm 2021 hoặc muộn hơn.
Công nghệ bổ trợ “mũ bảo hiểm thông minh”
Với tính năng chiếu thông tin lên tấm che mặt, mũ bảo hiểm thông minh là một công nghệ quan trọng khác trong nỗ lực tăng cao sự an toàn của xe máy. Người điều khiển xe máy thường có ít thông tin về môi trường xung quanh của họ hơn là so với người điều khiển xe hơi. Những thông tin này ngày càng trở nên phổ biến đối với người điều khiển xe máy khi công nghệ cảm biến và kết nối đã được cải thiện, nhưng việc đọc thông tin từ các màn hình như điện thoại thông minh có thể khiến người lái mất tập trung.
Mũ bảo hiểm thông minh giúp người lái không phải nhìn chỗ khác bằng cách hiển thị thông tin trực tiếp trên tấm chắn mặt, thông qua công nghệ hiển thị được phát triển ban đầu để chiếu thông tin lên kính chắn gió của xe bốn bánh. Những chiếc mũ bảo hiểm này hiện đang được phát triển bởi các công ty bao gồm Shoei, một nhà sản xuất mũ bảo hiểm xe máy ở Nhật Bản.
Nhiều tính năng an toàn đã được cải thiện. Nhưng nếu hệ thống hỗ trợ bị trục trặc, người lái xe máy vẫn dễ gặp tai nạn giao thông. Chẳng hạn, nếu hệ thống phát hiện sai một vật cản, người lái có thể phanh gấp và mất thăng bằng.
Quy mô thị trường xe máy tại Nhật Bản chỉ bằng 10% so với thời kỳ đỉnh cao của thập niên 1980. Phong trào khuyến khích học sinh trung học không sử dụng xe máy đã góp phần mạnh mẽ vào sự suy giảm này.

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, độ tuổi trung bình của người mua xe máy mới ở Nhật Bản là 54,7 và đang tăng lên hàng năm. Những người thích lái xe máy trong quá khứ hiện đang ngày càng quay trở lại với sở thích này. Nhiều người trong số họ chủ yếu ở độ tuổi 50-60, với nhu cầu về các tính năng an toàn được cho là rất quan trọng đối với họ.


Xe máy vẫn có những lợi thế riêng. Lượng khí thải của xe ít hơn xe hơi nhiều. Thêm nữa, xe máy nhỏ gọn và chiếm ít chỗ đậu xe hơn. Nếu giải quyết được vấn đề an toàn, xe máy vẫn có cơ hội quay trở lại làm một phương tiện giao thông phổ biến, ít ra là ở Nhật Bản – Nikkei Asia đặt vấn đề.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Nhà đầu tư nước ngoài lo ngại về viễn cảnh kinh doanh ở Myanmar