5 rủi ro lớn nhất của năm 2023

Mối quan hệ toàn cầu bị rạn nứt, đối đầu Mỹ - Trung sẽ khiến tăng trưởng của hai nền kinh tế khổng lồ chậm lớn. Minh họa: iStock

Tiền rẻ, một nền kinh tế Trung Quốc luôn bùng nổ và nền hòa bình hàng chục năm giữa các cường quốc đã biến mất. Sự thiếu vắng các yếu tố đó thực sự nghiêm trọng. Năm 2023 sẽ là một khó khăn với kinh tế toàn cầu và mọi sự có thể trở nên tệ hơn.

Lịch sử cho biết các đợt tăng lãi suất tốc độ cao của Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023. Giá khí đốt tự nhiên leo thang cũng gây khó tương tự với châu Âu. Ảnh hưởng từ việc hủy bỏ đột ngột của zero Covid và thị trường bất động sản suy giảm khiến kinh tế Trung Quốc suy tốc.

Trong một kịch bản cực kỳ xấu, nếu tất cả những điều đó xảy ra cùng một lúc, sản lượng toàn cầu bị xóa sạch khoảng 5.000 tỷ USD so với các dự báo lạc quan hơn vào đầu năm ngoái – theo dữ liệu của Bloomberg Economics.

Nếu điều đó xảy ra ở Mỹ, và Chủ tịch Fed Jerome Powell nói rằng “có khả năng”, thì Fed có thể phải tăng lãi suất lên tới 6%, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái dài hơn và sâu hơn.

Rủi ro được nhân rộng trên toàn thế giới, bởi hầu hết các quốc gia đều chịu tác động của lạm phát của Mỹ và các ngân hàng trung ương trên thế giới đang thực hiện cùng một con đường để giải quyết hệ quả.

1/ Rủi ro nợ đang quay lại

Miễn là tốc độ tăng trưởng cao hơn chi phí đi vay, nợ công sẽ trở nên rẻ. Chính phủ các nước nợ như chúa chổm. Tổng nợ của khối G7 đã tăng lên 128% GDP trong năm nay, từ mức 81% trong năm 2007.

Giờ đây, khi các nền kinh tế đang chậm lại và lãi suất tăng lên, bài toán đang thay đổi. Đó lá lúc các khoản nợ đến hạn. Một số nền kinh tế lớn có thể rơi vào quỹ đạo nợ không bền vững trừ khi họ thực hiện những điều chỉnh tài chính khó khăn.

+ Các nhà đầu tư đang theo dõi Ý, nơi chi phí trả nợ dự kiến sẽ tăng lên 7% GDP vào năm 2030, từ mức 3% vào năm 2019. Ý có thể sẽ không vỡ nợ. Nhưng để tránh kết quả đó có thể cần đến một giải pháp khắc phục ở cấp độ châu Âu, điển hình là một quá trình khó khăn.

+ Thị trường trái phiếu của Vương quốc Anh đã thoát khỏi bờ vực sau các chính sách thất bại của cựu Thủ tướng Liz Truss. Tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách về tài chính công và duy trì uy tín với các nhà đầu tư sẽ đòi hỏi nước Anh thắt lưng buộc bụng trong một thời gian.

+ Mỹ không nằm trong tình cảnh như Anh. Dù vậy, các cuộc tranh luận về trần nợ sẽ tiếp tục gây cần khi Tổng thống Joe Biden và Đảng Dân chủ bước vào nửa cuối nhiệm kỳ.

+ Thống đốc Haruhiko Kuroda – kiến trúc sư của chiến lược lãi suất thấp của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) – sẽ kết thúc nhiệm kỳ ngày 8-4-2023. Thống đốc kế nhiệm phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: gắn bó với đồng tiền rẻ, có nguy cơ sụp đổ tiền tệ hơn nữa, hoặc đi theo Fed và gây bất ổn cho một trong những khối nợ lớn nhất thế giới. Thủ tướng Fumio Kishida nói sẽ làm việc với BOJ để đạt mục tiêu lạm phát 2%.

Ở một số thị trường mới nổi, tình thế tiến thoái lưỡng nan còn nghiêm trọng hơn. Sri Lanka đã theo chân Lebanon và Zambia để góp mặt trong danh sách các nước vỡ nợ.

Mô hình của Bloomberg Economics cho thấy rủi ro vỡ nợ sắp xảy ra tập trung ở các nền kinh tế nhỏ chỉ chiếm 3% GDP toàn cầu, trong khi các nước đang phát triển lớn hơn có khả năng thoát khỏi khủng hoảng nợ.

Thổ Nhĩ Kỳ có thể là một ngoại lệ. Cuộc bầu cử tháng 6.2023 có thể sẽ khiến Tổng thống Recep Tayyip Erdogan theo đuổi các chính sách phi chính thống hơn để thúc đẩy tăng trưởng. Đồng lira – và có thể là tính bền vững của nợ – sẽ trở thành nạn nhân của chính sách này.

2/ Thị trường nhà ở “dễ tổn thương”

Đồng tiền eo hẹp có nghĩa là kích hoạt khủng hoảng thị trường địa ốc trên toàn thế giới. Các quốc gia như Canada và New Zealand — được xếp hạng trong số các thị trường nhà ở sôi động nhất dựa trên các số liệu như tỷ lệ giá trên thu nhập — có thể xuất hiện ở tuyến đầu.

Tuy không đứng đầu bảng xếp hạng các thị trường rủi ro cao, nhưng nước Mỹ sẽ không dễ dàng né tránh. Theo ước tính của Bloomberg Economics, giá nhà trên toàn liên bang sẽ giảm 15% nhằm phù hợp với thu nhập của hộ gia đình, giúp họ đủ khả năng thanh toán các khoản nợ tiền mua nhà.

3/ Các vấn đề của Trung Quốc là chuyện chung của thế giới

Đối với Trung Quốc, trường hợp cơ bản là việc mở cửa lại nền kinh tế sau khi bỏ zero Covid đầu tháng 12 vừa rồi. Kinh tế Trung Quốc có thể bật tăng và có thể đạt tốc độ tăng trưởng 5,7% cho năm 2023 – theo dự báo của Bloomberg Economics.

Các hoạt động xây dựng có thể giảm 25% để thích ứng với tình trạng nguồn cung và nhu cầu đang thu hẹp. Hơn nữa, việc các quan chức kinh tế kỳ cựu sắp nghỉ hưu có thể để lại cho Chủ tịch Tập Cận Bình một đội ngũ thiếu kinh nghiệm chống khủng hoảng.

Thất bại trên cả hai mặt trận này có thể khiến tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống còn 2,2%. Nếu bất động sản rơi vào khủng hoảng tài chính, thậm chí tỷ lệ tăng trưởng khiêm tốn sẽ nằm ngoài tầm với.

Đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ gây chấn động thế giới. Cú đánh lớn nhất sẽ giáng xuống các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc, từ Hàn Quốc đến Việt Nam và các nhà sản xuất hàng hóa lớn như Australia và Brazil.

4/ Châu Âu vẫn chật vật với khủng hoảng năng lượng

Mảnh ghép cuối cùng của rủi ro toàn cầu trong năm 2023 là sự phân cực của thế giới thành các phe đối địch, vốn khiến châu Âu trả giá đắt trong năm qua.

Chính sách ủng hộ Ukraine đã khiến lục địa già rơi vào tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên và giá điện tăng vọt. Kịch bản cơ bản của Bloomberg Economics là chi phí năng lượng cao và việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất sẽ đẩy khối này vào suy thoái, với GDP giảm 0,1% trong năm 2023.

Nếu may mắn là thời tiết tốt hơn và các chính sách phân bổ khí đốt khan hiếm đúng thời điểm và đúng địa điểm, châu Âu có thể tránh được suy thoái. Nếu không có cả hai, nền kinh tế có thể “teo lại” như hồi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Dầu thô đã giảm từ mức cao nhất do tác động chiến tranh là gần 130 USD/thùng trong nửa đầu năm 2022. Các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, phục hồi nhu cầu ở Trung Quốc và việc cắt giảm nguồn cung từ OPEC có thể đẩy giá dầu này tăng trở lại vào năm mới, mở ra một mặt trận khác trong cuộc khủng hoảng năng lượng – ở châu Âu và hơn thế nữa. Giống như chúng ta đổ thêm dầu vào lửa lạm phát.

5/ Mối quan hệ toàn cầu đang bị rạn nứt

Bế tắc với Nga khiến châu Âu thiếu năng lượng chỉ là một ví dụ về rạn nứt địa chính trị. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tiếp tục xấu đi.

Tổng thống Joe Biden đã giữ nguyên các mức thuế do người tiền nhiệm Donald Trump áp đặt, và tiến thêm một bước với lệnh cấm bán chất bán dẫn tiên tiến. Đây là động thái có nguy cơ biến Trung Quốc giống cộng đồng người Amish – tức sống biệt lập và không tiếp cận với văn minh, công nghệ hiện đại. Tức là, phát triển công nghệ ở Trung Quốc bị đóng băng.

Mối quan hệ thương mại rạn nứt là lực cản làm chậm tăng trưởng ở cả hai nền kinh tế khổng lồ, trong đó Trung Quốc phải trả giá đắt nhất.

Đài Loan là điểm nóng cháy chậm có thể biến thành ngọn lửa bất ngờ. Sự cân bằng mong manh từng giúp duy trì hòa bình qua eo biển Đài Loan. Giờ đây, mọi thứ dường như đang bị phá vỡ, cùng với đó là niềm tin giữa Washington và Bắc Kinh – phần lớn là do sức mạnh chính trị và kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc.

Hậu quả của một bước đi sai lầm có thể rất nghiêm trọng.

Giả sử Mỹ quá hứng khởi, không kiềm chế và tiến tới công nhận nền độc lập của Đài Loan. Trung Quốc đáp trả bằng việc phong tỏa hòn đảo. Mỹ và các đồng minh áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt. Ngay cả khi tránh được xung đột, vai trò trung tâm của Đài Loan trong việc sản xuất chất bán dẫn — và vai trò trung tâm của Trung Quốc trong việc sản xuất mọi thứ — có thể đồng nghĩa với chuyện chuỗi cung ứng toàn cầu gặp khó khăn. Đây là điều tồi tệ nhất trong kỷ nguyên Covid.

May mắn thay, xung đột quân sự vẫn là một xác suất thấp. Và đối với một số quốc gia, sự rạn nứt ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ lại là một cơ hội. Việc Apple quyết định bắt đầu sản xuất iPhone 14 tại Ấn Độ là một dấu hiệu cho thấy các Big Tech đang phòng ngừa rủi ro địa chính trị. Các nước như Việt Nam và Mexico sẽ được hưởng lợi.

Những điều khác cũng có thể hoặc đúng hoặc sai.

Và tất nhiên, có những rủi ro không nằm gọn trong bất kỳ nhóm nào trong số này.

Thảo Nguyên chuyển ngữ

(Trích lược từ From Bad to Worse? Next Year’s Economic Risks Are Already Here – Bản tin LBC Xuân 2023)